Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114 nghìn tấn cao su, tương đương 195 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng 4. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt gần 600 nghìn tấn, tương đương 1 tỷ USD, tăng gần 9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2021 phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD.
Xuất khẩu cao su ngày càng tăng cả về lượng và chất, tuy nhiên diện tích và sản lượng cao su của Việt Nam gần đây liên tục giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends cho biết hiện nay cao su đại điền (các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.
Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp.
Điều này dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Các con số này tăng lần lượt là 2,4 lần và 2,7 lần so với con số về lượng và kim ngạch nhập khẩu của năm 2020.
Thời gian qua, những quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.
Do đó, để phát triển bền vững ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng cần vận động các hộ kinh doanh riêng lẻ hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su theo từng cụm để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển bền vững theo pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Chuyển dần phương thức canh tác nông lâm tổng hợp, đa dạng hóa thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh và sạch trong chuỗi cung ứng.
Xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.
Một giải pháp quan trọng khác là Nhà nước cần tập khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 6, giá cao su tại các sàn châu Á giảm mạnh.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần vào ngày 16/6 ở mức 248,8 Yên/kg, sau đó giá tăng trở lại vào ngày 17/6, nhưng so với 10 ngày trước đó giá vẫn giảm nhẹ.
Ngày 17/6 giá cao su RSS3 giao tháng 7/2022 giao dịch ở mức 251 Yên/kg, tương đương 1,87 USD/kg, giảm 0,8% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su giảm do nhu cầu yếu. Ngày 17/6, giá cao su RSS3 giao tháng 7/2022 giao dịch ở mức 12.685 NDT/tấn, tương đương 1,89 USD/tấn, giảm 2,8% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan từ tháng 5/2022 đến nay (ĐVT: Baht/kg). (Nguồn: thainr.com/Bộ Công Thương)
Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên liên tục giảm mạnh. Ngày 17/6 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 69 Baht/kg, tương đương 1,95 USD/kg, giảm gần 5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên tại nước này. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 463.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), trị giá 900 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 4,4% về trị giá so với tháng 5/2021.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,86 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 5,4 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 6/2022, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước giảm nhẹ.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 300-335 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 335-337 đồng/TSC, giảm 3-5 đồng/ TSC so với 10 ngày trước đó.
Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 300-310 đồng/TSC, giảm nhẹ so với 10 ngày trước đó.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Cập nhật giá cao su hôm 16/6/2022 ghi nhận quay đầu giảm nhẹ toàn thị trường Châu Á. Giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 6 nhưng sau đó quay đầu giảm trước mối lo ngại về lạm phát.
Giá cao su thế giới
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 16/6/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 9/2022, giảm nhẹ xuống mức 251,5 JPY/kg, giảm nhẹ 0,2 yên, tương đương 0,08%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 15 CNY, ghi nhận 12.735 CNY/tấn, tương đương 0,12%
Cập nhật giá cao su hôm nay 16/6/2022: Quay đầu giảm vì lo ngại lạm phát
Cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore giảm 1,3% xuống 160,9 U.S. cent/kg.
Ông Chea Sakhin, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Tiểu điền Cao su Memot, Campuchia, cho biết, mặc dù sản lượng mủ tăng do thời tiết thuận lợi nhưng giá mặt hàng này đã giảm trong tháng 5 so với tháng trước đó do cung vượt quá cầu.
Theo Tổng cục Cao su Campuchia, quốc gia này hiện có 404.044ha dành riêng cho sản xuất cao su, trong đó có 310.193ha cây trồng đã đủ trưởng thành để khai thác lấy mủ, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính từ năm 2022, Campuchia sẽ có thể xuất khẩu trung bình hàng năm 400.000 tấn cao su sang các thị trường như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Giá cao su quay đầu giảm vì lo ngại lạm phát
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 6 nhưng sau đó quay đầu giảm trước mối lo ngại về lạm phát.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng lên mức 256 Yên/kg vào ngày 6/6, sau đó giá giảm trở lại nhưng vẫn ở mức cao hơn so với cuối tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản cũng tăng trưởng nhanh nhất trong 6 tháng vào tháng 5/2022 do tâm lý người tiêu dùng tích cực hơn sau khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng.
Các công ty ôtô Nhật Bản có thể đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm nay khi họ nâng giá xe và cắt giảm chi phí để giảm thiểu tác động từ lạm phát tăng cao. Trong khi đó, tại Ấn Độ, những trận mưa trái mùa liên tục đã làm gián đoạn việc thu hoạch mủ ở bang Kerala (Ấn Độ) kể từ giữa tháng 5/2022.
Taị thị trường trong nước, từ đầu tháng 6 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước ổn định.
Hoài An
Theo: Thương hiệu & Sản phẩm