HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 25 02 2019

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TRONG THÁNG: 

Tin thế giới:

- Trong tháng 02/2019, từ ngày 01 – 25/02, giá cao su tại các thị trường tăng so với ngày đầu tháng. Cụ thể, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.684 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 12 USD/tấn (+0,7%) so với mức giá trung bình tháng 01/2019 và giảm 17,3 USD/tấn (-1,1%) so với tháng 02/2018.

- Từ ngày 01 – 25/02, giá TSR 20 trung bình của hợp đồng giao sau 1 tháng trên sàn SICOM đạt 1.364 USD/tấn, tăng 17,67 USD/tấn (+1%) so với trung bình tháng 02/2019 và giảm 101,11 USD/tấn (-7%) so với trung bình tháng 02/2018; giá SMR 20 trung bình do MRB công bố đạt 1.374USD/tấn, tăng 17 USD/tấn (+1,2%) so với trung bình tháng 01/2019 và giảm 90,6 USD/tấn (-6,2%) so với tháng 02/2018.

Những thông tin nổi bật trong tháng:

- Tính từ đầu năm đến nay, cả 2 loại dầu đều tăng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng để ngăn chặn dư cung. Goldman dự kiến, giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 60-65 USD/thùng trong năm 2019 và 2020.

- Dự trữ dầu thô Mỹ tăng tuần thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong hơn 1 năm, do sản lượng đạt mức cao kỷ lục và hoạt động bảo dưỡng theo mùa khiến tỉ lệ tinh lọc dầu chạm mức thấp trong tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết. Dự trữ dầu thô Mỹ tăng 3,7 triệu thùng trong tuần đến ngày 15/2 lên 454,5 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2017, ngay cả khi xuất khẩu dầu thô tăng 1,2 triệu thùng/ngày (bpd) lên mức cao kỷ lục 3,6 triệu thùng/ngày. Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, địa điểm giao nhận dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng lên 3,4 triệu thùng

- Các nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới trong Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia tại cuộc họp vào ngày 22/02/2019 cho biết sẽ giảm xuất khẩu lên tới 300.000 tấn trong nỗ lực đẩy giá cao su thế giới, thường được biết đến với tên gọi chính thức là kế hoạch thỏa thuận hạn mức xuất khẩu (AETS: Agreed Export Tonnage Scheme). Ba quốc gia này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới.

- Tại buổi họp báo, ông Grisada Boonrach – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan – cho biết: “Đến ngày 4/3/2019, chúng tôi sẽ thảo luận về lượng xuất khẩu mà mỗi quốc gia sẽ cắt giảm và thời điểm thích hợp để thực hiện”. Tuy nhiên ông cũng cho biết kế hoạch hạn chế xuất khẩu vẫn có thể được trì hoãn nếu biện pháp này được cho là không cần thiết trong cuộc họp vào ngày 4/3 tới đây.

- Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu cao su của Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch tháng 1 năm 2019 đạt 131,63 triệu USD, tăng 20,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ đứng thứ hai về kim ngạch, ứng với 17,78 triệu USD, tăng 6,62% so với tháng 1 năm 2018. Hàn Quốc là nước nhập khẩu lớn thứ 3, tuy nhiên có sự giảm về kim ngạch (-14,03%), ứng với 6,18 triệu USD. Ba nước này chiếm 77,88% tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Việt Nam trên thế giới.

- So với cùng kỳ tháng 1 năm 2018, chỉ có 10/27 nước có sự tăng trưởng về kim ngạch, đáng kể như Hà Lan (tăng 2 lần về kim ngạch, ứng với 2,41 triệu USD), Phần Lan (tăng 82,36%) và Mê hi cô (tăng 67,18%) là hai nước tuy kim ngạch chưa cao, nhưng có tăng trưởng lớn về kim ngạch cho thấy nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

- Ở chiều ngược lại, Malaysia (giảm 75,96%, ứng với 3,89 triệu USD), Đài Loan (giảm 53,53%, ứng với 2,49 triệu USD), Hoa Kỳ (giảm 30,5%, ứng với 4,22 triệu USD), Hàn Quốc (giảm 14,03%, ứng với 6,18 triệu USD) là các nước kim ngạch lớn nhưng lại giảm về kim ngạch ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tuy tăng so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ tăng thấp so với tháng 1 năm 2018.

Trong nước:

- Theo Cục XNK (Bộ Công Thương), ước tính tháng 2/2019, lượng cao su xuất khẩu đạt 51.000 tấn, trị giá 76 triệu USD, giảm 61,8% về lượng và 61% trị giá so với tháng 1/2019.

- Đây là tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm 2019, xuất khẩu cao su giảm nhưng tăng 18,2% về lượng và 2,9% trị giá so với tháng 2/2018. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, ước đạt 186.000 tấn, trị giá 274 triệu USD.

- Tháng 02/2019, chủng loại SVR 3L xuất khẩu của Việt Nam được chào bán trung bình đạt 1515 USD/MT, tăng 44,58 USD (+3)% so với mức trung bình tháng 01/2019.

