HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 09 12 2020

 

 

 

 

Dự báo, xu hướng giá cao su tăng sẽ còn tiếp diễn trong các tháng tới, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, giữa bối cảnh doanh số bán ô tô ở Ấn Độ cũng tăng và Hoa Kỳ sẽ tung thêm chương trình kích thích kinh tế mới.

Sản xuất ô tô phục hồi từ Á sang Âu, giá cao su còn tăng mạnh

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, khối lượng và trị giá xuất khẩu cao su đạt 1,51 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% về khối lượng nhưng giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 76,2%, 3,8% và 2,1%. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2020 đạt 1.294,7 USD/tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại thị trường nội địa, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước diễn biến tăng mạnh vào khoảng cuối tháng 10/2020 và đầu tháng 11/2020, sau đó giảm về cuối tháng. Cụ thể, tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước tăng sau khi đạt mức cao 375 đồng/độ đã giảm xuống còn 300 đồng/độ vào ngày 18/11, mủ cao su giảm còn 12.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) tiếp tục đà tăng trong tháng 11/2020, song mức tăng chỉ dao động trong phạm vi hẹp. Giá cao su tăng do các thị trường hàng hóa lớn hy vọng ngày càng cao về vắc xin ngừa Covid-19 được phát triển thành công bởi hãng dược Pfizer (Hoa Kỳ).

Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) trong báo cáo mới nhất vừa công bố giữa tháng 10/2020 dự báo xu hướng giá cao su tăng sẽ còn tiếp diễn trong các tháng tới. Lý do chủ yếu bởi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, giữa bối cảnh doanh số bán ô tô ở Ấn Độ cũng tăng và Hoa Kỳ sẽ tung thêm chương trình kích thích kinh tế mới.

Trên thực tế, tháng 9/2020 vừa qua đánh dấu tháng đầu tiên ngành ô tô hồi phục gần như trên khắp toàn cầu, sau giai đoạn dài sa sút do dịch bệnh.

Ngành ô tô Trung Quốc hồi phục sớm nhất, ngay từ mùa hè và hiện đã có 3 tháng liên tiếp doanh số bán xe mới tăng trưởng. Cụ thể, tiêu thụ xe chở khách của Trung Quốc tháng 9/2020 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,91 triệu chiếc.

Đặc biệt, tiêu thụ ô tô khách của Ấn Độ trong tháng 9/2020 tăng mạnh 31,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng nhiều nhất trong vòng 27 tháng. Tiêu thụ xe hơi ở các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu… cũng bắt đầu hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh vì chính sách phong tỏa chống Covid-19.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/10 cũng đã thông báo sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm cao su nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc và EU kể từ 28/10. Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc đã tiến hành điều tra từ tháng 6/2019, kỳ vọng sẽ củng cố thêm đà tăng của giá cao su.

Dự báo, triển vọng tiêu thụ cao su tự nhiên thế giới cho cả năm 2020 sẽ đạt 12,61 triệu tấn, tăng so với mức 12,54 triệu tấn của dự báo đưa ra trước đó. Lý do điều chỉnh tăng bởi nhận định lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc sau những số liệu kinh tế mới công bố gần đây.

ANRPC đồng thời cũng nâng dự báo về triển vọng tiêu thụ cao su ở Ấn Độ khi các hoạt động sản xuất tại quốc gia Nam Á này dần phục hồi, nhất là lĩnh vực cao su.

Về nguồn cung, sản xuất cao su thiên nhiên năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh làm khan hiếm nhân lực lao động và gây khó khăn cho việc vận chuyển. Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đã giảm 8,7% trong 8 tháng đầu năm 2020, xuống 7,778 triệu tấn và dự báo sẽ giảm tiếp 3,8% trong 4 tháng còn lại của năm 2020.

ANRPC dự báo sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 6,8% so với năm 2019, xuống 12,901 triệu tấn, chủ yếu do sự sụt giảm ở Thái Lan và Ấn Độ.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đạt 934 nghìn tấn và 1,22 tỷ USD, tăng 41,6% về lượng và tăng 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Campuchia (chiếm thị phần 23,8%), Hàn Quốc (15,3%), Nhật Bản (10,8%) là ba thị trường cung cấp cao su nhập khẩu chính cho Việt Nam.

Thanh Nguyễn

Theo  Hải quan Online

 

 

 

 

Datetime: 07 12 2020

 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 1,4%, giảm nhẹ so với mức 1,5% của 9 tháng đầu năm 2019.

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất ngày 30/11 của Bộ Công Thương cho biết theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 9 tháng năm 2020, Mỹ nhập khẩu 1,21 triệu tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 2,12 tỉ USD, giảm 19,6% về lượng và giảm 25,4% về trị giá so với cùng kì năm 2019. 

