Giá mủ cao su tăng hàng chục phần trăm, giúp lợi nhuận quý 3/2024 của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tăng bằng lần so với cùng kỳ, đồng thời cũng khiến không ít bên lo lắng.
Nếu lãi từ tỷ giá được các doanh nghiệp xuất khẩu cao su thành phẩm nhắc đến nhiều trong quý 2 trước đó thì đến quý 3, giá mủ cao su là chủ đề chính.
Thống kê của VietstockFinance cho thấy, 11 doanh nghiệp bán mủ cao su, với phần lớn nằm trong hệ thống Tập đoàn Cao su, hầu hết báo lãi tăng bằng lần. Các công ty cùng kỳ thua lỗ thì nay đều có lãi.
Trong khi đó, lợi nhuận 4 công ty cao su thành phẩm phân hóa. Việc giá nguyên vật liệu này tăng mạnh đã tạo không ít khó khăn.
Quý 3, tổng doanh thu ngành đạt 12.4 ngàn tỷ đồng, tăng 16%. Tổng lãi ròng hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, gấp 2.2 lần.
“Giá bán mủ cao su tăng”
“Giá bán mủ cao su tăng” là cụm từ xuất hiện trong mọi giải trình chênh lệch lợi nhuận quý 3 năm nay so với cùng kỳ của các doanh nghiệp trồng và kinh doanh mủ cao su.
Với mức giá bán mủ cao su bình quân tăng trên 40%, GVR và các thành viên như RTB, TRC, HRC báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ.
Trong đó, lãi ròng Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) gấp 11 lần, đạt 80 tỷ đồng, không chỉ nhờ giá đầu ra tăng mà giá vốn còn ghi giảm. Lãi gộp cũng như tỷ lệ biên lãi gộp lên cao nhất 3 năm. Thanh lý vườn cây cao su cũng góp phần đáng kể vào kết quả cuối cùng.
Câu chuyện tương tự diễn ra với TRC và HRC. Lãi ròng Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) hơn 73 tỷ đồng, cao nhất 10 năm. Không chỉ giá bán, sản lượng Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) đợt này cũng cải thiện, đưa doanh thu và lãi gộp lên mặt bằng cao thời gian gần đây, thu lãi gấp 4 lần.
Sản lượng Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) giảm, nhưng giá tăng đã giúp Công ty tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận.
Giá bán mủ cao su tăng, không còn lỗ công ty liên doanh/liên kết, tăng thu nhập từ bồi thường thu hồi đất, trả đất về địa phương là những lý do giúp lãi ròng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) gấp 3 lần cùng kỳ, đạt gần ngàn tỷ đồng.
Duy nhất Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) giảm lãi, do không phát sinh doanh thu một lần từ cho thuê mới đất và hạ tầng khu công nghiệp. Mảng cao su tích cực giữ cho kết quả không lùi quá sâu.
Nhóm GVR và các công ty thành viên báo lãi tăng bằng lần (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Lãi gộp tăng nhiều lần
Bên ngoài hệ thống Tập đoàn Cao su, doanh thu và lãi gộp của DRG, SBR hay TNC cũng hưởng lợi thấy rõ và tăng nhiều lần khi mủ cao su tăng giá. Phần lớn cổ phần các doanh nghiệp này thuộc về UBND các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.
So với DPR hay HBR, giá mủ đầu ra của Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRG) tăng thấp hơn, chỉ khoảng 27%, nhưng đủ giúp lãi gộp tăng 609%. Lãi ròng theo đó tăng 473%.
Doanh thu Cao su Sông Bé (UPCoM: SBR) lên đỉnh 5 năm. Lợi nhuận sau khấu trừ giá vốn gấp 5.5 lần, nhờ tăng giá mủ cao su SVR3L. Công ty nhà nước này lãi ròng hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thua lỗ.
Lãi gộp Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) đạt 12.5 tỷ đồng, gấp 3.4 lần quý 3 năm ngoái và cao nhất trong hơn chục năm qua.
Kết quả nhóm doanh nghiệp cao su nhà nước còn lại cũng tích cực không kém (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Tỷ giá “hết phép”?
Ở nhóm cao su thành phẩm, việc giá mủ cao su tăng mạnh lại là nguyên nhân chính khiến kết quả kém đi. Lợi nhuận các công ty phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như CSM và DRC còn bị ảnh hưởng đáng kể bởi lỗ tỷ giá.
Trong 3 cái tên sản xuất lốp xe, duy nhất Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) lãi tăng dù doanh thu đi lùi, nhờ giảm hơn một nửa chi phí bán hàng. Lãi ròng của CSM đạt gần 23 tỷ đồng trong quý 3, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc lỗ ròng tỷ giá gần 20 tỷ đồng.
Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) cũng cho biết, tỷ giá giảm là 1 trong 2 nguyên nhân khiến lợi nhuận cuối cùng lùi đến 40%. Lý do còn lại là giá nguyên vật liệu tăng cao, dù doanh thu DRC đạt hơn 1.2 ngàn tỷ đồng.
Hoạt động của Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) không chịu nhiều tác động của tỷ giá. Chủ thương hiệu lốp xe SRC vẫn duy trì mặt bằng doanh thu cao, nhưng giảm lãi do giá vốn tăng nhiều hơn.
Riêng Cao su Bến Thành (HOSE: BRC) không kinh doanh săm lốp xe và cũng ít chịu ảnh hưởng từ tỷ giá, đang trên đà thuận lợi với doanh thu 124 tỷ đồng, liên tục lập đỉnh mới kể từ quý 2.
BRC lãi ròng gần 8 tỷ đồng - mức cao đáng kể từ khi hoạt động. Sản phẩm băng tải và cao su kỹ thuật là yếu tố chủ chốt mang về kết quả tích cực.
Một số công ty cao su thành phẩm gặp bất lợi khi giá mủ cao su tăng (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Buộc tăng giá bán để bù đắp?
Các công ty chứng khoán dự báo: giá cao su tự nhiên sắp tới sẽ khó giảm, thậm chí tiếp tục duy trì ở mức cao qua năm 2025. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nguyên nhân do loạt yếu tố tác động như thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, thay đổi thời tiết.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong mảng này, theo đó, có thể tăng 38% trong năm 2025, thuộc nhóm cao nhất và chỉ thấp hơn ngành bán lẻ, phân bón và khu công nghiệp.
Ngược lại, áp lực lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất cao su thành phẩm nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới do giá đầu vào tăng mạnh.
BVSC nhận định, DRC chưa thể đẩy giá bán sang khách hàng kịp thời, khiến dự báo về lợi nhuận đối với công ty sản xuất lốp xe có trụ sở tại Đà Nẵng giảm nhẹ sau khi năm 2024 kết thúc. DRC có kế hoạch tiếp tục tăng giá bán tất cả sản phẩm khoảng 3-5% vào tháng 12, sau khi đã tăng 3% vào đầu tháng 7.
Theo Tử kính
Xem thêm: Giá cao su hôm nay 2/11
Giá cao su đầu tuần tăng nhẹ trên một số sàn giao dịch sau khi các báo cáo trong tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/11, giá cao su thiên nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 đứng ở mức 17.660 nhân dân tệ/tấn, tăng 95 nhân dân tệ/tấn, tương đương 0,5% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 12 tại Thái Lan cũng tăng nhẹ 0,1%, chốt ở mức 79,85 Baht/kg.
Riêng giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản ổn định ở mức 348 yen/kg.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc NBS, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua đã tăng lên 50,1, cho thấy ngành sản xuất của nước này đã kết thúc thời kỳ thu hẹp kéo dài trong 5 tháng liên tiếp và bắt đầu bước vào giai đoạn mở rộng.
Còn theo dữ liệu của QinRex cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 1,2 triệu tấn cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là 118.000 tấn, giảm 33%.
Về chủng loại, cao su tự nhiên chiếm phần lớn trong tổng xuất khẩu cao su của Indonesia với 1,19 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Thái Lan, Tổng cục Cao su Thái Lan đã tạm ngừng vô thời hạn việc đấu giá mua bán cao su EUDR từ ngày 24/10. Động thái này là do Luật chống phá rừng của EU (EUDR) đã được đề xuất tạm hoãn, dẫn đến việc không có người mua nào tham gia thị trường cao su.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tạm hoãn thời hạn thực thi Luật chống phá rừng của EU thêm 12 tháng, với kế hoạch áp dụng cho các doanh nghiệp lớn vào ngày 30 tháng 12 năm 2025, trong khi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời hạn là ngày 30 tháng 6 năm 2026. Điều này đã dẫn đến việc hiện tại không có ai mua cao su đạt tiêu chuẩn EUDR trên thị trường giao dịch cao su.
Thông thường, Tổng cục Cao su Thái Lan sẽ thực hiện giao dịch cao su EUDR trên nền tảng TRT tại 8 thị trường. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức thứ ba và thứ năm hàng tuần, nhưng hiện tại các cuộc đấu giá sẽ tạm thời bị hoãn lại.
Tổng cục Cao su Thái Lan đã phát động cuộc đấu giá cao su EUDR lần đầu tiên vào ngày 29/4/2024, thu hút một số lượng lớn các công ty có nhu cầu về cao su tham gia đấu thầu. Điều này dẫn đến giá cao su hun khói RSS 3 tăng lên mức cao nhất là 94,01 baht/kg, giá mủ ly tâm 100% DRC đạt 66,80 baht/kg, trong khi mủ ly tâm 65% DRC cao nhất là 43,42 baht/kg.
