HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 28 10 2024

Thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong tháng 8 vừa qua đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch và chất lượng một số loại rau quả như: thanh long, xoài, nhãn, na, mít… Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2024, nguồn cung rau quả nhìn chung vẫn khá dồi dào khi sản lượng sầu riêng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; ổi tăng 5,5%; mít tăng 3,8%; chanh leo tăng 3,2%; cam tăng 2,4%; riêng thanh long giảm hơn 6%. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng trong dịp Rằm tháng 7, nhưng giá rau quả ít biến động, một số loại còn giảm nhẹ. 

 

Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả tiếp đà tăng trưởng khả quan với nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Dự báo sang quý IV/2024, xuất khẩu rau quả sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại, các Nghị định thư.

- Tình hình cung-cầu, diễn biến giá các loại rau quả

Trong tháng 8/2024, một số loại trái cây chủ lực giảm sản lượng thu hoạch so với tháng 7/2024, trừ sầu riêng và nhãn. Thị trường trái cây sôi động hơn trong dịp Rằm tháng 7 vừa qua, nhưng nhìn chung giá các loại trái cây chỉ tăng cục bộ những ngày cận Rằm, sau đó đã giảm trở lại.

+ Thanh long

Trong tháng 8/2024, thanh long tiếp tục cho thu hoạch vụ thuận, tuy nhiên, sản lượng thu hoạch đã giảm dần khi gần vào cuối vụ, cộng với thời tiết mưa nhiều làm giảm chất lượng quả. Ước tính sản lượng thanh long trong tháng 8 đạt khoảng 59,7 nghìn tấn, giảm 38 nghìn tấn so với tháng trước đó, trong đó: Bình Thuận thu hoạch khoảng 30 nghìn tấn (giảm 5 nghìn tấn so với tháng trước đó); Tiền Giang ước đạt 9 nghìn tấn (giảm 23 nghìn tấn), Long An là 8 nghìn tấn (giảm 9 nghìn tấn)… Mưa nhiều khiến chất lượng quả giảm, cộng với xuất khẩu khó khăn hơn bởi trùng thời điểm thu hoạch thanh long chính vụ ở Trung Quốc, do đó, giá thanh long tiếp tục giảm so với tháng 7/2024. Tại Tiền Giang, giá thu mua thanh long ruột đỏ loại I giảm 5.000 đ/kg, còn 15.000 - 20.000 đ/kg; loại 2 có giá 12.000 – 15.000 đ/kg, giảm 7.000 đ/kg; loại 3 từ 8.000 – 10.000 đ/kg, giảm từ 6.000 – 8.000 đ/kg so với tháng 7/2024. Giá thu mua thanh long ruột trắng từ 12.000 đ/kg – 16.000 đ/kg, cũng giảm 5.000 đ/kg. Còn tại các chợ ở Hà Nội, giá bán lẻ thanh long ruột đỏ loại I dao động từ 25.000 – 30.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg; thanh long ruột trắng từ 20.000 – 25.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg so với tháng trước đó.

+ Sầu riêng

Tháng 8/2024 là thời điểm thu hoạch rộ sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; trong khi sản lượng sầu riêng ở tỉnh vùng ĐBSCL giảm dần khi vào cuối vụ thuận. Sản lượng sầu riêng thu hoạch trong tháng 8/2024 ước đạt 222,5 nghìn tấn, tăng 105,8 nghìn tấn so với tháng 7/2024; trong đó: Đắk Lắk đạt 85 nghìn tấn (tăng 54 nghìn tấn), Tiền Giang thu hoạch 48 nghìn tấn (tăng 23 nghìn tấn), Lâm Đồng 28 nghìn tấn (tăng 13 nghìn tấn), Cần Thơ là 4 nghìn tấn (giảm 1 nghìn tấn), Gia Lai là 6,8 nghìn tấn (giảm 1,2 nghìn tấn), Đắk Nông thu hoạch 11 nghìn tấn. Nguồn cung tăng khiến giá loại quả này giảm so với tháng 7/2024. Tại khu vực Tây Nguyên, giá thu mua sầu riêng Ri6 đẹp từ 58.000 - 60.000 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg; sầu riêng Ri6 xô ở mức 43.000 – 45.000 đ/kg, giảm 3.000 – 5.000 đ/kg; sầu riêng Thái đẹp có mức 83.000 - 86.000 đ/kg, giảm 15.000 đ/kg; còn sầu riêng Thái xô tăng lên mức 63.000 – 66.000 đ/kg, giảm 18.000 đ/kg.