Buôn Ma Thuột, ngày 25 tháng 02 năm 2019

                Phòng KD XNK

Datetime: 28 01 2019

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TRONG THÁNG: 

A. THỊ TRƯỜNG CAO SU:

Tin thế giới:

- Trong tháng 01/2019, từ ngày 02 – 25/01, giá cao su tại các thị trường tăng so với ngày đầu tháng. Cụ thể, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.682 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 190 USD/tấn (+13%) so với mức giá trung bình tháng 12/2018 và giảm 137 USD/tấn (-8%) so với tháng 01/2018.

- Từ ngày 01 – 25/01, giá TSR 20 trung bình của hợp đồng giao sau 1 tháng trên sàn SICOM đạt 1.347 USD/tấn, tăng 97,3 USD/tấn (+8%) so với trung bình tháng 12/2018 và giảm 153,48 USD/tấn (-10%) so với tháng 01/2018; giá SMR 20 trung bình do MRB công bố đạt 1.357USD/tấn, tăng 96,7 USD/tấn (+7,6%) so với trung bình tháng 12/2018 và giảm 153 USD/tấn (-10,2%) so với tháng 01/2018.

Những thông tin nổi bật trong tháng:

- Giá dầu thô thế giới trong năm 2018 có sự biến động không ổn định, đặc biệt là thời kỳ giảm sâu vào những tháng cuối năm, với mức chênh lệch khoảng 40% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 10. Nguyên nhân là do dự trữ dầu của Hoa Kỳ gia tăng, lo ngại triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi làm ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu thô; từ đó cũng tạo áp lực lên giá cao su thiên nhiên.

- Kể từ đầu tháng 01, giá dầu tăng trở lại do hoạt động cắt giảm nguồn cung của OPEC, khủng hoảng chính trị tại Venezuela đe dọa thắt chặt nguồn cung dầu thô, làm lu mờ lo ngại dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng và kinh tế toàn cầu ảm đạm bất chấp các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh.

- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp diễn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm đã gây áp lực đối với giá dầu. Tuy nhiên, việc Mỹ phát tín hiệu có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu Venezuela, đẩy nguồn cung thiếu hụt và hỗ trợ giá dầu.

- Đối mặt với nhu cầu toàn cầu về cao su thiên nhiên đang nhanh chóng vượt nguồn cung, các bên liên quan trong ngành lốp xe đang nỗ lực cải thiện năng suất cao su bền vững, hài hòa các tiêu chuẩn, bảo vệ nhân quyền và tài nguyên thiên nhiên – đồng thời nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng phức tạp.

- Trong nhiều năm qua, các nhà sản xuất lốp xe lớn đã cam kết công khai các chính sách cao su thiên nhiên có trách nhiệm, bao gồm Michelin, Pirelli, Goodyear và Bridgestone, cũng là thành viên của Dự án Lốp xe (TIP), một diễn đàn toàn cầu cho ngành lốp xe về các vấn đề bền vững. Có tổng cộng 11 thành viên TIP chiếm khoảng 65% công suất sản xuất lốp xe toàn cầu.

- Trong 11 tháng đầu năm 2018, chủng loại cao su xuất khẩu nhiều nhất vẫn là cao su hỗn hợp (nhóm mã HS 400280 – Mixtures of natural and synthetic rubber) đạt 727.562 tấn, chiếm 52,3%; giá trị 982,1 triệu USD, tăng 5,6% về lượng và giảm 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cao su khối SVR 10 xuất khẩu đạt 181.385 tấn, chiếm 13,0% với giá trị 239,9 triệu USD, tăng 65,5% về lượng và tăng 36,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cao su khối SVR 3L xuất khẩu đạt 166.332 tấn (12,0%), tăng 12,6% về lượng, đạt giá trị 243,1 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2017.

- Theo Tổng cục Hải quan, tháng 12/2018, xuất khẩu cao su giảm 3,8% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với tháng 11/2018, đạt 172,8 nghìn tấn, trị giá 210,52 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

- Năm 2018, xuất khẩu cao su đạt 1,56 triệu tấn, trị giá trên 2,09 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng, nhưng giảm 7% về trị giá so với năm 2017. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 12/2018 đạt bình quân 1.218 USD/tấn, giảm 2,1% so với tháng 11/2018 và giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2017.

- Được biết, năm 2018, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,04 triệu tấn, trị giá 1,37 tỷ USD, tăng 16,4% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với năm 2017; giá xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 1316,2 USD/tấn, giảm 18,4% so với năm 2017.

- Xuất khẩu cao su sang Ấn Độ trong năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017 với mức tăng tới 85,6% về lượng và tăng 60,5% về trị giá, đạt 102,9 nghìn tấn, trị giá 145,4 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2019, xuất khẩu cao su sang thị trường này sẽ khó khăn hơn do Ấn Độ có thể tăng thuế nhập khẩu cao su để hỗ trợ cao su trong nước.

