HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 30 12 2021

Trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn với giá trị 2,8 tỷ USD.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn

Mặc dù đang trong giai đoạn phục hồi và thực hiện “mục tiêu vụ kép”, ngành cao su Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm và đang hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.

Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn với giá trị 2,8 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng cao su xuất khẩu tăng 11,9% nhưng giá trị tăng đến 40,8%. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Sẵn sàng cho “bình thường mới” tiếp theo: Hướng đi tương lai cho ngành cao su” vừa diễn ra ngày 17/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam bình quân đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 2 tỷ USD.

Đặc biệt trong năm 2021, xuất khẩu cao su vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với vị trí thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi Nga, Đài Loan…

Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Trong khi triển vọng về nhu cầu cao su thiên nhiên có thể chịu rủi ro liên quan đến biến thể mới và khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông.

“Sản phẩm công nghiệp cao su: vỏ xe, găng tay… sản phẩm gỗ cao su một năm cung cấp 10 triệu m khối cho cả Việt Nam, đó là nguyên liệu rất tốt; rồi hạ tầng trên đất cao su, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư trên cơ sở phát triển của địa phương, và cuối cùng là liên kết ứng dụng công nghệ cao trên đất cao su. Tức là một phần diện tích cao su sẽ chuyển thành các mục tiêu, nhưng diện tích bên cạnh vẫn là cây cao su, đó là cây truyền thống và duy trì ngành cao su, để cân đối và kéo theo phát triển cao su tiểu điền”, ông Trần Ngọc Thuận cho hay.

Những thách thức chưa từng có tiền lệ vừa qua cũng đã tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và những nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, cũng như ứng dụng chuyển đổi số để tìm ra các giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn cảng biển và gián đoạn sản xuất.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn

Để hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng, ngành cao su hậu Covid-19 cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các nguồn lực sẵn có đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm.

Tại Hội thảo, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: Kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm bền vững…

Cùng với đó là việc tham gia các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA với mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Trong trạng thái “bình thường mới” tiếp theo sau đại dịch, ngành cao su Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đây sẽ là hướng đi tương lai mà doanh nghiệp cao su cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng kịp thời và hiệu quả.

Xuất phát từ bối cảnh thực tiễn và chủ trương của Chính phủ Việt Nam, bà Bùi Thanh An cũng cho biết Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phát triển ngành cao su Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu theo hướng bền vững. Đặc biệt, trong thời gian qua hoạt động xúc tiến thương mại (XTTT) phát triển thị trường cho cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su đã được chú trọng và đẩy mạnh.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, với chuỗi giá trị vốn phức tạp và khác biệt đối với từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ. Do đó, việc xây dựng sơ đồ chuỗi cung và trao đổi thông tin, số liệu để tháo gỡ các trở ngại về logistics cũng ngày càng trở nên cấp bách nhằm đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng cao su.

Với những xu hướng trên đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam cần phải thực hiện các quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn, nhằm thích ứng với tình hình mới. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Datetime: 17 12 2021

Xuất khẩu cao su từ Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm nay. Việt Nam đang là nguồn cung cao su lớn thứ 4 cho thị trường này.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 37,62 nghìn tấn, trị giá 68,87 triệu USD, tăng 57,8% về lượng và tăng 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, chủng loại SVR 10 được xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc, chiếm 25,6% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021, với 9,62 nghìn tấn, trị giá 16,01 triệu USD, tăng 68,5% về lượng và tăng 109,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc đều đạt được sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đáng chú ý như: SVR 20 tăng tới 2.283,4% về lượng và tăng 2.781,2% về trị giá; RSS3 tăng 149,2% về lượng và tăng 238,8% về trị giá...

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021 hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là cao su dạng Crếp tăng 127,3%; RSS3 tăng 36%; Latex tăng 34,7%; RSS3 tăng 31,9%; SVR 3L tăng 28,9%...

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 10 tháng năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 461,29 nghìn tấn cao su, trị giá 952,9 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc và nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 35,88 nghìn tấn, trị giá 68,76 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 68,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cao su Việt Nam chiếm 7,8% thị phần trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 6,8% của 10 tháng năm 2020.

Datetime: 13 12 2021

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 11, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao dịch chủ chốt ở châu Á có phiên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu phục hồi.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá xuống mức thấp nhất vào ngày 5/11 (ở mức 212 Yên/kg), sau đó tăng trở lại. 

Ngày 29/11, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 giao dịch ở mức 232,5 Yên/kg (tương đương 2 USD/kg), tăng 4% so với cuối tháng 10.

 Giá cao su chạm đỉnh 6 tháng, kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phục hồi - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 tại sàn Osaka trong tháng 11/2021

(ĐVT: Yên/kg. Nguồn: Cục Xuất nhập khảu)

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 29/11, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 ở mức 15.185 NDT/tấn (tương đương 2,36 USD/kg), tăng 2% so với cuối tháng 10. 

Tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh trồng nhiều cao su như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất thu hoạch mủ cao su. 

Trong tháng 11, mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290- 335 đồng/độ TSC. 

Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước dao động ở mức 293-333 đồng/độ TSC, giảm 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 10. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại. 

Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 334-336 đồng/ độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 330 đồng/độ TSC.

"Giá cao su trong tháng 11 biến động mạnh, giá có phiên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng (ngày 25/11) với hy vọng ngày càng tăng rằng sản lượng ô tô sẽ phục hồi sau khi sụt giảm do tình trạng thiếu vi mạch", Cục Xuất nhập khẩu nhận định. 

Tuy nhiên, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến giá cao su giảm trong những ngày cuối tháng. 

Với khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn cả biến thể Delta và kháng vắc xin mạnh hơn, thông tin về biến thể mới của virus đã khiến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong ngày 26/11, khiến giá cao su tự nhiên giao dịch trên thế giới cũng giảm. 

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 ước tính tăng 8,3% so với năm 2020, lên 14,028 triệu tấn. 

Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,836 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2020. Theo số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 192 nghìn tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. 

Nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường, không theo mùa đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. 

Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. 

Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi của ngành cao su.