- Tình hình xuất nhập khẩu rau quả

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2023; các mặt hàng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước gồm: sầu riêng (tăng 50,4%), dừa (tăng 48,9%), nhãn (tăng 112,6%) và dứa (tăng 184,6%); riêng xuất khẩu thanh long tiếp tục giảm 19,7%.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu rau quả (bao gồm chế biến) của Việt Nam qua các tháng năm 2023 - 2024

(ĐVT: Triệu USD)

Nguồn: Trung tâm Thông tin CN&TM tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng năm 2024 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đứng thứ hai là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch trong 7 tháng năm 2024 đạt 189,4 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 4,9%. Tiếp theo là xuất khẩu tới Thái Lan với kim ngạch đạt 122,2 triệu USD, tăng 70,1% so với 7 tháng năm 2023 và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU trong 7 tháng năm 2024 đạt 138,5 triệu USD, tăng 3,2% so cùng kỳ năm 2023 và chiếm 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Nhìn chung xuất khẩu rau quả sang các thị trường đều tăng trưởng trên hai con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới thị trường Thái Lan, Hàn Quốc (tăng 51,1%), Đức (tăng 118,7%) và Canada (tăng 56,1%). Riêng xuất khẩu sang Ý và Hà Lan giảm nhẹ, lần lượt giảm 12,6% và 23,9% so với 7 tháng năm 2023.

Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hai Nghị định thư cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, hiệu lực từ 19/8/2024. Các Nghị định thư này sẽ là yếu tố mới thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam, bên cạnh nhu cầu rau quả của thị trường thế giới cũng gia tăng vào quý cuối năm, nhất là đối với mặt hàng sầu riêng và dừa sang thị trường Trung Quốc. Năm 2024, dự báo xuất khẩu sầu riêng có thể tăng lên hơn 3,2 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2023. Tương tự, xuất khẩu dừa tươi có thể tăng 50% so với năm 2023 lên khoảng 200 triệu USD trong năm 2024. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự báo đạt trên 6,5 – 6,6 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2023.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại

Datetime: 28 10 2024

Giá cao su hôm nay ngày 28/10 đồng loạt nhẹ trên sàn giao dịch TOCOM và SHFE. Trong đó, giá cao su kỳ hạn giao tháng 11/2024 trên sàn giao dịch SHFE có mức giảm cao nhất với 1,15%.

Giá cao su thế giới

Tại sở hàng hoá Tokyo (TOCOM) – Nhật Bản, giá cao su  RSS3 đảo chiều giảm nhẹ 0,41% xuống mức 390,6 yen/kg đối với hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11/2024; đối với hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 0,4%, lên mức 372 yen/kg

Giá cao su hôm nay 2810  Đồng loạt giảm

Tương tự, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 11/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE) – Trung Quốc giảm mạnh 1,15% (tương đương giảm 195 nhân dân tệ/tấn) xuống mức mức 16.705 nhân dân tệ/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2025 giảm 0,69%, đạt 17.910 nhân dân tệ/tấn.
TheoThe Hindu Business Line, Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA) cho biết nguồn cung cao su tự nhiên trong nước vẫn kém khả quan mặc dù giá đang ở mức cao nhất trong 13 năm qua.

Trong 6 tháng đầu năm tài chính hiện tại (từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2024), ATMA ước tính sản lượng cao su tự nhiên chỉ đạt 225.000 tấn, thấp hơn 37% so với mức 356.000 tấn do Hội đồng Cao su Ấn Độ công bố trong cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu sản xuất gần đây từ Hội đồng Cao su Ấn Độ bị chậm trễ đáng kể, với số liệu thống kê chính thức trên trang web chỉ cập nhật đến tháng 5/2024, chậm 4 tháng. Vì vậy, ATMA kêu gọi Hội đồng Cao su nhanh chóng công bố dữ liệu sản xuất hàng tháng và đưa ra ước tính sơ bộ vào ngày 10 của tháng tiếp theo.

