HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 24 09 2020

Chốt phiên giao dịch ngày 23/9, giá dầu tiếp đà tăng, khí tự nhiên tăng gần 16%, trong khi vàng và bạch kim thấp nhất hơn 2 tháng, bạc thấp nhất gần 2 tháng, quặng sắt và cao su giảm gần 3%, cà phê thấp nhất 2 tháng.

Giá dầu tiếp đà tăng

Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm trong tuần trước, song lo ngại về đại dịch virus corona kéo dài đã hạn chế đà tăng.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/9, dầu thô Brent tăng 5 US cent lên 41,77 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 13 US cent lên 39,93 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ khi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ đều giảm trong tuần trước. Tồn trữ dầu thô giảm 1,6 triệu thùng, ít hơn so với dự báo, tồn trữ xăng giảm 4 triệu thùng và giảm hơn so với dự kiến, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,4 triệu thùng.

Tuy nhiên, đà tăng giá dầu bị hạn chế khi số trường hợp nhiễm Covid-19 tại một số nước bao gồm Ấn Độ, Pháp và Tây Ban Nha và các hạn chế mới đối với các doanh nghiệp tại Anh dấy lên mối lo ngại về nhu cầu, cũng như nguồn cung nhiều hơn có thể đến từ Libya.

Giá khí tự nhiên tăng gần 16%

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 16% từ mức thấp nhất 7 tuần trong phiên trước đó, do sản lượng tiếp tục giảm, nhu cầu và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York tăng 29,1 US cent tương đương 15,9% lên 2,125 USD/mmBTU, phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2020. Trong phiên trước đó, giá khí tự nhiên chạm mức thấp nhất kể từ ngày 31/7/2020 trong phiên thứ 2 liên tiếp.

Thị trường khí tự nhiên biến động mạnh trong tuần này, giá giảm hơn 10% trong ngày thứ hai (21/9/2020), khi các thương nhân đưa ra giá kỳ hạn tháng 10/2020 hết hiệu lực vào ngày 28/9/2020 và kỳ hạn tháng 11/2020 có mức giá cao hơn nhiều. Chênh lệch giữa giá kỳ hạn tháng 11/2020 so với kỳ hạn tháng 10/2020 đạt mức cao kỷ lục 89 US cent/mmBTU hồi đầu tuần này, hiện tại giảm song vẫn ở mức cao kỷ lục 67 US cent/mmBTU.

Giá vàng và bạch kim thấp nhất hơn 2 tháng, bạc thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất hơn 2 tháng, do đồng USD tăng khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin từ các ngân hàng trung ương lớn tại thời điểm kinh tế bất ổn.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,9% xuống 1.862,56 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 22/7/2020 (1.861,6 USD/ounce) và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 2,1% xuống 1.868,4 USD/ounce.

Đồng USD đạt mức cao nhất 8 tuần đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Giá bạc giảm 6,2% xuống 22,91 USD/ounce và chạm mức thấp nhất gần 2 tháng (22,81 USD/ounce) trong đầu phiên giao dịch.

Giá bạch kim giảm 3,1% xuống 839,88 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2020 (836,5 USD/ounce).

Giá đồng và nhôm giảm

Giá đồng giảm mạnh do đồng USD tăng và mối lo ngại về hoạt động bán tháo gia tăng.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,6% xuống 6.603 USD/tấn. Tuy nhiên, tính đến nay giá đồng tăng hơn 50% kể từ tháng 3/2020 khi ngành công nghiệp hồi phục từ đại dịch virus corona.

Giá nhôm trên sàn London giảm 1% xuống 1.759,5 USD/tấn.

Nhập khẩu nhôm của Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng gấp 8 lần so với tháng 8/2019, do các thương nhân được hưởng lợi khi giá thị trường nước ngoài ở mức thấp.

Giá quặng sắt giảm gần 3%, thép tăng trở lại

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do xuất khẩu từ các mỏ khai thác tăng và các nhà máy thép giảm công suất sản xuất bởi triển vọng nhu cầu trong mùa đông giảm.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 2,7% xuống 751 CNY (110,58 USD)/tấn, đóng cửa phiên trước đó giảm 0,7% xuống 767 CNY/tấn.

Xuất khẩu quặng sắt từ các mỏ khai thác Brazil tính đến giữa tháng 9/2020 tăng 33,3%, trong khi xuất khẩu từ Australia tăng 3,3%, Navigate Commodities cho biết.

Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 0,2% lên 3.542 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,4% lên 3.666 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 0,4% lên 14.000 CNY/tấn.

Giá cao su giảm gần 3%

Giá cao su trên sàn Osaka giảm gần 3% từ mức cao nhất gần 3 tuần trong tuần trước đó, sau số liệu hoạt động nhà máy của Nhật Bản trong tháng 9/2020 giảm và tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.

Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Osaka giảm 5 JPY tương đương 2,7% xuống 181 JPY/kg, phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9/2020. Giá cao su đóng cửa phiên trước đó đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/9/2020.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,8% xuống 12.320 CNY/tấn.

Hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới giảm, phần lớn do sản lượng giảm mạnh – lần đầu tiên – trong 4 tháng.

Giá cà phê thấp nhất 2 tháng

Giá cà phê Arabica giảm phiên thứ 8 liên tiếp xuống mức thấp nhất 2 tháng.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE giảm 0,15 US cent tương đương 0,1% xuống 1,105 USD/lb, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất 2 tháng (1,0905 USD/lb).

Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 8 USD tương đương 0,6% lên 1.349 USD/tấn.

Giá cà phê giảm do triển vọng cây trồng cà phê niên vụ 2021/22 tại Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới – cải thiện và đồng real Brazil suy yếu.

Giá đường giảm

Giá đường giảm sau khi không giữ được mức cao nhất 1 tháng trong đầu phiên giao dịch.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,08 US cent tương đương 0,6% xuống 13,33 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 1 tháng (13,57 US cent/lb).

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London giảm 0,6 USD tương đương 0,2% xuống 371,2 USD/tấn.

Giá đậu tương, lúa mì và ngô đồng loạt giảm

Giá lúa mì tại Chicago giảm 1,8%, do đồng USD tăng và nhu cầu nước ngoài đối với nguồn cung Mỹ giảm.

Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 9 US cent xuống 5,49 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 5-1/4 US cent xuống 10,14-1/2 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 3/4 US cent xuống 3,68-1/2 USD/bushel.

Giá dầu cọ tiếp đà giảm

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 3 liên tiếp, theo xu hướng giá dầu thực vật trên sàn Đại Liên suy yếu, trong khi sản lượng tăng và lo ngại các hạn chế Covid-19 tại châu Âu gia tăng gây áp lực giá.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 39 ringgit tương đương 1,32% xuống 2.918 ringgit (702,62 USD)/tấn. Tính từ đầu tuần đến nay giá dầu cọ giảm 5,3%, trong bối cảnh lo ngại về các hạn chế gây ra bởi virus corona tại các nước châu Âu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng đến nay, giá dầu cọ tăng 6,5% và có tháng tăng thứ 5 liên tiếp.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 24/9

Thị trường ngày 24/9: Giá dầu tiếp đà tăng, vàng và bạch kim thấp nhất hơn 2 tháng

Minh Quân

Theo Trí thức trẻ

 

Datetime: 21 09 2020

Thị trường cao su thiên nhiên vừa trải qua một đợt sóng tăng, theo đó giá đã lập kỷ lục cao nhất trong vòng hơn 1 năm.

Ông Luckchai Kittipol, chủ tịch danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết ông lạc quan hơn về triển vọng thị trường cao su kể từ khi giá cao su tấm hun khói loại 3 đạt 60 baht/kg vào ngày 1/9/2020, là lần đầu tiên đạt mức này sau hơn 1 thập kỷ. So sánh, mức này cao hơn so với giá 58,25 baht/kg vào ngày 31/8/2020 và càng cao hơn so với 40,99 baht đầu năm 2020.

Thị trường cao su chuyển từ bi quan sang lạc quan về triển vọng giá

Triển vọng giá cao su thiên nhiên đang sáng dần lên, do dự báo nhu cầu găng tay cao su sẽ còn tăng tiếp trong khi nguồn cung cao su trên thế giới hạn hẹp.

Theo ông Luckchai, nhu cầu găng tay y tế tiếp tục gia tăng do đại dịch Covid-19 thúc đầy nhu cầu tiêu thụ cao su trên toàn cầu tăng. Bên cạnh đó, các nhà máy tại Trung Quốc khôi phục sản xuất cũng tạo tâm lý lạc quan cho thị trường cao su.

Quan điểm này của ông hoàn toàn khác so với cách đây vài tuần. Cuối tháng 8/2020, ông Luckchai dự báo xuất khẩu cao su Thái Lan năm 2020 sẽ giảm 10% so với năm ngoái, chỉ đạt 170 tỷ baht, do cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất ô tô, nhất là ở Mỹ và châu Âu, phải đóng cửa hoặc sản xuất chậm lại, kéo theo nhu cầu lốp xe giảm sút.

Trước đây, sản xuất cao su của Thái Lan tập trung chủ yếu vào cao su tấm, được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất lốp xe. Việc nhu cầu găng tay cao su gần đây tăng do Covid-19 đã thúc đẩy các nhà sản xuất cao su nước này chuyển sang sản xuất latex cao su – nguyên liệu sản xuất găng tay sao su.

Theo ông Luckchai, tỷ lệ latex trong tổng sản lượng cao su của Thái Lan năm nay dự báo sẽ tăng lên 30%, so với 20% của năm 2019. Thái Lan là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng năm 2019 đạt 4,8 triệu tấn, trong đó gần 4 triệu tấn xuất khẩu. Thái Lan đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến, chỉ sau Trung Quốc, Đức và Mỹ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu cao su Thái Lan trong năm qua đạt 11,2 tỷ USD, tăng 2%; những thị trường chủ chốt bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Australia; lốp ô tô chiếm 51% trong tổng xuất khẩu, tiếp đến là cao su tổng hợp và găng tay cao su – chiếm lần lượt 19% và 11%. Sản xuất găng tay cao su của Thái Lan năm 2019 đạt hơn 20 tỷ đôi, trong đó 89% được xuất khẩu, thu về 1,2 tỷ USD. Thái Lan là nước xuất khẩu găng tay cao su lớn thứ 3 thế giới, sau Malaysia và Trung Quốc.

Bộ Thương mại nước này cho biết, nhu cầu găng tay cao su dùng để bảo hộ trên toàn cầu vẫn không ngừng tăng nhanh do Covid-19, giúp xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan 7 tháng đầu năm nay tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 959 triệu USD. Các thị trường tiêu thụ găng tay chính từ đầu năm đến nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh.

Trong khi đó, nguồn cung cao su Thái Lan năm nay dự báo giảm. Theo ông Luckchai, sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan năm 2020 ước tính ở mức 4,5 triệu tấn, trong đó 3,8-3,9 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Sản lượng giảm chủ yếu do thời tiết và thiếu lao động (nhân lực lao động ngành cao su Thái Lan chủ yếu đến từ Myanmar và Campuchia). Giá cao su giảm cũng là một trong những lý do khiến sản lượng năm nay giảm sút, vì giá thấp khiến người trồng cao su không nhiệt tình trồng, chăm sóc cây và khai thác mủ.

Đối với Việt Nam, trong tháng 8/2020, giá mủ cao su nguyên liệu trên thị trường trong nước và khối lượng cũng như trị giá xuất khẩu cao su đều tăng. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2020 ước tính đạt 220 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 8,9% về trị giá so với tháng 7/2020. So với tháng 8/2019, xuất khẩu trong tháng 8/2020 tăng 21,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 1.214 USD/tấn.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) – tổ chức gồm 13 quốc gia sản xuất cao su quan trọng – trong báo cáo tháng 9/2020 cho biết, nhu cầu cao su toàn cầu có khả năng hồi phục trong quý III/2020 sau khi giảm sâu ở quý trước đó.

Cụ thể, ANRPC dự báo nhu cầu cao thế giới quý III/2020 chỉ còn giảm 2,9%, sau khi giảm 14% trong 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 15% trong quý I/2020 do Trung Quốc, và giảm 15,8% trong quý II do nhu cầu của các nước khác ngoài Trung Quốc cũng giảm sút).

Cơ sở để ANRPC lạc quan về triển vọng nhu cầu trong quý III/2020 là nền kinh tế Mỹ hồi phục nhanh, sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, và tiêu thụ ô tô ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phục hồi.

Theo ANRPC, ước tính sơ bộ cho thấy Trung Quốc đã tiêu thụ 456.000 tấn cao su thiên nhiên trong tháng 7/2020, gần tương đương mức 464.000 tấn tiêu thụ trong cùng tháng năm trước. Triển vọng tiêu thụ cao su trên toàn thế giới trong cả năm 2020 đã bị điều chỉnh giảm do tiêu thụ chậm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020 ở Mỹ và EU.

