Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) đã xây dựng kế hoạch tổng thể để tăng giá trị xuất khẩu cao su hàng năm từ 250 tỷ Baht (7,9 tỷ USD) lên 800 tỷ Baht (25,2 tỷ USD), đồng thời thành lập một khu công nghiệp cao su ở tỉnh Rayong, một phần của Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).
Quyền Giám đốc của RAOT, Yium Tavarolit, cho biết các chiến lược được thiết kế để giúp Thái Lan phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình và sẽ sớm được đệ trình lên Nội các.
RAOT đã thuê Đại học thuộc Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) để nghiên cứu kế hoạch 20 năm (2017-2036), nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Theo các chiến lược này, xuất khẩu cao su của Thái Lan sẽ tăng từ 250 tỷ Baht (7,9 tỷ USD) mỗi năm lên 800 tỷ Baht (25,2 tỷ USD), trong khi năng suất cao su sẽ tăng từ 224 kg/rai (1.400 kg/ha) lên 360kg/rai (2.250 kg/ha) và hàm lượng cao su nội địa sẽ tăng từ 13,6% lên 35%.
Điều này sẽ đẩy doanh thu cao su hàng năm tăng từ 11.984 Baht/rai (2.396 USD/ha) lên 19.800 Baht/rai (3.959 USD/ha). Đồng thời, diện tích trồng sẽ giảm từ 23 triệu rai (3,68 triệu ha) xuống còn 18,4 triệu rai (2,9 triệu ha).
Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, các quy định pháp luật sẽ được thông qua để giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực cao su, thúc đẩy đầu tư vào sơ chế cao su, việc sử dụng cao su của các cơ quan nhà nước và các tổ chức nông dân và chuyển đổi từ sản xuất và sơ chế cao su sang sản xuất sản phẩm cao su.
Ngoài ra, Thái Lan sẽ thành lập các trung tâm phân phối sản phẩm cao su tại các điểm du lịch lớn và tổ chức triển lãm và sự kiện trên khắp cả nước và các quốc gia mục tiêu.
Trong sáu đến mười năm tới, mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm cao su để đáp ứng các tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan và sử dụng kết quả nghiên cứu cho mục đích thương mại. Tăng trưởng xuất khẩu cao su sẽ được thúc đẩy thông qua việc thành lập các trung tâm triển lãm và phân phối, cũng như xây dựng thương hiệu và các biện pháp tài khóa.
Trong giai đoạn 11-20 năm, các công nghệ thích hợp sẽ được sử dụng và phát triển để thay thế lực lượng lao động sản xuất cao su, đồng thời thành lập một trung tâm dịch vụ tích hợp liên quan đến cao su và các sản phẩm cao su.
Một ủy ban cũng sẽ được thành lập để đảm bảo sự vận hành trơn tru của kế hoạch dài hạn. Ủy ban sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã điều hành.
Wichian Kaewsombat, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh của UTCC, cho biết việc giảm trồng cao su sẽ được thực hiện bằng cách thành lập một khu kinh tế, chỉ những nông dân trồng cao su ở các khu vực được chỉ định mới có thể nhận được các đặc quyền hỗ trợ của chính phủ.
Khu công nghiệp cao su sẽ được đặt tại Rayong. Đồng thời, các đặc quyền hỗ trợ sẽ tập trung chủ yếu ở miền Nam Thái Lan, khu vực trồng cao su chính.
Khu công nghiệp cao su theo kế hoạch sẽ thúc đẩy sơ chế cao su cho xuất khẩu và dự kiến sẽ tăng giá trị xuất khẩu từ mức 200-300 tỷ Baht (6,4 – 9,6 tỷ USD) gần đây lên 800 tỷ Baht (25,2 tỷ USD) trong tương lai.
Khi RAOT thực hiện các chiến lược này, có khả năng giá cao su sẽ vẫn ở mức thấp và có thể cần phải hỗ trợ cho nông dân cao su. Trong khi đó, khi chiến lược đến năm thứ 20, nông dân cao su dự kiến sẽ không cần hỗ trợ.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam
Indonesia cắt giảm 98.000 tấn cao su tự nhiên cho xuất khẩu. Nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong tháng 1/2019 giảm 4,8%. ANRPC công bố thống kê ngành cao su tự nhiên thế giới năm 2018.