Ngoài ra, ATMA cũng cho rằng các số liệu đã công bố cho tháng 4 và tháng 5 cần được xem xét lại vì các con số không phản ánh đúng thực trạng nguồn cung thực tế thấp hơn so với số liệu đã công bố. Việc thiếu hụt cao su tự nhiên này được cho là do mùa hè khắc nghiệt bất thường trong năm nay và mưa lớn trái mùa từ giữa tháng 5.

Ông Rajiv Budhraja, Tổng Giám đốc ATMA, bày tỏ mong muốn Hội đồng Cao su điều chỉnh lại cơ chế thu thập dữ liệu để phản ánh đúng thực trạng thị trường và đảm bảo lợi ích của toàn chuỗi giá trị.

ATMA cũng hy vọng Hội đồng Cao su sẽ điều chỉnh dự báo sản lượng 875.000 tấn cho năm tài chính 2024-25 sao cho phù hợp với thực tế.

Việc lập kế hoạch sản xuất tại các nhà máy lốp xe phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cao su tự nhiên, vì đây là nguyên liệu thô quan trọng. Do đó, việc cung cấp dữ liệu kịp thời và chính xác về sản lượng trong nước là rất cần thiết cho kế hoạch nhập khẩu, ATMA cho biết.

Tại thị trường trong nước, giá mủ cao tiếp tục giữ ổn định trong ngày cuối tuần.

Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 455 – 465 đồng/TSC; mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 15.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 19.500 – 21.000 đồng/kg.

Còn tại Công ty Cao su Phú Riềng, mủ tạp được thu mua với giá 450 đồng/DRC và mủ nước là 500 đồng/TSC.

Tương tự, giá thu mua của Công ty Cao su Mang Yang đi ngang ở mức 443 – 447 đồng/TSC đối với mủ nước; mủ đông tạp đạt 406 – 461 đồng/DRC

Theo Thị trường. Net

 

Datetime: 23 10 2024

       Ngày 22/10/2024, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco) tổ chức Lễ công bố Chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) cho việc quản lý rừng bền vững và Chứng nhận FSC CoC (Chain of Custody) cho chuỗi hành trình sản phẩm, đồng thời cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình theo Quy định Chống Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Hai chứng nhận này đảm bảo rằng cao su của Dakruco được

khai thác từ các khu rừng quản lý có trách nhiệm, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, hoàn toàn đáp ứng Quy định EUDR của Liên minh châu Âu ngay trước cả khi đạo luật này chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.

Tổ chức Bureau Veritas Certification VIETNAM cấp Chứng nhận FSC-FM/CoC cho Dakruco

 Ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch HĐQT Dakruco phát biểu tại sự kiện

 

Đại diện Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk phát biểu tại Lễ công bố

 

Đại biểu tham dự Lễ công bố

 

Đại diện Tổ chức FSC Việt Nam phát biểu

 

Ông Nguyễn Đức Tố Lưu – Đại diện PanNature chúc mừng nỗ lực của Dakruco trong quá trình cấp chứng nhận FSC-FM/CoC

Dakruco thành lập năm 1993, hiện đang quản lý trên 10.000 hecta cao su cùng một số lĩnh vực kinh doanh khác. Công ty khởi động Dự án “Chương trình phát triển rừng cao su bền vững” từ cuối năm 2020 và thực hiện hàng loạt các hoạt động như: thành lập Ban phát triển cao su bền vững; tập huấn, đào tạo cho cán bộ và đội ngũ nhân viên; sửa đổi quy trình để phù hợp với 10 Nguyên tắc trong Bộ Tiêu chuẩn quản lý rừng FSC quốc gia Việt Nam, trồng cây rừng bản địa để đảm bảo diện tích phục hồi sinh thái…

