Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 130.000 tấn, trị giá 221 triệu USD, tăng hơn 57% về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với tháng 5/2021.
So với tháng 6/2020 giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng hơn 36% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.700 USD/tấn, giảm gần 2% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 42,8% so với tháng 6/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681.000 tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng gần 80% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng so với so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, một số chủng loại như Latex, RSS1, cao su tổng hợp, SVR 10, RSS3, SVR 3L, SVR CV60… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,23% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 331.860 tấn, trị giá 536,4 triệu USD, tăng hơn 64% về lượng và tăng 96,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,5% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, đạt 330.190 tấn, trị giá 533,26 triệu USD, tăng hơn 65% về lượng và tăng 98% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp và cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm.
Trong đó, một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Latex tăng 38,6%, RSS1 tăng 37,7%, RSS3 tăng 32,4%, SVR CV60 tăng 30,2%, SVR 3L tăng hơn 29%, SVR CV50 tăng hơn 28%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường Đài Loan nhập khẩu 117.760 tấn cao su (mã HS 4001,4002,4003,4005), trị giá gần 262 triệu USD, tăng hơn 10% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia và Việt Nam là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 5 cho thị trường Đài Loan với 11.950 tấn, trị giá 23,59 triệu USD, tăng 78% về lượng và tăng hơn 132% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của thị trường Đài Loan chiếm 10,2%, tăng so với mức 6,3% của 5 tháng đầu năm 2020.
Thị trường Đài Loan có xu hướng tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam trong khi giảm nhập khẩu từ một số thị trường chính như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.
10 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Theo số liệu của Cơ quan Tài chính Đài Loan/Bộ Công Thương).
Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của thị trường Đài Loan đạt 40.740 tấn, trị giá 77,4 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia là các thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho thị trường Đài Loan, với 11.760 tấn, trị giá 23,4 triệu USD, tăng 91,3% về lượng và tăng 148% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Đài Loan chiếm 28,9%, tăng so với mức 15,1% của 5 tháng đầu năm 2020.
Hiện mặt hàng cao su tự nhiên xuất khẩu sang thị trường Đài Loan theo cam kết WTO có thuế suất 0% và về cơ bản không gặp rào cản do nhóm sản phẩm này không cạnh tranh với sản phẩm nội địa.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường Đài Loan nhập khẩu 71.310 tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 163,66 triệu USD, tăng hơn 10% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan giảm; trong khi thị phần của Mỹ, Trung Quốc tăng. Lượng cao su tổng hợp của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,04% trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114 nghìn tấn cao su, tương đương 195 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng 4. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt gần 600 nghìn tấn, tương đương 1 tỷ USD, tăng gần 9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2021 phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD.
Xuất khẩu cao su ngày càng tăng cả về lượng và chất, tuy nhiên diện tích và sản lượng cao su của Việt Nam gần đây liên tục giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends cho biết hiện nay cao su đại điền (các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.
Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp.
Điều này dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Các con số này tăng lần lượt là 2,4 lần và 2,7 lần so với con số về lượng và kim ngạch nhập khẩu của năm 2020.
Thời gian qua, những quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.
Do đó, để phát triển bền vững ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng cần vận động các hộ kinh doanh riêng lẻ hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su theo từng cụm để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển bền vững theo pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Chuyển dần phương thức canh tác nông lâm tổng hợp, đa dạng hóa thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh và sạch trong chuỗi cung ứng.
Xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.
Một giải pháp quan trọng khác là Nhà nước cần tập khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế.