Chính phủ Thái Lan vừa phê chuẩn kế hoạch 20 năm phát triển ngành cao su, theo đó giảm diện tích trồng cao su tới 21% trên cả nước và tăng giá trị xuất khẩu cao su gấp 3 lần, theo người phát ngôn chính phủ cho biết ngày 4/12. Thái Lan hiện là nước sản xuất – xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu nhưng nông dân trồng cao su tại nước này đang gặp khó khăn do giá cao su thấp liên tục trong nhiều năm qua cùng với suy giảm nhu cầu thế giới.
Để đẩy giá cao su tăng và bình ổn thu nhập cho nông dân, chính phủ Thái Lan đã vạch ra một loạt các mục tiêu đạt được vào năm 2036, theo người phát ngôn chính phủ, bà Rachada Dhnadirek cho hay. Các mục tiêu này bao gồm giảm diện tích trồng cao su 21% từ 3,73 triệu ha năm 2016 xuống 2,94 triệu ha và tăng giá trị xuất khẩu cao su tự nhiên từ 250 tỷ Baht lên 800 tỷ Baht hàng năm. Chính phủ Thái Lan cũng muốn nâng năng suất cao su tăng 60% và thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng 65%, tăng tỷ lệ tiêu dùng cao su nội địa từ 13,6% lên 35% tổng sản lượng cao su hàng năm.
Nước này cũng đang triển khai những nỗ lực lớn nhằm tăng xuất khẩu cao su trong những tháng gần đây sau khi cắt giảm xuất khẩu trong thời gian 4 tháng, từ cuối tháng 5 tới cuối tháng 9, là một phần trong kế hoạch của các nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới nhằm thúc đẩy giá cao su thế giới. Cú hích này đưa ra sau khi xuất khẩu cao su Thái Lan giảm mạnh do các căng thẳng thương mại quốc tế và sự mạnh lên của đồng Baht – đồng tiền tăng giá mạnh nhất châu Á năm 2019 – càng gây áp lực lên nền kinh tế trọng thương mại này.
Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho hay nước này đã ký các thỏa thuận xuất khẩu cao su trị giá 1,13 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận bán 140.000 tấn các sản phẩm cao su, được ký trong dịp triển lãm ngành cao su kéo dài 3 ngày tại Bangkok tuần trước,
Theo Bangkok Post
Lo ngại nguồn cung cao su giảm do dịch bệnh, giá cao su tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan đều tăng trong tháng 11.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 11, giá cao su trên thị trường thế giới biến động theo xu hướng tăng so với tháng 10.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 28/11, giá cao su giao kì hạn tháng 1/2020 giao dịch ở mức 170,9 Yên/kg, tương đương 1,56 USD/kg, tăng 4,7% so với cuối tháng 10.
Diễn biến giá cao su giao kỳ hạn tháng 01/2020 tại sàn Tocom trong tháng 11/2019 (ĐVT: Yên/kg). Nguồn: Bộ Công Thương.
Tại sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE), ngày 28/11, giá cao su giao kì hạn tháng 1/2020 tăng hơn 5% so với cuối tháng 10/2019, giao dịch ở mức 12.535 Nhân dân tệ/tấn, tương đương 1,78 USD/kg.
Cùng chung xu hướng, tại Thái Lan, giá cao su RSS3 ngày 28/11 chào bán ở mức 44,9 Baht/kg, tương đương 1,49 USD/kg, tăng 4,4% so với cuối tháng 10.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá cao su tăng lên là lo ngại nguồn cung cao su giảm do dịch bệnh.
Theo Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), sản lượng cao su của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự báo giảm 800.000 tấn trong năm 2019, do ảnh hưởng bởi bệnh nấm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân tăng giá còn đến từ yếu tố thị trường hi vọng việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích thích nhu cầu tiêu thụ cao su Thái Lan.
Sản lượng cao su của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới dự báo giảm 800.000 tấn trong năm 2019. Ảnh: VRG
Theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 10 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005 của Thái Lan đạt 3,92 triệu tấn, giá trị 5,57 tỉ USD, giảm hơn 11% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kì năm 2018. Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Thái Lan.
Trong đó, cao su tự nhiên (mã HS 4001) là chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan trong 10 tháng năm 2019, đạt 2,64 triệu tấn, trị giá 109,71 tỉ Baht, tương đương 3,63 tỉ USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 11,8% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.
Trong 10 tháng qua, xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan sang Trung Quốc đã giảm 18,4% về lượng và giảm 20% về giá trị so với 10 tháng của năm 2018.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong 10 tháng năm 2019 có nhiều biến động khi tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ giảm, tit trọng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng.
Còn xuất khẩu cao su tổng hợp (mã HS 4002) của Thái Lan, 10 tháng qua ghi nhận đạt 1,14 triệu tấn, trị giá 51,85 tỉ Baht, tương đương 1,72 tỉ USD, giảm 11,7% về lượng và giảm 18,2% về trị giá.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 85,7% lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan, đạt 978.850 tấn, trị giá 43,2 tỉ Baht, tương đương 1,43 tỉ USD, giảm 15,6% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Cập nhật giá cao su thiên nhiên ngày 29/11/2019 tại một số nước sản xuất cao su lớn của Châu Á (Thái Lan, Malaixia, Indonesia).
Loại hàng/Kỳ hạn | Giá |
Thai RSS3 (giao tháng 12/2019) | $1.53/kg |
Thai STR20 (giao tháng 12/2019) | $1.42/kg |
Thai 60-percent latex (bulk/ giao tháng 12/2019) | $1,080/tonne |
Thai 60-percent latex (drum/ giao tháng 12/2019) | $1,180/tonne |
Malaysia SMR20 (giao tháng 12/2019) | $1.41/kg |
Indonesia SIR20 (giao tháng 12/2019) | $1.41/kg |
Thai USS3 | 39.33 baht/kg |
Chú ý: – Giá nêu trên được thu thập từ các thương nhân ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Đó không phải là giá chính thức được công bố bởi các cơ quan chức trách ngành cao su của các quốc gia đó.
Theo Reuters