HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 20 12 2019

Thị trường lo ngại nguồn cung giảm sau khi các nước sản xuất hàng đầu xem xét hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ giá đã khiến giá cao su tăng trong nửa đầu tháng 12.

Thông tin từ Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 2 tuần đầu tháng 12, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt có xu hướng tăng so với cuối tháng 11.

Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 12/12/2019, giá cao su giao kì hạn tháng 2/2020 giao dịch ở mức 175,4 Yên/kg, tương đương 1,62 USD/kg, tăng 2,6% so với cuối tháng 11/2019.

Tại Thượng Hải, ngày 12/12/2019, giá cao su tự nhiên giao kì hạn tháng 2/2020 giao dịch ở mức 12.920 NDT/tấn, tương đương 1,84 USD/kg, tăng hơn 3% so với cuối tháng 11 vừa qua.

Tại Thái Lan, ngày 11/12/2019, giá cao su RSS 3 giao dịch ở mức 45,9 Baht/kg, tương đương 1,52 USD/kg, tăng 2,5% so với cuối tháng trước

Nguyên nhân giá cao su tăng là thị trường lo ngại nguồn cung giảm, sau khi các nước sản xuất hàng đầu xem xét hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ giá.

Nguồn cung giảm đang đẩy giá cao su cuối năm lên cao

Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan trong tháng 12/2019 (ĐVT: Baht/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/Thainr.com.

Theo Bộ Công Thương Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang xem xét hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá cao su.

Cụ thể Thái Lan đã thông qua kế hoạch giảm 21% diện tích trồng cao su trên toàn quốc, đồng thời nâng giá xuất khẩu cao su tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm tới. Thái Lan chiếm tới 40% nguồn cung cao su toàn cầu, nhưng giá cao su ở mức thấp trong nhiều năm gần đây đang gây khó khăn cho nông dân trồng cao su tại nước này.

Để hỗ trợ người trồng cao su, chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu giảm diện tích trồng cao su 21%, từ mức 3,73 triệu ha năm 2016, xuống còn 2,94 triệu ha; tăng kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên từ 250 tỉ baht lên 800 tỉ baht mỗi năm.

Đồng thời tăng năng suất cao su thêm 60%, tăng 65% thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng tỉ lệ tiêu dùng cao su nội địa từ 13,6%, lên 35% tổng sản lượng cao su hàng năm.

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp gồm cả latex của Trung Quốc đạt 5,85 triệu tấn, trị giá gần 9 tỉ USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Tính riêng tháng 11/2019, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 636.000 tấn, trị giá hơn 946 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 25,6% về trị giá so với tháng 10, nhưng giảm 5,6% về lượng và giảm 6,3% về trị giá so với tháng 11/2018.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết tổng sản lượng ô tô sản xuất và bán ra tháng 10/2019 của nước này lần lượt đạt 2.295 triệu chiếc và 2.284 triệu chiếc. Con số này lần lượt tăng gần 4% và 0,6% so với tháng 9/2019, nhưng giảm 1,7% và 4% so với cùng kì năm 2018.

Năm 2018, Trung Quốc ghi nhận doanh số ô tô lần đầu giảm sau 30 năm, ở mức 28,08 triệu chiếc được bán ra. CAAM dự kiến doanh số bán ô tô của nước này năm 2019 sẽ giảm khoảng 10%, tiếp tục xu hướng giảm kể từ tháng 7/2018.

Như Huỳnh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Datetime: 19 12 2019

Giá cao su hôm nay diễn biến trái chiều trên các sàn giao dịch thế giới, sàn TOCOM đồng loạt giảm các kỳ hạn trong khi Thượng Hải lại tăng khả quan.

Giá cao su hôm nay 18/12 đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) ghi nhận giảm trở lại sau mức tăng yếu ớt vào hôm qua. Giá cao su hiện đang mở cửa ở mức 176 JPY/kg, giảm 0,1 JPY/kg, tương đương 0,06% so với phiên giao dịch hôm qua 17/12, giá khớp hiện tại đạt 175,9 JPY/kg, mức giá cao nhất trong phiên giao dịch sáng nay chỉ đạt ở mức 176 JPY/kg.

Giá cao su 18/12 trái chiều trên các sàn thế giới

Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn TOCOM hôm nay cũng giảm theo, giao dịch thấp nhất ở mức 194,6 JPY/kg, cao nhất lên ở mức 198,3 JPY/kg, giảm 0,31%, giá khớp hiện tại đứng ở mức 195,6 JPY/kg.

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tại sàn giao dịch tương lai SHFE – Thượng Hải đã tăng khiêm tốn, tăng 0,31% lên mức 12.900 CNY/tấn – giá khớp hiện tại, mức giao dịch thấp nhất ở mức 12.875 CNY/tấn, cao nhất đạt 12.950 CNY/tấn.

Với phiên giao dịch giá cao su kỳ hạn 3/2020, ghi nhận mức cao nhất đạt 13.105CNY/tấn, tăng 0,42% tương đương tăng 55 CNY/tấn, giá khớp hiện tại đang ở mức 13.080 CNY/tấn (số liệu cập nhật vào lúc 8h30 ngày 18/12/2019).

Tháng 11/2019, giá cao su trên  thị trường  thế giới biến động theo xu hướng tăng so với tháng 10/2019. Thị trường lo ngại nguồn cung cao su giảm do dịch bệnh trên cây cao su.

Theo Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), sản lượng cao su của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới như Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự báo giảm 800.000 tấn trong năm 2019, do ảnh hưởng bởi bệnh nấm. Thị trường hy vọng việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích thích nhu cầu tiêu thụ cao su.

