HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 28 09 2023

Ngành nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi EUDR, nhất là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Ngày 01/8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn 5179/BNN–HTQT về việc triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Khung kế hoạch đã có, song điều mấu chốt là phải “hành động”, và hành động sớm, chứ không chỉ dừng lại ở “kế hoạch”. Thời hạn sau ngày 31/12/2024 của EUDR nghe qua có vẻ là khá dài, nhưng lại rất gắn với đặc thù của ngành nông nghiệp.
Tuyệt đối không chủ quan!
Quy định không gây mất rừng (EUDR) do Ủy ban Châu Âu (EC) thông qua ngày 16/5/2023 là quy định mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, trong đó áp tiêu chí rất cụ thể về các nông sản được làm ra không dựa vào việc chiếm đất rừng. Sau ngày 31/12/2024 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ ngày 31/12/2020. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của EUDR gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, hạt tiêu… kể cả các sản phẩm có chứa hoặc được nuôi bằng thực phẩm sử dụng các nguyên liệu thô nói trên (như thức ăn cho gia cầm, gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ).
Nông dân huyện Đồng Phú (Bình Phước) thu hoạch hạt tiêu
bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
Nông sản của những công ty thuộc các nước có độ rủi ro thấp theo đánh giá của EC sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn khi xuất khẩu sang EU – tỷ lệ hàng hóa được kiểm tra là 9% dành cho mức rủi ro cao, 3% dành cho mức rủi ro tiêu chuẩn (cơ bản) và 1% dành cho mức rủi ro thấp. Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ khu vực nào. Các hình phạt đối với việc không tuân thủ quy định sẽ ở mức ít nhất là 4% tổng doanh thu hằng năm tại EU của bên vi phạm.
Ngành nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi EUDR, nhất là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2022, châu Âu là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính. Còn số liệu thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang EU là 19,5 nghìn tấn (28,9 triệu USD, xuất khẩu cà phê sang EU đạt 19,5 nghìn tấn (749,8 triệu USD).
Điều đáng lưu ý, theo Cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017 có tới 89% diện tích rừng tự nhiên ở nước ta bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ các dự án phát triển kinh tế, trong đó có việc trồng trọt và chăn nuôi. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp hoặc không chứng minh được đất trồng trọt, chăn nuôi không phải do phá rừng sau ngày 31/12/2020 thì một số nông sản của nước ta sẽ khó xuất khẩu sang châu Âu từ ngày 01/01/2025.
Có thể, cà phê của nước ta xuất khẩu sang EU sẽ là mặt hàng đầu tiên bị giám sát ở mức độ cao nhất mà đây là hàng hóa xuất khẩu hàng đầu sang châu Âu – 11% thị trường EU và tương đương 45% trong tổng lượng 1,7 triệu tấn cà phê Việt Nam xuất khẩu mỗi năm. Để thị trường EU chấp nhận sản phẩm thì quy trình sản xuất của chúng ta phải đạt chuẩn, hàng hóa đạt chất lượng cao. Điều này vốn dĩ không dễ dàng nhưng trong tương lai rào cản mới sẽ được dựng lên, đó là việc đánh giá khắt khe về nguồn gốc đất nuôi, trồng để tạo ra hàng hóa.
Từ góc nhìn tích cực, EUDR cú hích để ngành nông nghiệp nước ta biến “nguy” thành “cơ”, là dịp để các nhà xuất khẩu nông sản giành thêm được thị phần do một số đối thủ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, cũng là một cách để các doanh nghiệp và nông dân ta triệt để chuyển mình theo hướng sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khẳng định các sản phẩm gỗ và lâm sản của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội khi xuất khẩu sang EU không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Bởi vì khi chưa có EUDR, từ năm 2018 Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Năm 2021 Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định 102 để quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng EUDR không tác động nhiều đến ngành cà phê bởi chỉ hạn chế việc phá rừng sau ngày 31/12/2020 để trồng cà phê. Theo ông, cà phê ở khu vực Tây Nguyên hầu hết được trồng từ cách đây 20 – 30 năm. Do đó, nếu quy định mới của EU có tác động thì chỉ là về thủ tục chứng minh nguồn gốc. Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cũng cho biết, với quy định mới của EU thì ngành cà phê – ca cao nước ta sẽ vượt qua dễ dàng và đây là cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nông dân. Lời khẳng định của các Hiệp hội nói trên là tin vui, nhưng chúng ta hoàn toàn không được chủ quan.
Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tại tỉnh Bình Dương cho rằng nếu châu Âu áp dụng quy định chống phá rừng một cách triệt để hơn và nhiều thị trường khác cũng lần lượt làm theo, áp vào sản phẩm hồ tiêu được dùng trong thực phẩm thì nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ gặp khó. Ông nói: “Nếu doanh nghiệp xuất khẩu phở, mì tôm sang châu Âu bị yêu cầu rằng gói tiêu gia vị phải đảm bảo yếu tố nhập từ vùng không phá rừng để trồng thì không chỉ mặt hàng tiêu đơn thuần, mà nhiều mặt hàng liên quan khác cũng bị vạ lây’’’.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, trong nhiều năm qua diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 đến 700.000 ha. Từ năm 2014 việc phá rừng để trồng mới khả năng không nhiều, đặc biệt là từ 2019 trở lại đây. Nhưng “khả năng không nhiều” là bao nhiêu, làm sao để chứng minh và rất dễ chúng ta bị sa vào tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu một số lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bị đánh giá là vi phạm EUDR thì nước ta với tư cách là một quốc gia xuất xứ có thể phải chịu trách nhiệm, dẫn tới toàn bộ hàng hoá xuất khẩu sang EU bị ảnh hưởng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, điểm đặc biệt đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam là hồ sơ truy xuất nguồn gốc cần phải có các đầy đủ thông tin về toạ độ địa lý, nguồn gốc thửa đất, quá trình nuôi trồng và khai thác sản phẩm. Mặc dù các thông tin truy xuất nguồn gốc này không quá khó, nhưng điều này có thể trở nên phức tạp bởi chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nguồn gốc của sản phẩm nông, lâm sản. Các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu có thể rơi vào thế bị kẹt vì bản thân họ chỉ tham gia vào một hoặc một số công đoạn nhất định của chuỗi hoạt động nuôi trồng và chế biến.
Ngoài ra, Nghị viện EU định nghĩa rộng về suy thoái rừng, bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè...) vốn đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam không mang tính bền vững, nguy cơ cao bị liệt vào khái niệm “suy thoái rừng’’. Do đó, các cây công nghiệp thuộc rừng sản xuất có thể hoàn toàn không đạt yêu cầu xuất khẩu theo quy định mới này của EU. Để có thể khai thác các lợi thế tại thị trường EU thì không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, mà các Hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý cần hiệp lực để tìm ra các giải pháp nhanh chóng, đúng trọng tâm để khắc phục các điểm nhạy cảm hiện nay.
Thích ứng với bối cảnh mới
Ngày 01/8/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU. Trước đó, ngày 29/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), các hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế liên quan nhằm phối hợp thực hiện hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Theo Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng đồng hành, bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR.
Các nội dung trọng tâm gồm:
-      Giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt cà phê; tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
-      Giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế (trong đó có Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH)…xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; rà soát và thống nhất bản đồ thực địa; chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng; phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp; xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ có cách tiếp cận phù hợp với EUDR. Bộ coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh’’.
Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới việc tăng giá trị trên một đơn vị đất trồng trọt chứ không hướng tới tăng sản lượng dựa trên tăng diện tích đất sản xuất. Một trong những giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp là tiếp tục lan tỏa sâu sắc và cụ thể hơn trong việc “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp’’. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường, khơi thông thị trường quyết định sản xuất bền vững, tín hiệu thị trường là chỉ dấu cho đầu vào sản xuất. Tư duy kinh tế là “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị’’. Tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi… là mục tiêu cuối cùng.
Trần Quang Vinh
Datetime: 07 09 2023
 