“Diễn biến thị trường trong ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự hồi sinh của ngành công nghiệp ô tô và vận tải”, RB Premadasa, tổng thư ký của ANRPC, cho biết. Thị trường cao su sẽ chịu tác động lớn từ việc vắc-xin chống Covid-19 khi nào sẽ có, và hiệu quả sẽ như thế nào.

ANRPC ước tính sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 6,721 triệu tấn.

Ngọc Diệp

Theo Trí thức trẻ

Datetime: 16 09 2020

Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu sản phẩm công nghiệp sẽ phục hồi vào cuối năm 2022 và nhu cầu sẽ tăng từ từ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động bình thường.

Theo Nikkei Asian Review, giám đốc của công ty kinh doanh hàng hoá Olam International cho hay nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm, nguồn cung tạm ngừng và logistic trì trệ khiến ngành công nghiệp bông và cao su không thể mong đợi sự phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng COVID-19 cho đến cuối năm 2022.

Công ty Olam có trụ sở tại Singapore chủ yếu xử lí các sản phẩm nông nghiệp như ca cao, cà phê, gia vị và dầu ăn, cũng như các nguyên liệu sản xuất như bông và cao su.

Chuỗi cung ứng của công ty này trải dài hơn 60 quốc gia, từ châu Á đến châu Âu và châu Phi.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, Sunny Verghese, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành tập đoàn Olam cho biết đại dịch này là “cuộc khủng hoảng quan lớn mà chúng tôi phải đối mặt” do nó đã tác động tiêu cực tới nhu cầu, nguồn cung và mạng lưới hậu cần một cách triệt để.

Ông Verghese cũng lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều “sự không chắc chắn” liên quan đến một làn sóng khủng hoảng khác với mức độ lớn nhiều.

Ông Verghese cũng cho rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ không theo mô hình phục hồi hình chữ V.

Nhu cầu tiêu thụ bông và cao su có thể phục hồi trong vòng hơn 2 năm tới

“Tôi cho rằng sự phục hồi sẽ mang tính chắp vá, không chắc chắn, không đồng đều và kéo dài hơn. Vì vậy, quan điểm của tôi là sẽ mất ít nhất đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 để quay trở lại mức tăng trưởng GDP như chúng ta đã có vào năm 2019.”

Ông Verghese dự báo rằng nhu cầu sản phẩm công nghiệp sẽ phục hồi vào cuối năm 2022 và cho rằng “nhu cầu sẽ tăng từ từ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động bình thường.”

Trong khi đó, Verghese cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm như ca cao bắt đầu tăng vào tháng 6 và tháng 7, và nó đang trở lại “mức trước đại dịch”.

Lệnh phong toả và các biện pháp hạn chế khác được sử dụng để ngăn chặn hoặc làm chậm sự lây lan của virus COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng Verghese nhấn mạnh rằng thời kì tồi tệ nhất dường như đã qua.

Khi các quốc gia bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong toả, “điều tồi tệ nhất của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang tiềm ẩn sau chúng ta”, ông cho biết.

Ngoài một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức thì  “60 quốc gia còn lại mà chúng tôi đang có chi nhánh ở đó ,” mọi thứ đang bắt đầu được hồi phục và cải thiện.

Khi chuỗi cung ứng phục hồi, một mối quan tâm đối với các công ty toàn cầu là căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trong một cuộc chiến thương mại, trong đó các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc đã và đang đưa ra những động thái trả đũa.

Verghese nhấn mạnh rằng công ty của ông sẽ giữ thái độ trung lập đối với các cường quốc. “Chúng tôi không thể chọn bên. Chúng tôi chắc chắn sẽ giữ thái độ trung lập.”

Về mặt dài hạn, Verghese cho hay Mỹ không thể làm gì nếu không có Trung Quốc và ngược lại. “Hiện tại, đây là một cuộc khủng hoảng thực sự và sẽ là một cuộc đấu tranh kéo dài, nhưng tôi nghĩ họ sẽ tìm thấy một điểm cân bằng mới bởi vì không ai sẽ thắng trong cuộc chiến này.”

Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore và tập đoàn kinh doanh Mitsubishi Corp của Nhật Bản lần lượt sở hữu 54% và 17% cổ phần của công ty Olam.

Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của công ty là 3,2 tỉ USD.

Lợi nhuận của Olam trong nửa đầu năm 2020 đã tăng 44% so với một năm trước lên 244 triệu USD nhờ lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn.

Trong khi đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 19%.

H.Mĩ

Theo Kinh tế & Tiêu dùng