Trong đó, Indonesia, Thái Lan và Canada, Hàn Quốc và Đức là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Mỹ. 

Trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 14 cho Mỹ với 17.620 tấn, trị giá 25,71 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019; thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 1,4%, giảm nhẹ so với mức 1,5% của 9 tháng đầu năm 2019. 

Theo Bộ Công Thương triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kiểm soát dịch COVID-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của quốc gia này. 

Các công ty sản xuất ô tô của Mỹ vẫn chưa bù đắp được sản lượng sụt giảm sau khoảng hai tháng ngừng hoạt động do dịch COVID-19. Việc phải ngừng hoạt động đã làm giảm lượng ô tô trữ kho khoảng 3,3 triệu xe và đình trệ kế hoạch sản xuất cho năm 2021.

Mỹ giảm gần 25% lượng nhập khẩu cao su Việt Nam

Thị trường cung cấp cao su cho Mỹ trong tháng 9 và 9 tháng năm 2020 (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005). Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ/Bộ Công Thương.

Trong 9 tháng năm 2020, nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Mỹ đạt 615.210 tấn, trị giá 907,69 triệu USD, giảm 20,3% về lượng và giảm gần 22% về trị giá so với cùng kì năm 2019. 

Indonesia, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Liberia và Việt Nam là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Mỹ trong 9 tháng năm 2020. 

Trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Mỹ, với 17.600 tấn, trị giá 25,53 triệu USD, giảm gần 25% về lượng và giảm 17,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 2,9%, giảm nhẹ so với 3% của 9 tháng đầu năm 2019.

Trong 9 tháng năm 2020, Mỹ nhập khẩu 434.930 tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 842,48 triệu USD, giảm 19,8% về lượng và giảm 29,8% về trị giá so với cùng kì năm 2019. 

Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Mexico và Pháp là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Mỹ trong 9 tháng năm 2020. 

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Mỹ có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của Mỹ giảm; trong khi thị phần của Hàn Quốc, Đức, Mexico và Pháp lại tăng. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của Mỹ.

Theo  VietNamBiz

 

Datetime: 02 12 2020

Từ 01/4/2020 đến nay, giá cao su trên thị trường quốc tế đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu do những yếu tố mang tính toàn cầu, nhất là nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.

Giá cao su đạt đỉnh 6 năm, người trồng vẫn không muốn bán

Giá cao su thiên nhiên trên thị trường Ấn Độ hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm nhưng người trồng cao su, nhất là ở Kerala, vẫn găm hàng lại chứ chưa muốn bán. Họ tiếp tục theo dõi diễn biến giá, và chờ đợi sẽ còn tăng thêm nữa.

“Giá cao su thiên nhiên hiện đã đạt trên 160 rupee/kg, nhưng vẫn khó mua. Người trồng cao su cho rằng giá sẽ còn tăng nữa, và lượng tồn trữ hiện không còn nhiều”, đại lý cao su N Radhakrishnan, người cũng là cựu chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Cao su Cochin cho biết.

Ngày 01/12/2020, giá cao su RSS-4 (tấm hun khói), loại cao su giao dịch chính trên thị trường, được chào ở mức 163 INR/kg tại Kottayam, theo thông tin từ Hội đồng Cao su nước này. Đây là mức giá chưa từng thấy kể từ 2014.

Trên thị trường thế giới, cao su RSS-3, được coi là ngang bằng với loại RSS-4 của Ấn Độ, được báo giá 244,80 USD/100 kg, tương đương 180,63 INR/kg.

Kể từ ngày 1/4/2020, giá cao su tự nhiên trên thị trường toàn cầu đã tăng gần gấp đôi. Xu hướng này được cho là chủ yếu bởi nhu cầu mạnh từ Trung Quốc, trong khi nguồn cung ở nhiều nước sản xuất chủ chốt Đông Nam Á sụt giảm do thiên tai.

3 lý do cao su tăng giá

Phó chủ tịch Hiệp hội Trồng trọt miền Nam Ấn Độ (UPASI), nghị sĩ Cherian cho biết, “Có ba lý do khiến giá tăng vọt. Thứ nhất: Trung Quốc đang mua mạnh. Thứ hai, sản xuất ở Thái Lan bị ảnh hưởng do những hạn chế mới liên quan đến vi rút Covid-19 (cản trở những công nhân khai thác cao su từ Lào và Myanmar đến Thái Lan). Thứ ba, cây cao su ở Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi bệnh sâu hại, một bệnh nấm gây rụng lá bất thường.”

Theo ông Cherian, trên thị trường nội địa, giá cao su giá cao su tăng còn bởi một nguyên nhân nữa, đó là nhu cầu xuất  khẩu mạnh đối với cao su CENEX (mủ cao su khô hàm lượng 60%), nhưng ông không nói rõ địa chỉ hàng đến.

