Tháng 1/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm 30% về lượng và giảm 44,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu được 134,89 nghìn tấn cao su, trị giá 182,58 triệu USD, giảm 50,2% về lượng và giảm 50% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 30% về lượng và giảm 44,9% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2023 ở mức 1.354 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 21,2% so với tháng 1/2022.
Tháng 1/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 79,49% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 107,22 nghìn tấn, trị giá 141,89 triệu USD, giảm 52,2% về lượng và giảm 52,1% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 25,1% về lượng và giảm 41,8% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 1/2023 ở mức 1.323 USD/tấn
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 1/2023 ở mức 1.323 USD/tấn, tăng 0,03% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 22,3% so với tháng 1/2022.
Nhìn chung, trong tháng 1/2023, xuất khẩu cao su sang phần lớn các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 như: Nga, Hà Lan, Canada…
Trên thị trường thế giới, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á giảm khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán không mạnh như kỳ vọng. Cụ thể, tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 9/2/2023, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần giao dịch ở mức 213,9 Yên/kg (tương đương 1,63 USD/kg), giảm 1,8% so với cuối tháng 1/2023 và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Sàn Giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 9/2/2023, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần giao dịch ở mức 12.455 NDT/tấn (tương đương 1,83 USD/kg), giảm 5% so với cuối tháng 1/2023 và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Thái Lan, giá cao su sau khi tăng lên 53,5 Baht/kg vào ngày 01/2/2023 đã có xu hướng giảm. Ngày 9/2/2023 giá cao su RSS3 giao dịch ở mức 52,79 Baht/kg (tương đương 1,58 USD/kg), giảm 0,1% so với cuối tháng 1/2023 và giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu ổn định so với cuối tháng 1/2023, giá mủ cao su tiếp tục duy trì quanh mức 230-288 đồng/TSC.
Cụ thể, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 270-280 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty Cao su Phước Hòa được giữ ở mức 286-288 đồng/độ mủ. Tại Gia Lai, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 1/2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết năm 2022, giá cao su trên thị trường châu Á biến động mạnh và đạt đỉnh của năm trong nửa đầu tháng 4/2022, nhưng sau đó đã giảm mạnh trở lại.
Tháng 12/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch kỳ hạn châu Á tiếp tục xu hướng giảm mạnh do thị trường lo ngại khi số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc gia tăng sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng, và kinh tế trên toàn cầu có dấu hiệu suy thoái.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, sau khi tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 12/12 đạt 225 Yên/kg, giá cao su đã giảm mạnh.
Ngày 26/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần dao động ở mức 204,4 Yên/kg (tương đương 1,54 USD/kg), giảm 5,2% so với cuối tháng 11 và giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá cao su sau khi tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/12 đạt 51,3 Baht/kg, giá có xu hướng giảm trở lại, nhưng vẫn tăng so với cuối tháng trước. Ngày 26/12, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 50,4 Baht/kg (tương đương 1,45 USD/kg), tăng 1,1% so với cuối tháng 11, nhưng vẫn giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giảm mạnh kể từ ngày 19/12, nhưng vẫn tăng nhẹ so với cuối tháng trước. Ngày 26/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 12.835 NDT/tấn (tương đương 1,84 USD/kg), tăng 0,7% so với cuối tháng 11, nhưng vẫn giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường trong nước, năm 2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, giá mủ cao su tăng cao trong 6 tháng đầu năm, sau đó giảm trở lại và giá xuống mức thấp trong tháng 11.
Trong tháng 12, giá thu mua mủ cao su tại Bình Phước tăng, trong khi giá tại Bình Dương và Gia Lai ổn định. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 275-285 đồng/TSC, tăng 13 đồng/ TSC so với cuối tháng 11.
Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ổn định ở mức 271-275 đồng/TSC; Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230- 240 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 11.
Cục Xuất nập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu sao su của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Theo ước tính, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,1 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng hơn 1% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,87 triệu tấn, trị giá gần 2,95 tỷ USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi.
Tuy nhiên trước biến động tỷ giá USD tăng cao, trong khi giá mủ cao su lại xuống thấp trong mấy tháng cuối năm, khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.
Giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong mấy tháng gần đây, giá cao su liên tục giảm mạnh, kéo theo giá xuất khẩu các chủng loại cao su cũng liên tục giảm, nhất là trong tháng 11/2022 giá đã xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2022, đồng thời là mức thấp nhất trong gần hai năm qua do nguồn cung dư thừa.
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng năm 2022, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 13% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,8% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với 114 nghìn tấn, trị giá gần 195 triệu USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,6% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong 11 tháng năm 2022.
Trong kỳ, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cao su tự nhiên và chủ yếu xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 1,1 nghìn tấn, trị giá trên 1,7 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,8% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 1,11 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, tăng 6% về lượng và tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.