Indonesia cắt giảm 98.000 tấn cao su tự nhiên cho xuất khẩu
Theo thông tin từ lãnh đạo bộ phận thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia Oke Nurwan, nước này sẽ giảm 98.000 tấn cao su tự nhiên trong nguồn cung xuất khẩu để hỗ trợ giá cao su thế giới. Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC), bao gòm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã đồng thuận cắt giảm 240.000 tấn trong nguồn cung cao su tự nhiên xuất khẩu trong vòng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 4 tới. Đây là lần thứ 6 nhóm này áp chính sách hạn chế xuất khẩu cao su sau khi giá cao su tương lai tham chiếu trên sàn Tokyo giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm vào tháng 11 vừa qua.
Nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong tháng 1/2019 giảm 4,8%
Theo thông tin từ Hội đồng Cao su Ấn Độ, nhập khẩu cao su tự nhiên của nước này trong tháng 1/2019 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 39.997 tấn do tiêu dùng cao su nội địa giảm khi nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe yếu đi. Tháng 1/2019, sản xuất cao su tự nhiên nội địa Ấn độ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 72.000 tấn trong khi tiêu dùng giảm 2,4% xuống còn 97.000 tấn. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ từ tháng 4/2018 – 1/2019 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, lên 489.085 tấn. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ chủ yếu đến từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. “Các công ty lốp xe đang giảm mua do doanh thu bán xe chậm lại”, theo một nhà giao dịch cao su tại Kochi cho hay.
ANRPC công bố thống kê ngành cao su tự nhiên thế giới năm 2018
Năm 2018, sản xuất cao su tự nhiên thế giới đạt 13,96 triệu tấn, tăng 4,6% so với mức 13,35 triệu tấn trong năm 2017. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới ghi nhận mức tăng 5,2% trong cùng kỳ so sánh lên 14,017 triệu tấn trong năm 2018, dẫn đến mức thâm hụt cung – cầu 57.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2018. Kịch bản này chủ yếu xuất phát từ một động thái điều chỉnh gần đây từ Thái Lan. Giá cao su tự nhiên trên các thị trường vật chất và tương lai phục hồi nhẹ trong tháng 12/2019. Mặc dù hàng triệu nông dân trồng cao su tiểu điền bị tác động bởi giá cao su thấp, nhưng sự phục hồi giá cao su này đã đến đúng lúc khi vào cuối năm 2018 đưa giá cao su lên mức 1,5 USD/kg (giá trung bình cao su mủ tờ và mủ khối trong tháng 12/2018). IMF vẫn giữ nguyên ước tính trước đó về tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,7% bất chấp tình hình tăng trưởng yếu đi tại một số nền kinh tế. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ giảm bớt sau khi hai nước đồng thuận lùi lịch áp dụng các chính sách thuế mới thêm 90 ngày và mở ra các cuộc thảo luận trong thời gian này. Với sự tham gia của tổng thống Trump trong các cuộc thảo luận và cho thấy mong muốn của ông trong việc đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, một số kết quả đáng khích lệ từ các cuộc thảo luận này có thể đạt được trong những tuần tới.
Theo Reuters, ANRPC
Cổ phiếu PHR, DPR, TRC, DRI,… bật tăng cao kể từ đầu năm 2019.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm 2019 với sự đi lên khá tích cực, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Sự tăng điểm của chỉ số đến từ nhiều nhóm ngành, trong đó nhóm cổ phiếu cao su thiên nhiên cũng ghi nhận sự tăng giá rất mạnh.
Cổ phiếu cao su lên đỉnh
Cổ phiếu CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) có mức tăng giá khá ấn tượng lên 45.000 đồng/cp (27/2), tức tăng 35% kể từ đầu năm 2019. Đây cũng là mức đỉnh mọi thời đại của cổ phiếu PHR. Mặc dù thị trường chung liên tục biến động nhưng cổ phiếu PHR vẫn tăng khá đều và đạt đỉnh như hiện nay.
PHR đạt đỉnh 45.000 đồng/cp.
Sự tăng giá trên có thể đến từ hoạt động kinh doanh liên tục tăng trưởng trong 3 năm qua. Năm 2018, Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận sau thuế 637 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2017 và cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ 2012 đến nay.
Kết quả tích cực 2018 của Phước Hòa nhờ thu nhập nhượng bán, thanh lý tài sản cố định lên đến 418 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2017. Đồng thời mỏ vàng Nam Tân Uyên (NTC) đóng góp đột biến đến 70 tỷ đồng lãi liên kết và 84 tỷ cổ tức được chia.
Sắp tới vào 26/3, Phước Hòa sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 để báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019; thông qua phương án phân phối lợi nhuận và cổ tức 2018; và một số vấn đề khác theo quy định của điều lệ Công ty.
Cổ phiếu CTCP Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) cũng vượt đỉnh mọi thời đại lên 40.700 đồng/cp (27/2). Còn kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu DPR đã có mức tăng giá 28%.
DPR đạt đỉnh 40.700 đồng/cp.
Hoạt động kinh doanh của Đồng Phú cũng liên tục tăng trưởng trong các năm qua, đạt 235 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2018, tăng trưởng 5% so với 2017 và là mức lợi nhuận cao nhất từ 2014 đến nay. EPS cả năm ghi nhận 5.849 đồng.
Bên cạnh việc kinh doanh và giá cổ phiếu tăng cao, Đồng Phú cũng thường xuyên chia cổ tức tiền mặt cao các năm gần đây. Cuối tháng 12/2018, công ty đã tạm ứng cổ tức tiền mặt 2018 tỷ lệ 40%, tổng mức chi trả cho năm 2017 là 60% bằng tiền hay năm 2016 và 2015 đều là 50% tiền mặt.
Cổ phiếu CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI)cũng bật tăng mạnh từ khoảng 5.500 đồng/cp đầu năm 2019 lên 7.100 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng 29%. Năm ngoái, DRI chỉ có nhận hơn 51 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 64% so với năm 2017 do giá mủ và gỗ cao su thanh lý giảm sâu trên thị trường.
Cổ phiếu CTCP Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) cũng ghi nhận sự tăng giá khoảng 7% kể từ đầu năm 2019 lên 22.950 đồng/cp (27/2). Giống DRI, TRC cũng không có kết quả kinh doanh tốt khi lợi nhuận sau thuế 2018 chỉ đạt 120 tỷ đồng, giảm 17% so với 2017 do giá bán bình quân mủ cao su năm 2018 đã suy giảm 19%.
Giá cao su thế giới tăng mạnh
Diễn biến kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên khá trái chiều nên việc giá cổ phiếu tăng cao đầu năm 2019 đến từ các câu chuyện riêng (bán vốn, thanh lý tài sản..) và một phần từ sự tăng mạnh của giá cao su trên thị trường thế giới.
Sau khi rơi xuống đáy vào cuối năm 2018, giá cao su thế giới đã quay đầu tăng mạnh lên vùng giá trên 200 JPY/kg đầu năm 2019, trước khi điều chỉnh đi ngang tại 190 JPY/kg như hiện tại. Kết phiên giao dịch thứ 4, ngày 27/2, giá cao su đã tăng 0,84% lên 191,8 JPY/kg.
Dù giá cao su thế giới đã tăng rất mạnh đầu năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn giá tại thời điểm đầu năm 2018 và thấp hơn nhiều so với vùng giá trên 300 JPY/kg hồi đầu năm 2017.
Giá cao su thế giới bật tăng mạnh từ vùng đáy.Nguồn Tradingeconomics.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc. Về phía tiêu thụ, Trung Quốc thông báo sẽ trợ cấp cho người mua ô tô trên toàn quốc nhằm kích thích tiêu thụ mặt hàng này. Trong khi đó, thực tế cho thấy nguồn cung từ các nước sản xuất lớn có dấu hiệu sụt giảm do yếu tố mùa vụ.
Thị trường cũng kỳ vọng các nước sản xuất cao su lớn có thể thỏa thuận các biện pháp để thúc đẩy giá. Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) hôm 22/2 cho biết sẽ ngừng xuất khẩu lên tới 300.000 tấn nhằm thúc đẩy giá cao su toàn cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1 đạt 157.150 tấn và thu về 199,8 triệu USD, tương ứng tăng 16% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Do vậy, giá xuất khẩu cao su vẫn thấp hơn cùng kỳ.
Lan Điền (NDH.vn)