HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 16 01 2020

Bản tin thị trường cao su của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam ngày 15/01/2020

Datetime: 09 01 2020

Dự báo thị trường cao su Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2020

Triển vọng thương mại từ thương chiến Mỹ Trung, khả năng tăng trưởng phục hồi nhờ vào việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc cùng với nguồn cung giảm 800.000 tấn là những dấu hiệu khởi sắc của thị trường cao su Việt Nam năm 2020.

Xuất khẩu cao su năm 2019 thu về 2,26 tỉ USD

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12/2019 ước đạt 181.000 tấn với giá trị đạt 238 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su năm 2019 ước đạt 1,68 triệu tấn và 2,26 tỉ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018.

Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 66,5%, 8,3% và 3%.

Chiều ngược lại khối lượng nhập khẩu cao su tháng 12/2019 ước đạt 81.000 tấn với giá trị đạt 119 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu năm 2019 ước đạt 741.000 tấn và 1,21 tỉ USD, tăng 19,8% về khối lượng và tăng hơn 8% về giá trị so với năm 2018.

5 thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 11 tháng đầu năm 2019 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào và Đài Loan chiếm 63,1% thị phần.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, thị trường có giá trị nhập khẩu cao su tăng mạnh nhất là Pháp tăng gần 90%. Ngược lại, Thái Lan là thị trường có giá trị nhập khẩu cao su giảm mạnh nhất giảm 25%.

Giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam tháng 11/2019 đạt 1.316 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 10/2019 và tăng 5,8% so với cùng kì năm 2018.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho hay kể từ khi chạm đáy với giá xuất khẩu bình quân vào tháng 12/2018 khoảng 1.200 USD/tấn, giá cao su đầu năm 2019 có dấu hiệu phục hồi và đạt ngưỡng bình quân 1.443 USD/tấn vào cuối tháng 4/2019.

Sau những tháng đầu năm tăng, liên tiếp những tháng sau đó, giá cao su xuất khẩu giảm dần và rơi xuống mức xấp xỉ 1.300 USD/tấn vào tháng 10/2019. Tuy nhiên từ tháng 10/2019, giá cao su xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục.

Xu hướng giá tăng và triển vọng năm 2020

Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong tháng 12/2019. Cụ thể, tại Bình Phước, giá mủ từ mức 270 đồng/độ lên 285 đồng/độ. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.

So với thời điểm đầu năm, giá mủ cao su tại Bình Phước diễn biến tăng, từ mức 240 – 250 đồng/độ lên 285 đồng/độ, trong đó mức cao nhất đạt được trong năm là 290 đồng/độ vào tháng 5/2019 và 6/2019.

Trên thị trường thế giới, tại Sở Giao dịch hàng hóa kì hạn Tokyo (Tocom), giá cao su cũng tăng mạnh trong tháng 12 năm ngoái nhờ các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau khi thỏa thuận thương mại cuối cùng đã làm thay đổi thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/12/2019, giá cao su giao tháng 5/2020 leo lên mức cao mới 202,5 yen, tăng 13,2 yen, tương đương 7% so với phiên giao dịch ngày 2/12/2019. Trước đó, ngày 13/9/2019, hợp đồng giao tháng 5/2020 đạt mức đỉnh 202,9 yen/kg.

Giá cao su giao ngay trên thị trường châu Á cũng tăng cùng với xu thế trên thị trường kì hạn.

Cụ thể, giá cao su RSS3 Thái Lan ngày 13/12 ở mức 1,63 USD/kg, tăng 0,10 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,50 USD/kg, tăng 0,08 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,50 USD/kg, tăng 0,09 USD/kg, SIR20 Indonesia ở mức 1,50 USD/kg, tăng 0,09 USD/kg so với ngày 29/11.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo thị trường cao su Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2020, do thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung có triển vọng đạt được từng phần. Bên cạnh đó, thị trường hy vọng việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích thích nhu cầu tiêu thụ cao su.