Tính toán sơ bộ cho thấy, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam bình quân trong tháng 8/2023 ở mức 1.298 USD/tấn. Con số này giảm 0,6% so với tháng 7/2023 và giảm 14,4% so với tháng 8/2022.
 
giá cao su xuất khẩu
Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 8/2023 ở mức 1.298 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng 7/2023 và giảm 14,4% so với tháng 8/2022

Giá thu mua mủ cao su trong nước ổn định

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, trong tháng 8/2023, giá mủ nước cao su tại các vùng nguyên liệu trong nước duy trì ở mức 240-280 đồng/TSC.

Cụ thể, giá mủ nước tại tỉnh Đắk Lắk ổn định ở mức 240-245 đồng/TSC; Tại tỉnh Bình Phước, giá mủ nước duy trì trong khoảng 245-280 đồng/TSC; Tại tỉnh Đắk Nông, Phú Yên, giá mủ nước ở mức 260-265 đồng/TSC; Tại tỉnh Quảng Trị, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, giá mủ nước ổn định ở mức 250-255 đồng/TSC.

Tại các công ty cao su, giá mủ nước đang được thu mua trong khoảng 250-272 đồng/độ. Trong đó, Công ty Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 270-272 đồng/độ, tăng 2 đồng/độ so với 10 ngày trước đó; Giá mủ nước tại Công ty Cao su Phú Riềng ổn định ở mức 250-270 đồng/độ; Công ty Cao su Đồng Phú giữ mức 270 đồng/độ; Công ty Cao su Bình Long giữ ở mức 259-269 đồng/độ. Trong khi đó, Công ty Cao su Bà Rịa điều chỉnh tăng giá thu mua mủ nước lên mức 251-256 đồng/độ, tăng 11 đồng/độ so với cuối tháng trước.

Giá xuất khẩu cao su tháng 8/2023 giảm 14,4% so với cùng kỳ

Ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt khoảng 200 nghìn tấn, trị giá 260 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với tháng 7/2023; So với tháng 8/2022 giảm 8,8% về lượng và giảm 21,9% về trị giá.

Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 8/2023 ở mức 1.298 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng 7/2023 và giảm 14,4% so với tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,18 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20... 

Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66,6% về lượng và chiếm 66,95% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, với 656,99 nghìn tấn, trị giá 895,06 triệu USD, tăng 19,3% về lượng, nhưng giảm 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,69% về lượng và chiếm 99,54% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, với 654,96 nghìn tấn, trị giá 890,98 triệu USD, tăng 19,3% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Xem thêm các bài viết về giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Tạp chí Công Thương tại đây.

cao su xuất khẩu

Cũng trong 7 tháng đầu năm 2023, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu sụt giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: SVR CV40, Skim block, cao su tái sinh, RSS1… nhưng các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Về giá xuất khẩu của các chủng loại cao su, trong 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là Skim block giảm 27,9%; Latex giảm 25,4%; RSS3 giảm 23%; Cao su hỗn hợp (HS: 4005) giảm 22,4%; SVR 10 giảm 21,2%...

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), dự báo năm 2023 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 14,916 triệu tấn, tiêu thụ đạt 14,912 triệu tấn. Dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.

Giới quan sát nhận định, giai đoạn tới giá cao su có khả năng hồi phục trong bối cảnh giá dầu vẫn neo ở mức cao, sản lượng cao su trồng mới giảm khiến nguồn cung được kiểm soát, và ngành cao su săm lốp Trung Quốc phục hồi.

Chuyên trang tài chính tổng hợp Trading Economics (Hoa Kỳ) dự báo, giá cao su sẽ giao dịch quanh mức 1,27 USD/kg vào cuối quý III năm nay và có khả năng giảm nhẹ quanh 1,21 USD/kg trong 12 tháng tới.

 Việt Hằng

Datetime: 04 09 2023

NDO - Giá cao-su trên Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo đang ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 1. Chính sách kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô-tô của Trung Quốc, cường quốc về tiêu thụ cao-su, đang tạo lực đẩy lên tiêu thụ và giá cao su thế giới. Đây cũng được coi là cơ hội để ngành cao su Việt Nam kéo giá trị xuất khẩu lên khỏi mức âm trong những tháng cuối năm.

Giá cao-su tăng lên mức cao nhất trong gần một năm và có thể cao hơn nữa

Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cao-su thế giới trên Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo tính đến hết ngày 6/9 đạt 1556,4 USD/tấn, tăng gần 20% so với thời điểm giá thấp nhất vào ngày 16/8. Giá cao-su đang giao dịch cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023.

Ngành cao-su hy vọng "thoát" tăng trưởng âm trong những tháng cuối năm ảnh 1

Diễn biến giá cao-su từ đầu năm đến nay

Có nhiều lý do cho việc tăng giá đột biến này. Trong đó có nguyên nhân lớn đến từ việc Trung Quốc tích cực triển khai các gói chính sách kích thích kinh tế hậu Covid-19, đặc biệt với ngành công nghiệp ô-tô. Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô-tô. Và hiện nay nhu cầu nhập cao-su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao-su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Thêm vào đó là sản lượng từ các nguồn cung ổn định. Giá cao-su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700-1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô-tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.

