– Ấn Độ: Theo Hội đồng Cao su Ấn Độ, sản lượng cao su của Ấn Độ trong năm tài chính 2019 – 2020 dự kiến tăng 10%, lên 750.000 tấn do diện tích cao su cho khai thác mủ tăng. Diện tích cao su cho
khai thác mủ của Ấn Độ tăng từ 640 nghìn ha trong năm tài chính 2018 – 2019, lên 665 nghìn ha trong năm tài chính 2019 – 2020. Trong khi đó, tiêu dùng cao su tự nhiên tại Ấn Độ dự báo đạt 1,27 triệu tấn trong năm tài chính 2019 – 2020, tăng so với mức 1,21 triệu tấn của năm tài chính 2018 – 2019.
Theo ước tính sơ bộ, sản lượng cao su tự nhiên Ấn Độ trong năm tài chính 2018 – 2019 đạt 648 nghìn tấn, thấp hơn 6,6% so với mức 694 nghìn tấn của năm tài chính 2017 – 2018. Trong năm tài chính 2018 – 2019, nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ tăng 24%, đạt 582,38 nghìn tấn và dự báo đạt 500 nghìn tấn trong năm 2019 – 2020. Trong đó, 70% lượng cao su nhập khẩu thông qua kênh chính ngạch. Trong những năm trước, 81% nhập khẩu cao su của Ấn Độ là dạng cao su mủ khối. Các yếu tố chính dẫn tới sự thay đổi trong cơ cấu nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ là do chênh lệch giá giữa cao su mủ tờ nội địa và cao su mủ khối quốc tế, cộng với tình trạng thâm hụt cao su tự nhiên trên thị trường Ấn Độ.
–Malaysia:Tháng 4/2019, sản lượng cao su tự nhiên của Ma-lai-xi-a giảm 32,4% so với tháng 3/2019, xuống còn 33.864 tấn và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cao su tự nhiên của Ma-lai-xi-a trong tháng 4/2019 tăng tháng thứ hai liên tiếp, đạt 55.930 tấn, tăng 5% so với tháng 3/2019 và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Ma-lai-xia gồm: Trung Quốc chiếm 41,9%, Đức chiếm 14,4%, Phần Lan chiếm 7,4%, I-ran chiếm 6,1% và Hoa Kỳ chiếm 3,3%. Tháng 4/2019, Ma-lai-xi-a nhập khẩu 72.045 tấn cao su tự nhiên, giảm 29,1% so với tháng 3/2019, nhưng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Ma-lai-xi-a trong tháng 4/2019 giảm 0,6% so với tháng 3/2019, xuống còn 43.737 tấn, nhưng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Dự trữ cao su thô tại Ma-lai-xi-a tính đến cuối tháng 4/2019 ở mức 183.096 tấn, giảm 9,5% so với tháng 3/2019 và giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2018.
2. Thị trường cao su trong nước
Trong 10 ngày giữa tháng 6/2019, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước ổn định so với 10 ngày trước đó. Tại Đắk Lắk, giá thu mua mủ nước tại vườn và nhà máy vẫn ổn định, hiện giao dịch lần lượt ở mức 295 đ/độ TSC và 300 đ/độ TSC.
3. Tình hình xuất khẩu cao su của Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6/2019, lượng cao su xuất khẩu đạt gần 56,25 nghìn tấn, trị giá 79,29 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 19,5% về trị giá so với 15 ngày trước đó, nhưng giảm 4,2% về lượng và giảm 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2019, xuất khẩu cao su đạt 547,79 nghìn tấn, trị giá 746,52 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu cao su trung bình 15 ngày đầu tháng 6/2019 ở mức 1.410 USD/tấn, giảm 2,1% so với mức giá xuất khẩu trung bình của 15 ngày trước đó và giảm 1,8% so với 15 ngày đầu tháng 6/2018.
4. Thị phần cao su của Việt Nam tại Ấn Độ
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 3 tháng đầu năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu 255,31 nghìn tấn cao su, trị giá 475,34 triệu USD, giảm 4,7% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu nhập khẩu từ In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Hàn Quốc… Trong 3 tháng đầu năm 2019, Ấn Độ tăng cường nhập khẩu cao su từ các thị trường như: Ma-lai-xi-a tăng 228,1%, Xin-ga-po tăng 246,7%, Bờ Biển Ngà tăng 57%, Việt Nam tăng 46,5%. Trong đó, Ấn Độ nhập khẩu 33,43 nghìn tấn cao su
từ Việt Nam, trị giá 47,05 triệu USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ cũng tăng từ 8,5% trong 3 tháng đầu năm 2018, lên 13,1% trong 3 tháng đầu năm 2019.
Về chủng loại: Trong 3 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) của Ấn Độ đạt 117,56 nghìn tấn, trị giá 167,29 triệu USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Cao su tự nhiên chiếm 46% trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ. In-đô-nê-xi-a, Việt Nam và Ma-lai-xi-a là 3 thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất cho Ấn Độ… Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 2 cho Ấn Độ, với thị phần chiếm 28,4% trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018, lên 33,34 nghìn tấn.
Nhập khẩu cao su tổng hợp (mã HS: 4002) trong 3 tháng đầu năm 2019 của Ấn Độ đạt 117,59 nghìn tấn, trị giá 252,93 triệu USD, giảm 2,6% về lượng, nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,1% trong tổng nhập khẩu cao su tổng hợp của Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2019.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu 19,98 nghìn tấn cao su hỗn hợp (mã HS: 4005), trị giá 37,1 triệu USD, tăng 31,9% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Hoa Kỳ và Ma-lai-xi-a.
Theo: Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương