Giá cao su ở các sàn giao dịch châu Á đồng loạt tăng mạnh từ tháng 8 đến nay do ảnh hưởng từ giá dầu thô và xung đột địa chính trị. Trong khi đó, thị trường cao su nội địa vẫn khá trầm lắng từ đầu năm đến nay.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (Nhật Bản), hôm 10/10 giá cao su loại RSS3 giao sau ở mức 240 Yên/kg (tương đương 1,6 USD/kg), tăng 25% so với đầu tháng 8.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ đến ngày 9/10. Sau khi giao dịch trở lại, giá cao su tăng nhẹ 1,8% so với cuối tháng trước lên 12.810 Nhân Dân Tệ/tấn (tương đương 1,75 USD/kg). Mức giá này tăng 10% so với đầu tháng 8.
Tại Thái Lan, giá cao su cũng tăng khoảng 16% trong cùng giai đoạn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải giá cao su thế giới tăng thị trường lo ngại xung đột ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn vận tải biển và phí vận chuyển cao hơn.
Các công ty lốp xe có khả năng tăng dự trữ cao su, do đó đẩy nhu cầu cao su tự nhiên lên cao.
Ngoài ra, trong báo cáo mới đây, tập đoàn tài chính Nhật Bản Japan Exchange Group nhận định đà tăng giá cao su trên hầu hết sàn giao dịch châu Á vừa qua được thúc đẩy bởi lực mua vào của các quỹ và giới đầu cơ. Thị trường tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm phục hồi nhờ các đợt giảm lãi suất gần đây, đi kèm với các biện pháp khác của chính phủ.
“Các nhà quản lý quỹ đổ xô mua hợp đồng cao su tương lai dẫn đến sự phục hồi lớn trên các sàn giao dịch Nhật Bản và quốc tế. Có thời điểm giá cao su tại sàn Osaka tăng vọt 25% do người bán gặp khó khăn trong việc mua lại khi thanh khoản thị trường thấp. Đồng thời việc chuẩn bị cao su vật chất cũng khó khăn hơn”, Japan Exchange Group cho biết.
Mưa lớn tại các quốc gia trồng cao su lớn cũng góp phần thúc đẩy giá cao su giao ngay.
Một yếu tố khác đẩy giá cao su tăng là do giá dầu thô giữ ở mức cao, nhất là sau khi căng thẳng khu vực Trung Đông bùng nổ. Tính đến ngày 16/10, giá dầu Brent quanh mức 91 USD/thùng, tăng 10% so với đầu tháng 8 và đang tiến dần đến mức đỉnh gần 1 năm.
Giá dầu thô tăng đồng nghĩa chi phí nguyên liệu cho sản xuất cao su tổng hợp tăng theo. Điều này khiến nhu cầu một phần chuyển sang cao su tự nhiên để thay thế cho cao su tổng hợp.
Trả lời trang Nikkei Asia, đại diện một công ty kinh doanh cao su cho biết: “Một số nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm”. Các nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá dầu thô cao hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên.
Trái với diễn biến của thế giới, giá cao nguyên liệu của Việt Nam gần như đi ngang trong năm nay. Theo dữ liệu từ Wichart, giá cao su nguyên liệu trung bình tại Bình Phước, tính đến ngày 13/10, ở mức 275 đồng/TSC tăng nhẹ 4% so với đầu tháng 8 và không đổi so với đầu năm.
Diễn biến giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước từ năm 2021 đến 13/10/2023 (Đơn vị: đồng/TSC, nguồn: Wichart)
Một chuyên gia phân tích cho biết giá cao su nguyên liệu của Việt Nam vẫn “lặng sóng” dù thị trường thế giới tăng mạnh bởi hoạt động tiêu thụ vẫn yếu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cao su xuất khẩu liên tục giảm sâu tác động đến giá nguyên liệu trong nước.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng cao su xuất khẩu trong tháng 9 đạt 193 nghìn tấn, giảm 13% so với tháng 8 và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Luỹ kế 9 tháng, lượng xuất khẩu gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch giảm 18%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu trung bình giảm.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Nhu cầu cao su của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Đồng thời, giá cao su nhập khẩu của thị trường vẫn trong xu hướng giảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ 81% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 627 nghìn tấn cao su trong tháng 9, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, lượng cao su nhập khẩu tăng 13% nhưng kim ngạch giảm 10%, do giá nhập giảm 21%.
Do đó, thị trường trong nước đang chờ đợi sự phục hồi tiêu thụ cao su của Trung Quốc.
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700-1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.
PHÒNG KDXNK
Theo Nikkei Asia, tác động của đà tăng của giá dầu thô đang lan rộng ra nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá đường, cao su và các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao, đồng thời góp phần gây áp lực lạm phát dai dẳng.
Sau khi tăng mạnh do căng thẳng ở Trung Đông, giá dầu Brent đã dao động quanh mức 85 USD/thùng, cao hơn khoảng 4% so với cuối tuần trước, mặc dù có một số hoạt động chốt lời.
Giá nhiều mặt hàng khác cũng trong xu hướng tăng do ảnh hưởng từ giá dầu thô.
Đóng cửa phiên giao dịch 10/10, giá đường thô kỳ hạn tại New York đóng cửa ở mức 27 US Cent/pound, tăng 18% so với cuối tháng 6. Giá đã tăng cao tới 27,62 US Cent vào ngày 19 tháng 9, mức cao nhất trong khoảng 12 năm. Giá vào thứ Tư đã giảm nhanh xuống còn 26,58 US Cent.
Giá đường đã tăng cùng với giá dầu thô kể từ tháng 7, khi Ả Rập Saudi và Nga tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng dầu.
Suy đoán rằng giá dầu thô cao sẽ đẩy giá nhiên liệu tăng và tăng nhu cầu về ethanol, một loại nhiên liệu sinh học tương đối rẻ, đang đẩy giá đường tăng cao.
Diễn biến giá đường thế giới trong 10 năm qua (Nguồn: Tradingeconomics, đơn vị US Cent/pound)
Cả ethanol trộn vào xăng dùng cho ô tô và đường thô đều được làm từ mía. Các nhà kinh doanh hàng hóa lo ngại rằng sản lượng đường thô có thể giảm nếu các nước sản xuất mía đường chuyển một lượng lớn sản phẩm của họ sang nhiên liệu ethanol sinh học.
Brazil và Ấn Độ, mỗi nước chiếm 20% sản lượng đường thô của thế giới, đang nắm giữ sự cân bằng cung cầu.
Theo Hiệp hội Năng lượng sinh học và Công nghiệp Mía đường Brazil, tính đến ngày 1/10, khoảng 50% lượng mía được sản xuất ở khu vực trung nam Brazil, chiếm 90% sản lượng của cả nước, là để làm đường thô.
Nhưng các kế hoạch đang được tiến hành để chuyển trọng tâm sang ethanol.
“Nếu giá dầu thô tiếp tục ở mức cao, tỷ lệ mía dành cho tinh luyện đường thô có thể giảm xuống mức thấp 40%. Giá đường thô có thể tăng lên quanh mức 30 cent/lb”, đại diện một công ty đường cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ấn Độ đang tăng tỷ lệ ethanol trộn vào xăng vì lý do môi trường, từ 9,3% trong năm tài chính 2022 lên mức dự kiến là 11,5% trong năm 2023. “Tỷ lệ thực tế thậm chí còn cao hơn, một phần do nhu cầu giảm tiêu thụ dầu thô”, nguồn tin tại một công ty đường khác cho biết.
Ảnh hưởng của giá dầu thô cao cũng đang lan rộng sang vật liệu công nghiệp. Hợp đồng tương lai cao su tự nhiên, được sử dụng trong lốp xe và miếng đệm, đóng cửa ở mức 236 Yên (1,59 USD)/kg trên sàn giao dịch Osaka vào thứ Tư, tăng 15% so với cuối tháng 6. Giá đạt 239 Yên vào đầu tháng 9, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2022.
Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)
Giá cao su tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu thô, cũng đang tăng lên. Giá cao su butadien kỳ hạn trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đã tăng hơn 10% kể từ cuối tháng 7. Giá giao ngay cho naphtha, nguyên liệu thô của butadien, là 668 USD/tấn, tăng hơn 30% kể từ mức thấp gần đây vào cuối tháng 6.
Thị trường cao su được phân chia gần như đồng đều giữa cao su tổng hợp và cao su tự nhiên.
Đại diện một công ty kinh doanh cao su cho biết: “Một số nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm”. Các nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá dầu thô cao hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên.
Giá dầu thô cao cũng đang đẩy chi phí năng lượng lên cao.