Ngoài ra, theo Hội đồng Cao su Quốc tế ba bên (ITRC), sản lượng cao su của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới như Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự báo giảm 800.000 tấn trong năm 2019, do ảnh hưởng bởi bệnh nấm.

Cùng với sức ép tăng thu nhập cho người trồng cao su khi Thái Lan (chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu) vừa phê chuẩn kế hoạch 20 năm phát triển ngành cao su, theo đó giảm diện tích trồng cao su tới 21% trên cả nước và tăng giá trị xuất khẩu cao su gấp 3 lần.

Như Huỳnh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Datetime: 08 01 2020

Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su của Campuchia tăng mạnh nhưng giá cao su xuất khẩu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu công bố chính thức trong tuần này cho thấy. Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su của Campuchia đạt tổng cộng 233.677 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018, theo báo cáo từ Tổng cục Cao su thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia. Báo cáo nhấn mạnh rằng xuất khẩu cao su đạt xấp xỉ 311 triệu USD, giá cao su xuất khẩu trung bình đạt 1.331 USD/tấn. Toàn bộ sản xuất cao su của Campuchia được xuất khẩu với Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Campuchia cũng xuất khẩu cao su sang Trung Quốc và Malaysia.

Giá cao su giảm nhẹ bất chấp xuất khẩu cao su Campuchia tăng mạnh

Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư quy mô lớn vào các vườn cao su tại Campuchia thông qua 19 công ty con tại 7 tỉnh – Kampong Thom, Preah Vihear, Siem Reap, Oddar Meanchey, Kratie, Mondulkiri, và Ratanakkiri. Tập đoàn hiện sở hữu khoảng 90.000ha đất trồng cao su tại Campuchia, trị giá 800 triệu USD. Tổng cục Cao su lẫn Hiệp hội Phát triển Cao su Campuchia không bình luận về thông tin trên.

Lim Heng – phó chủ tịch An Mady Group – công ty sở hữu một vườn cao su và xuất khẩu cao su – cho biết các nhà đầu tư trong ngành ngành này không thể sống sót với mức giá hiện nay. “Chi phí sản xuất cao hơn giá bán ở mức giao dịch iện nay”, ông cho biết thêm các vườn cao su quy mô nhỏ hơn lại thích ứng tốt hơn với tình hình. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam – thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Campuchia – cũng giảm mạnh xuất khẩu cao su sang Trung Quốc do những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc và những lo ngại liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. “Tình hình này tác động tới Campuchia do phần một xuất khẩu cao su của Campuchia dành cho Trung Quốc thông qua xuất khẩu gián tiếp qua Việt Nam”.

Thái Lan là nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, theo sau là Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia – với sản lượng hàng năm lần lượt là 5 triệu tấn, 3,5 triệu tấn, 1,1 triệu tấn, 840.000 tấn, 750.000 tấn và 650.000 tấn. Xuất khẩu cao su của Thái Lan sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2019 giảm 15% – hệ quả của cuộc chiến thương mại trả đũa giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài căng thẳng thương mại, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều hứng chịu dịch bệnh nấm trên cây cao su, gây thiệt hại cho hàng loạt vườn cao su tại 3 nước. Hội đồng Cao su Ba bên quốc tế (International Tripartite Rubber Council-ITRC), đại diện cho các nước nói trên, ước tính sản lượng cao su tự nhiên của ba nước giảm 800.000 tấn trong năm 2019. “Các yếu tố bất thường, đặc biệt là sự bùng phát dịch bệnh, thời tiết thất thường và hoạt động cạo mủ chậm chập do giá cao su ở mức thấp kéo dài”, báo cáo của ITRC cho hay. Cho tới nay, dịch bệnh nấm đã lan tới 380.000ha cao su tại Indonesia, 52.000ha tại Thái Lan và 5.000ha ở Malaysia.

Campuchia tới nay vẫn chưa bị tác động bởi dịch bệnh, theo cơ quan chịu trách nhiệm ngành cao su nước này cho hay, cho biết thêm chính phủ sẵn sàng đối phó nếu có dịch.

Theo Khmer Times