Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu sản phẩm công nghiệp sẽ phục hồi vào cuối năm 2022 và nhu cầu sẽ tăng từ từ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động bình thường.
Theo Nikkei Asian Review, giám đốc của công ty kinh doanh hàng hoá Olam International cho hay nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm, nguồn cung tạm ngừng và logistic trì trệ khiến ngành công nghiệp bông và cao su không thể mong đợi sự phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng COVID-19 cho đến cuối năm 2022.
Công ty Olam có trụ sở tại Singapore chủ yếu xử lí các sản phẩm nông nghiệp như ca cao, cà phê, gia vị và dầu ăn, cũng như các nguyên liệu sản xuất như bông và cao su.
Chuỗi cung ứng của công ty này trải dài hơn 60 quốc gia, từ châu Á đến châu Âu và châu Phi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, Sunny Verghese, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành tập đoàn Olam cho biết đại dịch này là “cuộc khủng hoảng quan lớn mà chúng tôi phải đối mặt” do nó đã tác động tiêu cực tới nhu cầu, nguồn cung và mạng lưới hậu cần một cách triệt để.
Ông Verghese cũng lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều “sự không chắc chắn” liên quan đến một làn sóng khủng hoảng khác với mức độ lớn nhiều.
Ông Verghese cũng cho rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ không theo mô hình phục hồi hình chữ V.
“Tôi cho rằng sự phục hồi sẽ mang tính chắp vá, không chắc chắn, không đồng đều và kéo dài hơn. Vì vậy, quan điểm của tôi là sẽ mất ít nhất đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 để quay trở lại mức tăng trưởng GDP như chúng ta đã có vào năm 2019.”
Ông Verghese dự báo rằng nhu cầu sản phẩm công nghiệp sẽ phục hồi vào cuối năm 2022 và cho rằng “nhu cầu sẽ tăng từ từ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động bình thường.”
Trong khi đó, Verghese cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm như ca cao bắt đầu tăng vào tháng 6 và tháng 7, và nó đang trở lại “mức trước đại dịch”.
Lệnh phong toả và các biện pháp hạn chế khác được sử dụng để ngăn chặn hoặc làm chậm sự lây lan của virus COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng Verghese nhấn mạnh rằng thời kì tồi tệ nhất dường như đã qua.
Khi các quốc gia bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong toả, “điều tồi tệ nhất của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang tiềm ẩn sau chúng ta”, ông cho biết.
Ngoài một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức thì “60 quốc gia còn lại mà chúng tôi đang có chi nhánh ở đó ,” mọi thứ đang bắt đầu được hồi phục và cải thiện.
Khi chuỗi cung ứng phục hồi, một mối quan tâm đối với các công ty toàn cầu là căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trong một cuộc chiến thương mại, trong đó các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc đã và đang đưa ra những động thái trả đũa.
Verghese nhấn mạnh rằng công ty của ông sẽ giữ thái độ trung lập đối với các cường quốc. “Chúng tôi không thể chọn bên. Chúng tôi chắc chắn sẽ giữ thái độ trung lập.”
Về mặt dài hạn, Verghese cho hay Mỹ không thể làm gì nếu không có Trung Quốc và ngược lại. “Hiện tại, đây là một cuộc khủng hoảng thực sự và sẽ là một cuộc đấu tranh kéo dài, nhưng tôi nghĩ họ sẽ tìm thấy một điểm cân bằng mới bởi vì không ai sẽ thắng trong cuộc chiến này.”
Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore và tập đoàn kinh doanh Mitsubishi Corp của Nhật Bản lần lượt sở hữu 54% và 17% cổ phần của công ty Olam.
Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của công ty là 3,2 tỉ USD.
Lợi nhuận của Olam trong nửa đầu năm 2020 đã tăng 44% so với một năm trước lên 244 triệu USD nhờ lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn.
Trong khi đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 19%.
H.Mĩ
Theo Kinh tế & Tiêu dùng