Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 10, giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh, giá tại Nhật Bản và Thượng Hải tăng trở lại trong mấy phiên gần đây, nhưng vẫn giảm so với 10 ngày trước đó.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), sau khi giảm xuống mức 221 Yên/kg (ngày 14/10), giá tăng trở lại trong mấy phiên gần đây, nhưng vẫn giảm so với 10 ngày trước đó. Ngày 18/10 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 226,7 Yên/kg (tương đương 1,52 USD/kg), giảm nhẹ so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trở lại do dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt sau cuộc đàm phán của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu châu Á để thảo luận về hạn ngạch xuất khẩu nhằm ổn định giá cả, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế do các biện pháp phòng chống COVID-19 mới tại Trung Quốc đã gây áp lực cho thị trường.
Tại sàn SHFE Thượng Hải giá biến động mạnh. Sau khi giảm xuống mức 11.650 NDT/tấn (ngày 12/10/2022), giá tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn giảm so với 10 ngày trước đó. Ngày 20/10, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.745 NDT/tấn (tương đương 1,63 USD/tấn), giảm 2,7% so với 10 ngày trước đó và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, sau khi tăng lên mức 55,6 Baht/kg (ngày 11/10), giá cao su tự nhiên giảm trở lại. Ngày 18/10, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 54,1 Baht/kg (tương đương 1,42 USD/kg), giảm 1,6% so với 10 ngày trước đó và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 10, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố biến động nhẹ.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 270-280 đồng/TSC, tăng 10 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ở mức 273-275 đồng/ TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 235-245 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng nhẹ trở lại do giá dầu tăng, tuy nhiên giao dịch vẫn yếu do đợt nghỉ lễ kéo dài ở Trung Quốc. Dự báo, giá cao su có thể vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng nhẹ trở lại. Ngày 7/10, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần giao dịch ở mức 226,8 Yên/kg (tương đương 1,56 USD/kg), tăng 0,4% so với cuối tháng 9 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng do được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán trong nước, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế do đợt nghỉ lễ ở Trung Quốc.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), thị trường Trung Quốc nghỉ lễ từ ngày 1 đến 7/10 và giao dịch trở lại vào ngày 10/10.
Tại Thái Lan, giá cao su có xu hướng tăng trở lại từ đầu tháng 10. Ngày 7/10, giá cao su RSS 3 giao dịch ở mức 54,93 Baht/kg (tương đương 1,46 USD/kg), tăng 5,5% so với cuối tháng 9, nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng cao su tại Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và cảnh báo lũ lụt ở khắp quốc gia này. Tại Malaisia, những người khai thác cao su ở bang Kedah đang gặp khó khăn khi giá cao su giảm. Trong bối cảnh này, tình hình thời tiết không thể đoán trước càng tạo thêm áp lực lên hoạt động khai thác của họ.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 8 và tháng 9, tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 2,7 triệu tấn, tăng 71 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu tăng lên gần 2,5 triệu tấn, tăng 85 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021.
"Nguồn cung dư thừa trong giai đoạn này đã góp phần vào biến động của giá cao su trên thị trường thế giới, ngoài các yếu tố như giá dầu thô giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu", Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 10 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố ổn định so với cuối tháng trước.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 260-270 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 9.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa cũng được giữ ở mức 273-275 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước. Trong khi đó, giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 235-245 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 9.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu gần 219,3 nghìn tấn cao su, trị giá gần 332,4 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 4,2% về trị giá so với tháng 7; so với tháng 8/2021 tăng gần 16% về lượng và tăng hơn 7% về trị giá.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8 đạt 1.516 USD/tấn, giảm 6,6% so với tháng 7 và giảm 7,6% so với tháng 8/2021. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 8, chiếm 74,6% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 163,58 nghìn tấn, trị giá hơn 241 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với tháng 7; so với tháng 8/2021 tăng 20,3% về lượng và tăng 9,2% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong tháng 8 ở mức 1.474 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 7 và giảm 9,3% so với tháng 8/2021.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 840 nghìn tấn cao su, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng gần 8% về lượng và tăng hơn 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonessia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 8/2021.