Nông trường cao su của Dakruco

Từ cuối năm 2020 đến năm 2022, Dakruco đã gần như hoàn thiện các yêu cầu cần thiết của 10 Nguyên tắc trong Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng Quốc gia Việt Nam. Sau một số hoạt động đánh giá, bổ sung, sửa đổi tiếp theo đó, Dakruco đã chính thức được Bureau Veritas Certification VIETNAM cấp Chứng nhận cho Chuỗi hành trình sản phẩm của Dakruco tại Nhà máy chế biến mủ cao su vào ngày 02/02/2024 với mã chứng nhận BV-COC-19853 và Chứng nhận Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững với diện tích 1.121,76 ha tại 02 Nông trường 19/8 và Nông trường Phú Xuân vào ngày 06/9/2024 với mã chứng nhận BV-FM/COC-196797.

Gần đây, Công ty đặc biệt chú trọng thực hiện Chương trình số hóa trong quản lý, điều hành nhằm tạo nền tảng chuẩn bị sẵn sàng cho việc đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) từ cuối năm 2023. Cụ thể:

  • Về yêu cầu thông tin: Dakruco đã hoàn thiện sửa đổi các quy trình để việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao su từ vườn cây đến khi xuất bán cho khách hàng; định vị được vị trí các lô cao su; tuân thủ các quy định về pháp luật, các sản phẩm của Dakruco là sản phẩm không có nguồn gốc từ việc phá rừng;
  • Xác định và đánh giá rủi ro về phá rừng: diện tích trồng cao su của Dakruco đã là lần canh tác chu kỳ thứ 2 đối với cây cao su nên việc phá rừng sau năm 2020 là không có;
  • Xây dựng và triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro: Dakruco đang kết hợp với Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) thực hiện đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và biện pháp khắc phục.

Hiện tại, những lô hàng đầu tiên đáp ứng EUDR của Dakruco đã được xuất sang châu Âu. Đặc biệt, Công ty đang tiếp tục triển khai thực hiện Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững nhằm đảm bảo phát triển cao su bền vững, tiếp tục đưa ra kế hoạch lâu dài để mở rộng diện tích chứng nhận FSC để đạt được mục tiêu 100% diện tích rừng cao su có chứng nhận FSC, đóng góp vào Chương trình thực hiện mục tiêu NetZero đến năm 2050 của Chính phủ và bán tín chỉ carbon thông qua việc từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến dây chuyền công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tái sử dụng nước thải, phát triển diện tích rừng trồng phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên…

Là một trong những đối tác đồng hành với Dakruco, thời gian qua, PanNature và Dakruco đã cùng nhau thực hiện những tư vấn về xây dựng hồ sơ chứng chỉ, thực hiện tham vấn cộng đồng, khảo sát đánh giá đa dạng sinh học và tổ chức các lớp tập huấn cho người dân trồng cao su, qua đó, giúp Dakruco quản lý và bảo vệ các giá trị sinh thái một cách tốt nhất. Việc phát hiện và bảo vệ đàn chim di cư hàng năm trên những mảnh vườn cao su của Dakruco là một ví dụ điển hình về cách thức mà doanh nghiệp có thể góp phần vào bảo tồn đa dạng sinh học ngoài những khu bảo tồn.

Cùng với đó, PanNature cũng hỗ trợ Dakruco xây dựng và chuẩn bị hồ sơ để đáp ứng yêu cầu mới của châu Âu về sản phẩm không phá rừng bao gồm việc xác định vùng trồng, lập bản đồ định vị vùng trồng, kiểm tra nguồn gốc không phá rừng, và đánh giá rủi ro của cả quá trình sản xuất mủ cao su từ vườn cho đến sản phẩm xuất khẩu.

Thời gian tới, PanNature tiếp tục cam kết đồng hành cùng Dakruco để nhân rộng diện tích được chứng nhận FSC và nhiều sản phẩm đáp ứng EUDR hơn nữa, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thành công cho quản lý sản xuất và kinh doanh, mang lại hiệu quả và giá trị cho Dakruco cũng như ngành cao su và những người nông dân trồng cao su, công nhân khai thác cao su.

Theo Thanh Niên. Net