Hợp đồng nhôm kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London nhanh chóng đạt mức cao nhất trong 5 tháng vào ngày 2/10. Nhôm sử dụng một lượng điện lớn khi nấu chảy. Người mua dự đoán giá dầu thô tăng cũng sẽ đẩy giá khí đốt tự nhiên tăng lên, chi phí điện tăng theo, dẫn đến giá nhôm tăng.
Giá nguyên liệu thô được sử dụng trong nhiều loại thành phẩm tăng vọt có thể kéo dài lạm phát .
Ông Tomomichi Akuta, nhà nghiên cứu cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting, cho biết: “Giá đường tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến giá các sản phẩm bánh kẹo và đồ uống, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tiền lương tăng trưởng ổn định”.
Ông nói thêm: “Giá thực phẩm cao hơn có thể trở thành yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, tăng trở lại”.
H.Mĩ
Việc phát triển quá nóng khiến tình trạng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng.
Sau khi được thị trường Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Từ đó dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguy cơ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thực tế, từ cuối năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục cảnh báo việc người dân ồ ạt trồng cây sầu riêng tại miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, kể cả trên những vùng đất không phù hợp.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra khi hiện nay, cứ nơi nào còn đất trồng trọt là không ít người lại bàn đến việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Người dân cũng sẵn sàng phá vườn cà phê, hồ tiêu, điều, hay diện tích trồng lúa để trồng sầu riêng. Sầu riêng còn được trồng cả trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được nguồn nước tưới. Vì thế, chất lượng quả cũng rất khó bảo đảm để xuất khẩu, hay bán ra thị trường.
Chính vì thế, thời gian qua hàng loạt lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đã liên tiếp bị cảnh báo về chất lượng. Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, thị trừng Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm với các mặt hàng như chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam.
![]() |
Sầu riêng đang đối mặt nhiều rủi ro từ các thị trường xuất khẩu |
Câu chuyện sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong những năm gần đây, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến nhiều đợt “dịch chuyển” đối với cây trồng. Đó là đợt dịch chuyển từ đất trồng lúa sang cây thanh long; là “cơn sóng ngầm: đưa diện tích trồng mít Thái tăng vọt; là đợt dịch chuyển lớn của cam sành, bưởi thay cho cây lúa. Và gần đây nhất là “cú đua” tăng tốc từ cây thanh long sang dừa Mã Lai. Những đợt dịch chuyển lớn này bên cạnh mang lại hiệu quả trước mắt cũng để lại những hệ lụy rất lớn khi thị trường tiêu thụ chính có biến động. Những đợt “giải cứu” nông sản vừa qua phần lớn cũng được khơi nguồn từ những yếu tố này. Và hiện nay, sầu riêng cũng là một trong những loại trái cây nằm trong “cuộc đua” này.
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng để cả nước phát triển khoảng 65.000-75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000-950.000 tấn vào năm 2030. Thế nhưng, đến thời điểm này, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta đã là hơn 112.000ha, vượt khoảng 37.000ha. Đáng nói là làn sóng mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các địa phương phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là một điều rất đáng lo ngại. Bởi lẽ cây sầu riêng khó trồng và chăm sóc, sau 5-7 năm cây mới cho thu hoạch ổn định. Liệu giá cả lúc đó có giữ được 200.000 đồng/kg? Điều này chắc hẳn không ai dám khẳng định. Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam, thị trường Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ nhiều nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Thậm chí ngay tại Trung Quốc, mặt hàng này cũng đang được người dân đẩy mạnh trồng, nên sự cạnh tranh vào thị trường này sẽ vô cùng khốc liệt. Chính vì thế, nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó, mà không đầu tư theo chiều sâu thực sự là rất mạo hiểm.
Hiện nay, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng rất thấp (chưa tới 10%), điều này đòi hỏi các nhà vườn phải tính toán ngay ở giai đoạn đầu tư và phải có được chứng nhận về xuất xứ. Những mảnh vườn sầu riêng không có mã số vùng trồng. Những cơ sở chế biến, đóng gói kể cả sơ chế mà không được cấp giấy chứng nhận, rất khó có thể xâm nhập các thị trường kể cả thị trường Trung Quốc hay các thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản.
Thiết nghĩ, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Và để sầu riêng không phải là nỗi sầu chung, loại cây này cần được tính toán kỹ về cung cầu, làm sao bảo đảm sản phẩm làm ra có "điểm đến", nông sản phải tiêu thụ được và người nông dân có lời.
Theo Hà Linh