Cơ hội kéo xuất khẩu cao-su từ tăng trưởng âm

Trở lại ngành cao-su Việt Nam. Kể từ quý II/2023 xuất khẩu cao-su có sự cải thiện so với quý I đầu năm, nhưng xuất khẩu và kim ngạch vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.

Ba tháng đầu năm, cả khối lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng cao-su đều giảm. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý I, Việt Nam xuất khẩu 381.913 tấn sản phẩm cao-su, thấp hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Bước sang quý II, giá cao-su sụt giảm so với quý trước, đạt khoảng 1.355 USD/tấn so với mức 1.393 USD của quý I. Đây là yếu tố chính dẫn đến kim ngạch thấp cho dù hoạt động xuất khẩu đã từng bước cải thiện.

Tính lũy kế đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu 1,46 triệu tấn cao-su, giảm nhẹ 2% so cùng kỳ năm 2022.

Tính lũy kế đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu 1,46 triệu tấn cao-su, giảm nhẹ 2% so cùng kỳ năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cao-su trong thời gian này sụt giảm 20,5% so cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh xuất khẩu cao-su của Việt Nam đang rơi xuống mức âm thì tín hiệu lạc quan ở thị trường nhập khẩu khổng lồ “hàng xóm” Trung Quốc lại nhen nhóm hy vọng của các nhà xuất khẩu cao-su Việt Nam.

Ngành cao-su hy vọng "thoát" tăng trưởng âm trong những tháng cuối năm ảnh 2

Xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu cao-su của Việt Nam

Việc đẩy mạnh nhập khẩu của Trung Quốc đã kéo giá cao-su thế giới lên đột biến trong thời gian gần đây. Điều này làm tăng khả năng “hâm nóng” thêm cho thị trường cao-su Việt Nam. Lý do bởi Trung Quốc là “bạn hàng” xuất cao-su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 99,82% tổng kim ngạch xuất khẩu cao-su tính đến hết tháng 7/2023.

Cũng theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD để nhập 757.600 tấn cao-su của Việt Nam, tăng 12% về lượng, nhưng giảm hơn 10% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD để nhập 757.600 tấn cao-su của Việt Nam, tăng 12% về lượng, nhưng giảm hơn 10% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu cao-su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cao-su Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và kéo tăng trưởng kim ngạch lên khỏi mức âm trong những tháng cuối năm.

Ngành cao-su nắm bắt cơ hội để chuyển mình

Về dài hạn, với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao-su dồi dào, Việt Nam luôn là 1 trong 3 thị trường cung cấp cao-su và các sản phẩm từ cao-su lớn nhất cho Trung Quốc.

Theo thống kê từ Trade Map, giá cao-su xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 ở mức 1.267 USD/tấn, thấp nhất trong 5 quốc gia xuất khẩu cao-su tự nhiên hàng đầu sang Trung Quốc.

Trong năm 2022, Việt Nam chiếm 13,1% lượng cao-su và các sản phẩm từ cao-su nhập khẩu vào Trung Quốc, là nhà cung cấp lớn thứ hai, chỉ đứng sau Thái Lan với 28,3%. Riêng với mặt hàng cao-su tự nhiên, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 4 chiếm 10,2% thị phần.

Bên cạnh đó, sự tương thích trong cung-cầu cao-su giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là yếu tố quan trong giúp gia tăng hoạt động xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu cao-su của nước ta trong thời gian tới.

Cụ thể, cao-su tự nhiên và cao-su tổng hợp là hai dòng sản phẩm cao-su chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc với 28,2% và 63,3% trong tổng số cao-su nhập. Trùng hợp, đây cũng chính là hai loại cao-su xuất khẩu chính của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 27,6% và 53,9%.

Ngành cao-su hy vọng "thoát" tăng trưởng âm trong những tháng cuối năm ảnh 3

5 thị trường nhập khẩu cao-su chính của Trung Quốc (2022)

“Trước những lợi thế về giá và nhu cầu rõ ràng như hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu cao-su của Việt Nam cần có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động tăng tỷ lệ cao-su chế biến hơn là cao-su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cao-su từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ cải thiện cả về lượng và giá trị” - ông Quang Anh nhấn mạnh.