Tin trong nước:

- Bộ Công thương cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 01/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tăng theo xu hướng tăng của thị trường thế giới. Cụ thể ngày 10/01/2019, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp và mủ nước tăng 15 đ/độ TSC, so với cuối tháng 12/2018, đạt lần lượt 265 đ/độ TSC và 255 đ/độ TSC.

- Tháng 01/2019, chủng loại SVR 3L xuất khẩu của Việt Nam được chào bán đạt 1468 USD/MT, tăng 9,4% so với tháng 12/2018.

 

Datetime: 21 01 2019

Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới trong thời gian qua có diễn biến tăng, một số doanh nghiệp cao su lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm ngoái, dù dự báo tình hình còn nhiều khó khăn.

Giá cao su tăng, doanh nghiệp cao su khấp khởi mừng

Một số dấu hiệu khả quan

Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su ngày 18/1/2019, kỳ hạn tháng 6/2019, là 186.800 JPY/tấn, tương đương 1.700 USD/tấn, tăng 11,3% so với 4 tháng trước.

Cao su tăng giá trong bối cảnh kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ cao su lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu.

Giá cao su trên thị trường Tokyo là giá tham chiếu cho thị trường châu Á, nên diễn biến tăng giá trên thị trường này đánh dấu sự khởi sắc trở lại của giá cao su châu Á.

Tại thị trường hàng hóa Thượng Hải, giá cao su đạt mức 11.580 CNY/tấn, tương đương 1.713 USD/tấn. Tại thị trường Thái Lan, giá cao su đạt 1.570 USD/tấn…

Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) nhận định, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2019 có thể đạt 14,844 triệu tấn, tăng 6,6%, cao hơn nhiều mức tăng 4,3% của năm 2018. Tiêu thụ cao su thiên nhiên dự báo đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6%.

Theo ông Dar Wong, Trưởng ban Cố vấn chiến lược, Công ty Bain Partners & Management, thành viên Ủy ban Nghiên cứu và phát triển cao su Quốc tế (IRRDB), giá cao su trong năm 2019 có cơ hội đi lên nhờ triển vọng ổn định của USD (giá cao su thiên nhiên thường giảm khi USD mạnh lên) và khả năng tăng của giá dầu (giá dầu tăng, giá cao su sẽ tăng).

Trong khi đó, 5 – 10 năm tới, nhu cầu tiêu thụ cao su trên toàn cầu được dự báo tăng lên, sẽ hỗ trợ giá tăng. Một số ý kiến kỳ vọng, giá cao su sẽ 4đạt 2.000 USD/tấn vào năm 2025.

Doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng

Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đặt kế hoạch tổng sản lượng khai thác đạt 320.250 tấn trở lên, thu mua 75.255 tấn, sản lượng tiêu thụ 395.000 tấn. Dự kiến, tổng doanh thu đạt 30.700 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với năm 2018.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) nhìn nhận sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện công bố thông tin của PHR cho biết, Công ty đang nỗ lực giảm chí phí đầu vào sản xuất để có giá thành bán ra tốt nhất, mục tiêu của PHR là giảm giá sản phẩm từ 5 – 10% trong năm 2019.

“Giá cao su thiên nhiên thế giới tăng, nhưng chưa đáng kể và đó là yếu tố khách quan, chúng tôi phải chủ động giảm giá sản phẩm để cạnh tranh. Khi giá cao su thế giới tăng, việc này sẽ giúp Công ty có lợi nhiều hơn, còn khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp sẽ tránh được bất lợi”, đại diện PHR nói.

Năm 2018, PHR đạt lợi nhuận 622 tỷ đồng, tăng hơn 178 tỷ đồng so với kế hoạch (444 tỷ đồng). Năm 2019, lo ngại không đạt được lợi nhuận về kinh doanh cao su (mảng chính của Công ty), PHR sẽ nỗ lực đẩy mạnh lợi nhuận ở mảng tài chính và lợi nhuận từ kinh doanh ngành nghề khác.

“Kinh doanh cao su là nhiệm vụ chính nên chúng tôi cũng rất trăn trở tìm cách tăng trưởng bứt phá cho mảng kinh doanh này”, người công bố thông tin của PHR chia sẻ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 đang được PHR xây dựng, dự kiến công bố vào ngày 25/1 tới. Công ty phấn đấu đạt tổng sản lượng 3 triệu tấn, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp lợi nhuận đến chủ yếu từ việc tham gia dự án khu công nghiệp Tân Bình, Nam Trung Yên, thanh lý vườn cao su, chuyển đổi vùng đất cây công nghiệp theo chủ trương, kinh doanh mủ cao su…

Các doanh nghiệp cao su đang niêm yết gồm Cao su Ðồng Phú (DPR), Cao su Thống Nhất (TNC), Cao su Hòa Bình (HRC), Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đang lên kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Hải Minh (Tin nhanh chứng khoán)