Chính phủ Thái Lan vừa phê chuẩn kế hoạch 20 năm phát triển ngành cao su, theo đó giảm diện tích trồng cao su tới 21% trên cả nước và tăng giá trị xuất khẩu cao su gấp 3 lần, theo người phát ngôn chính phủ cho biết ngày 4/12.

Thái Lan hiện là nước sản xuất – xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu nhưng nông dân trồng cao su tại nước này đang gặp khó khăn do giá cao su thấp liên tục trong nhiều năm qua cùng với suy giảm nhu cầu thế giới.

Giá cao su 18/12 trái chiều trên các sàn thế giới

Theo ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 11/2019 đạt 200.000 tấn, trị giá 260 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 4,3% về trị giá so với tháng 10/2019, tăng 11,3% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá cao su xuất khẩu bình quân tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018, lên 1.300 USD/tấn. Tính chung 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng Cục Hải Quan (TCHQ) vừa có thông báo mới nhất về tình hình xuất khẩu cao su trong nước tháng 8 năm 2019. Theo đó, xuất khẩu cao su tháng 8/2019 tăng cả lượng và trị giá, đây là tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Lũy kế xuất khẩu mặt hàng này từ đầu năm đến hết tháng 8/2019 đã thu về trên 1,3 tỷ USD, đạt 962,1 nghìn tấn.

Về tình hình trong nước, hôm nay 18/12 ghi nhận giá cao su SVR (F.O.B) hiện đang dao động trong tầm 32.932 – 43.028 đồng/kg. Giá cao su SVR CV hôm nay đạt mức 43.028,97 đồng/kg, đây đang là mức giá cao nhất đối với chất lượng mủ SVR (F.O.B).

Giá mủ SVR 20 đang có mức thấp nhất 32.932,16 đồng/kg, SVR L hôm nay đạt 42.480,47 đồng/kg, SVR GP đạt 33.424,69 đồng/kg, mủ SVR 10 đạt 33.044,10 đồng/kg.

Thuận Tiện

Theo Cung Cầu

Datetime: 18 12 2019

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2,02 tỷ USD toàn ngành cao su trong 11 tháng, riêng thị trường Trung Quốc đã đóng góp trên 1 tỷ USD, đó là lý do các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tìm mọi cách chinh phục thị trường quan trọng này.

Doanh nghiệp cao su giữ chặt thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường quan trọng, chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su Việt Nam.

Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương và Hiệp hội Cao su Việt Nam vừa tổ chức đoàn doanh nghiệp chế biến cao su xuất khẩu sang khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc.

Trong khuôn khổ của chuyến khảo sát thị trường, Bộ Công thương phối hợp tổ chức “Diễn đàn giao thương các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cao su Việt Nam – Trung Quốc  2019” tại thành phố Hàng Châu, Chiết Giang.

Diễn đàn giao thương các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cao su Việt Nam – Trung Quốc 2019 có sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp sản xuất săm lốp, đệm, băng tải, băng chuyền, các loại bao túi cao su, găng tay và đồ bảo hộ cao su, thiết bị máy móc chuyên dùng về ngành cao su tại khu vực Chiết Giang cùng đại diện là các hiệp hội ngành hàng cao su, hiệp hội doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu cao su khu vực Hoa Đông, Trung Quốc.

Phía Việt Nam là các doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực cao su thuộc Hiệp hội và Tập đoàn cao su Việt Nam như công ty Cao su Phước Hòa, Dầu Tiếng, Phú Riềng, Đồng Nai….

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, chỉ cần tập trung tốt cho thị trường khu vực Chiết Giang, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam đã có thị trường xuất khẩu rất rộng lớn.

Thông tin từ ông Chen Xiao Yu,  Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp cao su, Tổng giám đốc Công ty chế phẩm cao su Tam Duy, Chiết Giang càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam khi ông này cho biết, nhu cầu và sản lượng nhập khẩu hàng năm của các doanh nghiệp cao su vào khoảng hơn 1,1 triệu tấn. Chỉ tính riêng Tập đoàn cao su Trung Sách (ZC Ruber Group Co Ltd) nhu cầu nhập khẩu hàng năm từ 700 đến 1 triệu tấn cao su.

Chưa kể, gần 20 công ty sản xuất băng tải chịu nhiệt, băng tải và các chế phẩm từ cao su mỗi doanh nghiệp đang nhập khẩu từ 5.000 tấn đến 15.000 tấn cao su mỗi năm.

Là đơn vị nhập khẩu lớn, Tập đoàn Cao su Trung Sách cho biết, doanh nghiệp này đang nhập khẩu từ Việt Nam mỗi năm từ 300.000 – 400.000 tấn sản phẩm, nhưng chủ yếu qua trung gian, đôi khi chưa đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Về dài hạn, Tập đoàn này mong muốn thiết lập mối quan hệ cung cầu lâu dài với các doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Tại Diễn đàn giao thương, các doanh nghiệp sản xuất về lĩnh vực băng tải chịu nhiệt, dây kéo, dây cu roa đánh giá cao môi trường đầu tư, mức độ hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn sẵn sàng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trong khi nhiều nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh thì cao su vẫn tăng trưởng 9,7% về lượng và 8,3% về trị giá so với cùng kỳ, đạt trên 1 tỷ USD sau 11 tháng.

Như vậy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2,02 tỷ USD toàn ngành cao su trong 11 tháng, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 50%.

Thế Hải

Nguồn tin:  Báo Đầu tư