Ông Cherian cho biết: “Vì cao su đã được xuất khẩu khỏi Ấn Độ dưới dạng CENEX trong khi sản lượng giảm nên giá tăng”.

Theo ông Radhakrishnan, sản lượng cao su của Ấn Độ năm nay thấp hơn năm ngoái do người trồng giảm khai thác khi giá giảm trong thời gian trước.

Sản lượng cao su thế giới giảm

Ông Radhakrishnan cho biết thêm: “Trên toàn cầu, sản lượng cao su đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Đông Nam Á, cộng thêm dịch bệnh rụng lá”.

Dữ liệu từ Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su toàn cầu giảm 8,7% xuống 7,78 triệu tấn trong tháng 1-8/2020. Hiệp hội dự kiến sản lượng cà năm 2020 sẽ giảm 6,8%, chỉ đạ 12,90 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, dữ liệu của Hội đồng Cao su cho thấy, sản lượng trong giai đoạn tháng 4-7/2020 giảm 26,8% xuống 134.000 tấn. Trong khi đó, tiêu thụ cùng thời gian đó giảm 39% còn 237.000 tấn, so với 389.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ cao su của các nhà sản xuất lốp xe nước này đã giảm 41% so cùng kỳ, chỉ còn 164.000 tấn.

 

“Người trồng cao su có thể đợi thêm vài ngày nữa để xem xu hướng giá sẽ ra sao trước khi quyết định bán số hàng dự trữ ra. Họ có thể chờ giá lên tới 180 – 185 INR/kg”, ông Radhakrishnan nói.

Khó khăn cho các nhà sản xuất lốp xe

Các công ty sản xuất săm lốp đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng quá cao.

“Tình hình chung là không tốt. Ngoài ra, chất lượng cao su mà các công ty sử dụng để sản xuất lốp radial cho xe tải và xe buýt năm nay cũng không tốt “, Rajiv Budhraja, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA) cho biết.

Các công ty sản xuất săm lốp chiếm 68% tổng tiêu thụ cao su ở Ấn Độ. Lốp radial là loại lốp có hiệu suất cao, tuổi thọ cao hơn các loại khác và sử dụng trong quãng đường xe chạy dài hơn.

ATMA dẫn đầu trong ngành lốp xe Ấn Độ, chiếm 90% sản lượng của cả nước.

Ông Budhraja cho rằng giá cao su nguyên liệu tăng là do nhu cầu bị dồn nén ngay sau khi nền kinh tế ở nhiều quốc gia mở cửa trở lại sau một thời gian đóng cửa. Ông nói: “Chúng ta phải xem xu hướng này sẽ kéo dài trong bao lâu và liệu nó có bền vững hay không.

Ông Radhakrishnan cho biết hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gần đây, trong đó Trung Quốc là một phần của nhóm 15 thành viên, sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh tăng cường mua cao su. “Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường sản xuất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Do đó, họ sẽ cố gắng dự trữ nhiều nguyên liệu hơn, bao gồm cao su tự nhiên “, ông nhận định.

Giá cao su nhập khẩu vào Ấn Độ tăng

Vấn đề đối với các ngành sử dụng cao su là nguyên liệu chính như các nhà sản xuất lốp xe là giá cao su thiên nhiên nhập khẩu quá cao, vì còn bao gồm 25% thuế hải quan nên hiện lên tới khoảng 230 INR/kg (do giá cao su nước ngoài vốn đã cao hơn giá trong nước – một điều bất thường).

Tuy  nhiên, giá cao su tự nhiên tăng đang thu hút người trồng cao su trở lại chăm sóc vườn cao su của mình nhiều hơn. Trong thời gian qua, một số diện tích cao su đã bị chuyển sang trồng cây ăn quả, nhưng còn nhiều diện tích cao su bị bỏ mặc. Giờ giá cao, chủ của những vườn cao su này có thể quay trở lại chăm sóc và thu hoạch.

Theo ông Radhakrishnan, sản lượng cao su Ấn Độ tháng 11/2020 đã tăng lên khi giá cao su tăng cao.

Thời gian qua, do giá cao su tự nhiên thấp trong khi chi phí sản xuất cao, sản lượng cao su Ấn Độ đã giảm từ mức kỷ lục 912.000 tấn năm 2012/13 xuống 651.000 tấn năm 2018/19. Năm ngoái, sản lượng đã hồi phục lên 712.000 tấn, nhưng năm nay có thể giảm do Covid-19 buộc nhiều đồn điền cao su phải đóng cửa trong khoảng thời gian dài.

Một nghiên cứu của Hội đồng Cao su từ năm 2017 cho biết, chi phí sản xuất cao su ở Ấn Độ vào khoảng 170 rupee/kg.

Tham khảo: Moneycontrol