Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt gần 10 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,62 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 9 tháng năm 2022 chiếm 16,2%, thấp hơn so với mức 16,4% của 9 tháng đầu năm 2021.
Trong kỳ, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (HS 4001) của Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 246,33 triệu USD, tăng 46,8% so với 9 tháng đầu năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 6,2% của 9 tháng đầu năm ngoái.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tự nhiên cho Trung Quốc trong 9 tháng năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tự nhiên của Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm, trong khi thị phần của Bờ Biển Ngà, Việt Nam, Lào tănóa
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) của Trung Quốc đạt 4,09 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,36 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 33,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 36,9% của 9 tháng đầu năm 2021.