HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 14 02 2025

Thị trường cao su ghi nhận diễn biến tăng nhẹ ở Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi Thái Lan sụt giảm, chạm mức thấp nhất hơn một tháng qua.

Cập nhật giá cao su thế giới 

Kết thúc phiên giao dịch 13/2, tại Trung Quốc giá cao su  kỳ hạn tháng 3 trên Sàn Thượng Hải tăng 1,1% (185 CNY) lên mức 17.695 CNY/kg, trên Sàn OSE Nhật Bản ghi nhận tăng nhẹ 0,4% (1,4 yen) lên mức 371,8 yen/kg. Trong khi đó, ở Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 3 giảm 1,2% (0,97 baht) về mức 79,25 baht/kg, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/1 hồi đầu năm.

   Nguồn: Sàn OSE và Hiệp hội cao su Thái Lan 

Doanh số ô tô của Trung Quốc giảm 12% trong tháng Giêng so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong gần một năm khi các nhà sản xuất ô tô chuẩn bị cho sự cạnh tranh gay gắt.

Doanh số ô tô có thể ảnh hưởng đến cường độ sản xuất ô tô, liên quan đến việc sử dụng lốp xe làm từ cao su. Trong khi đó, các cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hoàn tất kế hoạch cho các mức thuế mà Tổng thống công bố gần đây, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu mở rộng.

Tuy nhiên, thị trường thượng nguồn vẫn lạc quan, khi các khu vực sản xuất cao su ở Đông Nam Á dự kiến sẽ ngừng thu hoạch, và nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu đang chuyển sang giai đoạn sản xuất trái mùa, theo thông tin từ Cổng Thông tin Cao su của Trung Quốc - Natural Rubber Network. Các vụ mùa cao su thường trải qua một mùa sản lượng thấp từ tháng 2 đến tháng 5, trước khi bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm kéo dài đến tháng 9. Trong khi đó, đồng USD cao hơn đồng yen làm cho tài sản định giá bằng yen trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người mua nước ngoài.

Theo Bộ Nông nghiệp và Hàng hóa (KPK) của Malaysia, quốc gia này liên tục nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước sản xuất cao su lớn, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan nhằm đảm bảo giá cao su ổn định hơn.

Người đại diện KPK cũng cho biết thêm: “Giống như các mặt hàng khác, giá cao su thiên nhiên phụ thuộc rất nhiều từ cung – cầu thế giới thay vì cho Chính phủ quyết định”. Những nỗ lực hướng tới chuẩn hóa giá cao su được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC) và cả Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC).

Đồng thời, thông qua những nỗ lực này, Malaysia cũng hy vọng có thể hợp tác với các nước sản xuất lớn để giải quyết thách thức về giá cả - phần lớn đang chịu ảnh hưởng từ các giao dịch Hợp đồng tương lai trên Sàn SICOM Singapore chi phối, để những người nông dân nhỏ có thể đón nhận mức giá cao su công bằng hơn”.

Cập nhật giá cao su trong nước

Trong nước, các doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC/DRC.

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, báo giá thu mua mủ nước ổn định ở mức 409 đồng/độ TSC/kg; mủ đông DRC (35 - 44%) là 14.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 18.200 – 19.600 đồng/kg.

Còn tại Công ty Cao su Mang Yang, giá thu mua mủ nước ổn định trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

 

Datetime: 11 02 2025
Thị trường cao su ghi nhận diễn biến tiêu cực hơn sau các thông tin liên tiếp gần đây về việc Mỹ sẽ áp thuế nhiều mặt hàng quan trọng.
 

Cập nhật giá cao su thế giới 

Kết thúc phiên giao dịch 10/2, giá cao su  RSS3 kỳ hạn tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản giảm 0,4% (1,4 yen/kg). Tương tự tại Thái Lan, giá cao su giảm 0,8% (0,7 baht/kg) về mức 81,8 baht/kg; còn Trung Quốc giảm 0,9% (165 CNY/kg) về mức 17.275 CNY/kg.

  Nguồn: Sàn OSE và Hiệp hội cao su Thái Lan 

Thị trường cao su Nhật Bản đã chạm mức thấp nhất trong gần một tháng qua khi các thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu tăng đã góp phần hạn chế đà giảm của giá cao su.

Yokohama TWS, một công ty con của nhà sản xuất lốp xe hàng đầu Nhật Bản Yokohama Rubber Company, vào đầu tháng 2 quyết định thành lập một Trung tâm tại Istanbul như một phần trong chiến lược mở rộng thị trường toàn cầu.