Tần suất đấu giá sau đó được tăng từ 1 lần/tuần lên 2 lần/tuần theo yêu cầu của các doanh nghiệp và hiệp hội nông dân trồng cao su.
Tuy nhiên, tính đến ngày 24/10, giá xuất xưởng cao su tấm thô tại thị trường giao dịch Songkhla đã giảm 3 Baht/kg, từ 77 Baht xuống còn 74 Baht; giá cao su tấm xông khói giảm 1,33 Baht/kg, từ 77,33 Baht xuống còn 76 Baht.
Được biết, lý do khiến giá cao su tấm thô xuất khẩu giảm là do tình hình kinh tế yếu kém của Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su chính. Các công ty có khả năng thu mua thì chuyển sang nhập khẩu từ Việt Nam vì giá thấp hơn, chênh lệch khoảng 10 Baht/kg.
Tại trong nước, Công ty Cao su Phú Riềng điều chỉnh giá thu mua mủ tạp về mức 440 đồng/DRC, giảm 5 đồng/DRRC; mủ nước giảm 10 đồng/TSC, xuống còn 485 đồng/TSC.
Giá thu mua của các công ty khác nhìn chung vẫn ổn định. Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 465 - 475 đồng/TSC; mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 15.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 19.500 – 21.000 đồng/kg.
Tương tự, giá thu mua của Công ty Cao su Mang Yang đi ngang ở mức 443 – 447 đồng/TSC đối với mủ nước; mủ đông tạp đạt 406 – 461 đồng/DRC.
Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh
Theo ghi nhận, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch TOCOM và Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) đồng loạt tăng nhẹ, mức điều chỉnh dưới 5%.
Giá cao su thế giới
Theo trang giacaphe.com, giá cao su RSS3 trực tuyến trên Sàn giao dịch TOCOM - Tokyo (Nhật Bản) đạt mức 352 yen/kg sau khi tăng nhẹ 0,11% tại kỳ hạn tháng 1/2025.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su thiên nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 đạt mức 17.815 nhân dân tệ/tấn sau khi tăng nhẹ 0,11%.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, hoạt động sản xuất của các nhà máy của Trung Quốc có khả năng suy giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 10, nhưng mức giảm nhẹ, củng cố sự lạc quan của các quan chức rằng các biện pháp kích thích kinh tế gần đây sẽ đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở lại đúng quỹ đạo.
Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch phát hành hơn 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) trái phiếu trong những năm tới để khôi phục nền kinh tế.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã quyết định tăng thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc lên tới 45,3% sau khi kết thúc cuộc điều tra gây chia rẽ ở châu Âu và thúc đẩy hành động sự trả đũa từ Bắc Kinh.
Doanh số bán ô tô có thể ảnh hưởng đến sản lượng ô tô sản xuất, vốn liên quan đến việc sử dụng lốp xe làm từ cao su.
Đồng yen giảm 0,06% xuống còn 153,27 yen đổi một USD, giảm từ mức cao nhất trong ba tháng vào hôm thứ ba (29/10), khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và đồng yen bị áp lực bởi sự bất ổn chính trị kể từ khi liên minh cầm quyền Nhật Bản mất đa số ghế trong quốc hội vào cuối tuần qua.
Một yen mạnh hơn khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài, theo Reuters.
Thông tin từ Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (Bernama), Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia cho biết Chính phủ nước này đang soạn thảo kế hoạch nhằm hợp nhất và phục hồi các vùng đất cao su để trồng lại.
Theo đó, các nỗ lực khôi phục và sản xuất trên 420.000 ha đất chưa được khai thác ở mức tối ưu có thể mang lại khoảng 585.000 tấn cao su mỗi năm, qua đó làm giảm việc nhập khẩu cao su tự nhiên và ngăn chặn tình trạng dòng chảy ngoại tệ ra khỏi quốc ra.
Để triển khai chương trình này, chính phủ đã phân bổ 20 triệu Ringgit thông qua Ngân sách năm 2025.
Malaysia là quốc gia sản xuất cao su lớn thứ tám thế giới. Tuy nhiên, năm 2023, nước này vẫn phải nhập khẩu 1 triệu tấn cao su với trị giá 5,73 tỷ Ringgit để đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến và sản xuất trong nước.
Giá cao su trong nước
Tại trong nước, giá thu mua mủ cao su của các công ty giữ ổn định trong ngày hôm nay.
Theo đó, Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 465 - 475 đồng/TSC; mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 15.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 19.500 – 21.000 đồng/kg.
Công ty Cao su Phú Riềng báo giá mủ tạp ở mức 450 đồng/DRC và mủ nước là 500 đồng/TSC.
Tương tự, giá thu mua của Công ty Cao su Mang Yang đi ngang ở mức 443 – 447 đồng/TSC đối với mủ nước; mủ đông tạp đạt 406 – 461 đồng/DRC.
Theo Hoàng Hậu (t/h)