HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 29 09 2023

Indonesia đang tìm cách hợp tác với nhà sản xuất cao su Thái Lan khi nước này đang đối phó với giá giảm mạnh và việc Liên minh châu Âu ban hành luật chống phá rừng. Thương mại cao su là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự trong cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.

Khai thác cao su tại Indonesia
Theo Zulkifli, Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, 2 nước này hiện đang gặp phải khó khăn nối tiếp nhau là việc giá cao su sụt giảm cho đến việc mặt hàng này phải tuân theo Quy định không phá rừng của EU (EUDR). “Thái Lan và Indonesia là những nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với tình huống tương tự do giá cao su thiên nhiên toàn cầu tiếp tục biến động trong thập kỷ qua,” ông Zulkifli cho biết trong một thông cáo báo chí gần đây. Ngoài ra Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết thêm, bệnh rụng lá cao su cũng “giáng một đòn chí mạng” vào sản xuất, càng thêm gây khó khăn cho nông dân. Giá giảm có thể khiến nông dân trồng cao su chuyển sang các cây trồng khác. Theo Zulkifli, điều này có thể dẫn đến nguồn cung cao su thiên nhiên bị thắt chặt trong tương lai.
Ông cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các thành viên của Hội đồng Cao su ba bên quốc tế (ITRC), cụ thể là: Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Hội đồng này chiếm 58% sản lượng cao su toàn cầu, theo đuổi mức giá hợp lý và có lợi cho các hộ sản xuất nhỏ. Hội đồng có một số công cụ để kiểm soát giá, kế hoạch xuất khẩu đã thỏa thuận (AETS) nhằm hạn chế xuất khẩu cao su. Các công cụ khác bao gồm chương trình quản lý nguồn cung (SMS) và chương trình thúc đẩy nhu cầu (DPS) nhằm thúc đẩy tiêu thụ cao su trong nước. “ITRC cũng cần làm việc cùng với các nhà xuất khẩu cao su khác, bao gồm Việt Nam và Philippines, để đẩy giá lên,” Zulkifli nói thêm.
Năm 2022, Indonesia là nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, chiếm thị phần 21,57%. Indonesia đã xuất khẩu cao su thiên nhiên trị giá 3,66 triệu đô la vào năm 2022, đánh dấu mức giảm 11,35% so với 4,12 triệu đô la được ghi nhận vào năm trước. Bộ Thương mại Indonesia cho biết xuất khẩu cao su thiên nhiên của Indonesia đang có xu hướng giảm 1,4% trong giai đoạn 2018 – 2022. Cao su cùng với dầu cọ là một trong những mặt hàng mà EUDR điều chỉnh. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải chứng minh cao su của họ không đến từ đất bị phá rừng nếu họ muốn vào thị trường EU. Indonesia đã cố gắng làm dịu lập trường của EU, mặc dù các cuộc đàm phán của họ chú trọng nhiều hơn đến dầu cọ. Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ Malaysia, và EU gần đây đã đồng ý thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để xác định các giải pháp thiết thực cho việc thực hiện EUDR.

Q.K, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/09/15/indonesia-huong-den-moi-quan-he-chat-che-hon-voi-thai-lan-de-ho-tro-gia-cao-su/, ngày 15/9/2023 (TN trích dẫn) 

Datetime: 29 09 2023

Yokohama Rubber hợp tác với Đại học Shinshu và đạt bước đột phá trong việc phát triển một loại cao su đàn hồi có khả năng chống nứt cao. Vật liệu cải tiến này bao gồm các polyme bền có nguồn gốc từ các hạt nano và không cần sử dụng các chất phụ gia như dung môi hữu cơ hoặc chất gia cố. 

 

Hình minh họa thử nghiệm xé từ một vết cắt trên màng hạt nano
Dự án nghiên cứu chung do Phó Giáo sư Daisuke Suzuki từ Trường Cao học Khoa học và Công nghệ Dệt may của Đại học Shinshu và RISM (Sáng kiến Nghiên cứu về vật liệu siêu bền) đứng đầu, hứa hẹn sẽ tạo ra các sản phẩm cao su và lốp xe an toàn hơn, bền hơn và thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, vật liệu cao su này có thể dễ dàng tái chế mà không bị hư hỏng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Quá trình hình thành màng hạt nano
Để đạt được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các polyme dựa trên hạt nano được tổng hợp thông qua phương pháp trùng hợp nhũ tương nhỏ. Sử dụng dung dịch nước phân tán của các hạt nano, họ đã tạo ra màng hạt nano (vật liệu cao su) bằng cách làm bay hơi nước trong dung dịch. Để tăng cường khả năng chống nứt mà không cần phụ thuộc vào các chất phụ gia khác như chất gia cố, các nhà nghiên cứu đã đưa các phân tử rotaxane (còn được gọi là hợp chất siêu phân tử) làm chất liên kết ngang vào các hạt nano. Sự kết hợp các phân tử rotaxane này không chỉ tăng cường khả năng chống nứt của vật liệu mà còn mang lại độ đàn hồi cao cho cao su. Các màng hạt nano chỉ bao gồm các hạt nano có thể dễ dàng bị phân hủy bằng cách ngâm chúng trong dung dịch nước–ethanol, một quá trình ít gây tác động đến môi trường.
Sau đó, bằng cách làm bay hơi ethanol, dung dịch nước–ethanol có thể được chuyển đổi trở lại thành dung dịch nước phân tán có chứa các hạt nano và nước, cho phép tái tạo màng hạt nano một cách đơn giản mà không làm giảm chất lượng. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Langmuir, một tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ vào ngày 17/6/2023. Là một phần trong kế hoạch quản lý trung hạn của Công ty Yokohama Rubber cho các năm tài chính 2021 đến 2023, được gọi là Chuyển đổi Yokohama 2023 (YX2023), công ty cam kết thực hiện các sáng kiến bền vững theo nguyên tắc hướng dẫn “Quan tâm đến tương lai”. Bằng cách tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình với các sáng kiến này, Yokohama Rubber đặt mục tiêu giải quyết các thách thức xã hội và nâng cao giá trị DN. Đáng chú ý, công ty đang tích cực theo đuổi các sáng kiến về môi trường dựa trên chiến lược ba trụ cột xoay quanh việc đạt được tính trung lập các–bon, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự chung sống hài hòa với thiên nhiên. Để theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn, Yokohama Rubber chuyên phát triển các loại lốp xe kết hợp các vật liệu bền vững.

Nguyễn Anh Nghĩa

Datetime: 29 09 2023

“Phế phẩm’’ năm nay dự kiến sẽ đem lại cho Việt Nam gần 800 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được sản xuất thành mặt hàng viên nén.

Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới
Củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ... đều là những “phế phẩm’’ của công nghiệp sản xuất đồ gỗ, gỗ dán... tại Việt Nam. Tuy nhiên, những “phế phẩm’’ này năm nay dự kiến sẽ đem lại cho Việt Nam gần 800 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được sản xuất thành mặt hàng viên nén. Viên nén là một loại chất đốt năng lượng sạch, dùng thay thế cho than, xăng, dầu... và đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới để giảm phát thải.
Từ vài chục tấn viên nén gỗ xuất khẩu mỗi tháng, Công ty Smartwood Việt Nam đã tăng sản lượng xuất khẩu lên hàng chục lần do các quốc gia đẩy mạnh thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính CO2, bảo vệ môi trường. Các nhà máy nhiệt điện trên thế giới tăng cường sử dụng viên nén gỗ để thay thế cho than đá. Bà Dương Thị Hồng Mai – Trưởng Ban Đối ngoại, Công ty Smartwood Việt Nam cho biết: “Năm ngoái công ty chúng tôi xuất khẩu 360.000 tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu 400.000 tấn’’.
Là Tập đoàn thương mại xuất khẩu viên nén Việt Nam, Indonesia, Thái Lan… sang Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều năm, Tập đoàn Cellmark, Thuỵ Điển cho biết đơn hàng tăng trưởng tích cực qua các năm. Ông Nguyễn Hoàng Tân – Phó Chủ tịch Phụ trách khối châu Á về năng lượng, Tập đoàn Cellmark, Thuỵ Điển cho biết: “Năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 820.000 tấn, 700.000 tấn từ Việt Nam. Năm 2023 dự tính số lượng cũng khoảng 800.000 tấn’’.
Các nhà máy nhiệt điện trên thế giới tăng cường
sử dụng viên nén gỗ để thay thế cho than đá
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới. Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Từ phế phẩm của ngành gỗ, chúng ta làm ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, khi giá xuất khẩu hiện tại có giá từ 120 – 145 USD/tấn và có thời điểm đã đạt 180 – 200 USD/tấn. Như vậy đã mang lại giá trị gia tăng rất cao cho chuỗi phát triển lâm nghiệp của Việt Nam’’. Theo thống kê của Chi hội viên nén Việt Nam, hiện tại có 400 nhà máy sản xuất viên nén, công suất trung bình khoảng 5 triệu m3/năm, giá trị 800 triệu USD. Công suất toàn ngành có thể nâng lên 10 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.
Thúc đẩy xuất khẩu viên nén gỗ
Nguyên liệu đầu vào không kén chọn, các cơ sở chế biến viên nén gỗ cũng không cần phải đầu tư quá hiện đại về công nghệ. Do đó, ngành viên nén là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xuất khẩu viên nén gỗ được cả về lượng và về giá, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường tốt và đáp ứng các đòi hỏi từ thị trường xuất khẩu.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại Habi cho biết, đã đầu tư sản xuất viên nén năm ngoái, khi thị trường bùng nổ nhu cầu lớn. Theo đại diện doanh nghiệp, giá bán viên nén lúc đó 3.500 đồng/kg, tuy nhiên sau đó giảm dần, có thời điểm giảm dưới 2.000 đồng/kg. Sức ép cạnh tranh lớn khiến giá cả biến động mạnh. Ông Phạm Vũ Hà – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Habi cho biết: “Về thị trường, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác, việc nghiên cứu và thông tin thị trường doanh nghiệp đang yếu’’. Bên cạnh đó, ngành viên nén còn tồn tại những cơ sở sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, kém chất lượng, cạnh tranh thiếu công bằng.
“Có những doanh nghiệp họ trộn nguyên liệu, khi đốt có mùi khét, ảnh hưởng môi trường. Chi hội Viên nén mới được hình thành có vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin về các yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu để truyền tải tới các doanh nghiệp thành viên của mình’’, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends nói. Vấn đề lớn nhất để tăng giá trị viên nén đó cần có đầy đủ chứng chỉ rừng cho sản lượng viên nén xuất khẩu.
Sản lượng nguyên liệu dùng để sản xuất ra mặt hàng viên nén gỗ hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, do đó để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của mặt hàng viên nén trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầu vào cho sản xuất. Hiện tại, diện tích rừng đã có chứng chỉ rừng được công nhận chỉ khoảng trên 430.000 ha, trên tổng diện tích khoảng 3,6 triệu hecta rừng trồng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ba Duy – Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam cho biết: “Chi hội đang khuyến khích thành viên trong chi hội là tự tạo vùng nguyên liệu cho mình bằng cách hỗ trợ bà con nông dân về trồng trọt’’.
Bên cạnh chứng chỉ quốc tế FSC đang được công nhận chung trên toàn cầu, ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện đã phát triển hệ thống cấp chứng chỉ rừng trồng của Việt Nam. Đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ rừng trồng sẽ có ý nghĩa lớn, tăng giá trị sản phẩm gỗ Việt Nam, trong đó có mặt hàng viên nén.

Ban Thời sự, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-phe-pham-nganh-go-du-kien-dem-ve-800-trieu-usd-nam-20230927103033906.htm, ngày 27/9/2023 (TN trích dẫn)