Là một phần của sáng kiến này, công ty Nhật Bản đã thành lập Yokohama TWS Türkiye Tire Industry and Trade, nhằm đáp ứng nhu cầu lốp xe của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phục vụ các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Công ty nhấn mạnh vai trò trung tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong thị trường lốp xe địa hình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty Nhật Bản tuyên bố rằng hoạt động mới sẽ cho phép thời gian giao hàng nhanh hơn và giới thiệu nhiều giải pháp ra thị trường. Mặc dù Yokohama TWS công nhận Thổ Nhĩ Kỳ là một trung tâm quan trọng ở thị trường lốp xe địa hình Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA), nhưng họ không tiết lộ số liệu cụ thể hoặc dự báo tăng trưởng chi tiết từng khu vực trong tuyên bố của mình.

Yokohama Rubber Co., Ltd. là một nhà sản xuất lốp xe và cao su toàn cầu được thành lập tại Nhật Bản vào năm 1917, với lịch sử 108 năm và hiện có khoảng 27.000 nhân viên. Tập đoàn sản xuất lốp xe cho xe du lịch, xe tải, xe địa hình và các ứng dụng công nghiệp với các sản phẩm khác nhau làm từ cao su.

Yokohama TWS (Tire & Wheel Systems) là một đơn vị chuyên phụ trách mảng sản xuất lốp xe địa hình của công ty, đặc biệt lốp xe cho xe nông nghiệp, xây dựng và công nghiệp. Một thương hiệu ghi dấu hoạt động trên khắp các thị trường EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi), Châu Mỹ và Châu Á.

Cập nhật giá cao su trong nước

Trong nước, các doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC/DRC.

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, báo giá thu mua mủ nước ổn định ở mức 409 đồng/độ TSC/kg; mủ đông DRC (35 - 44%) là 14.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 18.200 – 19.600 đồng/kg.

Còn tại Công ty Cao su Mang Yang, giá thu mua mủ nước ổn định trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Datetime: 10 02 2025

Qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (DAKRUCO) đã trở thành doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn của tỉnh Đắk Lắk.

Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco) được thành lập năm 1993, tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Cao su Đắk Lắk (thành lập từ năm 1984). Dakruco đang quản lý trên 10.000 ha cao su, với 8 chi nhánh trực thuộc, một công ty con thực hiện dự án đầu tư trồng cao su trên địa bàn tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và hệ thống khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Sản phẩm chính của công ty là mủ cao su, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Đức, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Hoa Kỳ…Ngoài ra Dakruco còn kinh doanh khách sạn, nhà hàng và các sản phẩm trái cây theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dakruco cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng - ISO 9001 từ năm 2000; Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm - ISO/IEC 17025 từ năm 2002; Hệ thống quản lý môi trường - ISO 14001 từ năm 2008; Cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu cao su Việt Nam từ năm 2016; Sản phẩm trái cây của Dakruco đã được chứng nhận VietGAP và mới đây là chứng nhận GlobalGAP trên sản phẩm dứa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, giúp sản phẩm của công ty khẳng định uy tín đối với khách hàng.

Công ty đã tạo nhiều việc làm và bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động, đồng thời góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Những năm qua, DAKRUCO chú trọng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu, công nghệ mới trong sản xuất, đa dạng hóa ngành hàng, sản phẩm kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lao động, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực luôn được đơn vị quan tâm sâu sắc.

Cùng với đó, giá vật tư, phân bón, xăng dầu tăng cao, điều này đã gây không ít khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trước tình hình đó, Công ty đã tái cơ cấu lại diện tích cao su, đưa các giống cao su mới có năng suất cao thay thế bộ giống cũ; ứng dụng công nghệ mới trong khai thác mủ cao su; triển khai giải pháp kỹ thuật mới, trồng xen một số cây ngắn ngày, cây công nghiệp trên vườn cao su; phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững... Tăng cường hoạt động chế biến sâu; phát triển, mở rộng thị trường sản phẩm chỉ thun cao su; gia tăng sản lượng và chất lượng chế biến các sản phẩm chỉ thun cao su.

Công ty đã triển khai Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại nông trường Cư Bao để chuyên canh trồng cây ăn quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP như sầu riêng, chuối, dứa... Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của công ty đã có mặt trên thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc... và được khách hàng đánh giá cao.

Chú trọng thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, số hóa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thực hiện văn phòng số; đổi mới công nghệ trong sản xuất; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ công tác quản lý và sản xuất kinh doanh gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với các quy định về phát triển bền vững của thế giới, của Liên minh châu Âu.

Nhờ đó, kết quả năm 2024, Dakruco đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điển hình, sản lượng mủ cao su đạt 7.800 tấn (đạt 112,4% kế hoạch), sản phẩm trái cây các loại đạt 2.899 tấn (đạt 104,9% kế hoạch), tổng doanh thu ước đạt 628 tỷ đồng (đạt 118% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng (đạt 293% kế hoạch), thu nhập bình quân đạt 7,35 triệu/người/tháng (đạt 104% kế hoạch).

Đặc biệt, năm 2024, DAKRUCO đã công bố Chứng nhận FSC-FM/CoC (Forest Stewardship Council) cho việc quản lý rừng bền vững và sự sẵn sàng đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho sản phẩm cao su. Cụ thể, chuỗi hành trình sản phẩm của Dakruco tại nhà máy chế biến mủ cao su được cấp chứng nhận với mã BV-COC-198533; Giấy chứng nhận hệ thống quản lý rừng cao su bền vững với diện tích gần 1.122 ha tại 2 nông trường 19/8 và Phú Xuân với mã BV-FM/COC-196797. Đây là doanh nghiệp đầu tiên ở Đắk Lắk và thứ tư cả nước được cấp Chứng nhận FSC-FM/CoC đối với vườn cây cao su và là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận này cho sản phẩm mủ cao su. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa Chương trình phát triển bền vững của Công ty lên một bước phát triển mới, mở rộng diện tích vườn cao su đạt tiêu chuẩn FSC-FM theo nhu cầu sản phẩm mủ cao su thiên nhiên có chứng nhận FSC-FM/CoC trên thị trường.

anh 3 ok

“Phát triển rừng cao su bền vững” theo 10 nguyên tắc"

Nhận thấy tầm quan trọng đó, cuối năm 2022, Dakruco khởi động dự án “Chương trình phát triển rừng cao su bền vững” theo 10 nguyên tắc trong Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng FSC quốc gia Việt Nam. Theo đó, công ty đã cử các cán bộ công nhân viên đi đào tạo, tập huấn tại các sự kiện, hội thảo có liên quan đến phát triển bền vững; sửa đổi các quy trình để phù hợp với 10 nguyên tắc trong Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng FSC quốc gia Việt Nam; trồng cây rừng bản địa để đảm bảo diện tích phục hồi sinh thái; công bố 20 chính sách, cam kết về lao động, môi trường và xã hội của mình trên website chính thức của Dakruco theo 10 nguyên tắc FSC đưa ra.

Công ty cũng đã đảm bảo việc tuân thủ nguyên tắc từ trong nội bộ Dakruco đến các hộ dân sống xung quanh khu vực vườn cao su; hợp tác với Trung tâm con người và thiên nhiên, thực hiện tham vấn cộng đồng, khảo sát đánh giá đa dạng sinh học và tổ chức các lớp tập huấn để người dân hiểu được phát triển bền vững; hoàn thiện sửa đổi các quy trình để việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao su từ vườn cây đến khi xuất bán cho khách hàng; định vị được vị trí các lô cao su; tuân thủ các quy định về pháp luật, đảm bảo các sản phẩm không có nguồn gốc từ việc phá rừng.

Với kết quả trên, ngày 2/2/2024, sản phẩm của Dakruco tại Nhà máy chế biến mủ cao su được cấp mã chứng nhận (BV-COC-198533); giấy chứng nhận Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững với diện tích 1.121,76 ha tại 2 nông trường (19/8 và Phú Xuân) được cấp ngày 6/9/2024 (BV-FM/COC-196797).

Cùng với việc phát triển cao su bền vững, Dakruco đã tiếp cận và sẵn sàng đáp ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu, từ cuối năm 2023 và đã xuất bán hàng sang châu Âu, kể cả nội địa cũng đã đáp ứng quy định này gần đây.

anh 4 ok

Mốc son ý nghĩa hướng tới phát triển bền vững của toàn ngành cao su

Ngày 22/10/2024, Dakruco vinh dự, tự hào công bố chứng nhận FSC-FM/CoC và báo cáo sự sẵn sàng đáp ứng quy định EUDR của Liên minh châu Âu, bắt đầu xuất bán những container hàng đầu tiên đạt chứng nhận FSC-FM/CoC.

Chứng chỉ FSC và quy định EUDR là những tiêu chuẩn toàn cầu về quản lý rừng bền vững, minh bạch chuỗi cung ứng và ngăn chặn phá rừng. Những nỗ lực của Dakruco trong việc đạt được các tiêu chuẩn này có sự đồng hành của nhiều tổ chức, trong đó có FSC Việt Nam, PanNature, Forest Trends… đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của công ty đối với trách nhiệm môi trường và cộng đồng.

Dakruco là doanh nghiệp thứ 2 của Việt Nam được chứng nhận FSC-FM/CoC quốc tế sau Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh (tỉnh Tây Ninh) và cũng là doanh nghiệp có diện tích cao su được chứng nhận FSC-FM/CoC quốc tế lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay (Dakruco: 1.121,76ha; Liên Anh: 128,42ha). Ngoài ra, Dakruco đã tiếp cận và sẵn sàng đáp ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) từ cuối năm 2023 và đã xuất bán hàng sang thị trường châu Âu; đối với sản phẩm mủ cao su tại Việt Nam hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp thực hiện kịp thời quy định này của EU.

Đây không chỉ là một dấu mốc quan trọng đối với Dakruco mà còn là một bước tiến ý nghĩa trong hành trình hướng tới phát triển bền vững của toàn ngành cao su Việt Nam nói chung và của Đắk Lắk nói riêng.

Phòng KD.XNK