HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 29 09 2023

Trung Quốc là “khách ruột” của Việt Nam ở mặt hàng này khi luôn là nhà nhập khẩu lớn nhất chiếm trên 70% tỷ trọng:

 
Việt Nam sở hữu “gà đẻ trứng vàng” luôn được Trung Quốc săn lùng: Thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 222.482 tấn với kim ngạch hơn 287 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 0,1% về kim ngạch so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này thu về hơn 1,62 tỷ USD, tăng 0,5% về lượng và giảm 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu ghi nhận xu hướng giảm, đạt 1.343 USD/tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc luôn đóng vai trò là khách hàng lớn nhất của cao su Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này đạt 181.723 tấn, thu về hơn 232 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su sang thị trường tỷ dân đạt 939.325 tấn, thu về hơn 1,2 tỷ USD, tăng 11,8% về lượng nhưng giảm 9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Nam sở hữu “gà đẻ trứng vàng” luôn được Trung Quốc săn lùng: Thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 2.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu sang thị trường này đang ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, đạt bình quân 1.318 USD/tấn, giảm mạnh 18,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Nam sở hữu “gà đẻ trứng vàng” luôn được Trung Quốc săn lùng: Thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 3.

Như vậy tính đến hết tháng 8/2023, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 78% về lượng và 76% về trị giá trong cơ cấu xuất khẩu cao su của Việt Nam. Trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 4,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân tới thị trường này đạt 1.490 USD/tấn, giảm 9% so với năm 2021. Như vậy có thể thấy tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đã tăng nhẹ so với cả năm 2022.

Về sản lượng, diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có hơn 938 nghìn ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2022, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, đứng thứ nhất châu Á.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng như Trung quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong năm 2023, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự báo đạt khoảng 14,916 triệu tấn, tiêu thụ dự kiến đạt 14,912 triệu tấn. Các dữ liệu đều cho thấy, cán cân cung - cầu trên thị trường cao su thế giới nhiều khả năng sẽ nghiêng về thiếu hụt nguồn cung.

Theo Như Quỳnh

Datetime: 29 09 2023

Bệnh loét sọc mặt cạo trên cây cao su xảy ra nguy hiểm nhất vào mùa mưa, làm giảm sản lượng mủ cũng như khó khăn cho việc khai thác sau này. 

Mặt cạo trên cây cao su là bộ phận khai thác quan trọng của cây cao su và dễ bị nhiễm bệnh nguy hiểm nhất vào mùa mưa. Bệnh được biết dưới nhiều tên như sọc đen, loét sọc mặt cạo, thối mặt cạo… lần đầu xảy ra tại Sri Lanka năm 1909 và tiếp theo xuất hiện trên tất cả các nước trồng cao su từ châu Á đến châu Phi và châu Mỹ. Bệnh hủy hoại mặt cạo làm giảm sản lượng mủ cũng như khó khăn cho việc khai thác sau này. Trong điều kiện canh tác cao su tại nước ta, bệnh phổ biến vào mùa mưa tháng 6  11 ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Riêng miền Trung lại thường xuất hiện tháng 9 đến tháng 1 năm sau, ít quan trọng trong mùa khô do nấm cần ẩm độ cao để phát triển và gây bệnh.

Bệnh loét sọc mặt cạo trên cây cao su
Tác nhân gây bệnh
Do nấm Phytophthora palmivora (Bult.) Bult; P. botryosa Chee và P. meadii Mc Rae. Tại Việt Nam do P. palmivora và P. botryosa, chúng cũng là tác nhân gây rụng lá mùa mưa, cho nên bệnh thường nặng ở vùng có rụng lá mùa mưa do nước mưa rửa trôi bào tử xuống mặt cạo. Nấm phát tán chủ yếu do nước mưa và tồn tại qua mùa khô trên các vết bệnh cũ. Hơn nữa, nấm tồn tại trong đất thời gian dài mà không mất đi khả năng gây bệnh. Do đặc tính khai thác cao su là thường xuyên tạo vết thương qua những lần cạo, đây cũng là cửa ngõ cho nấm xâm nhập. Nấm có khả năng xâm nhiễm sau khi cạo 72 tiếng, cho nên xử lý thuốc mang lại hiệu quả cao sau mỗi lần cạo. Ngoài cây cao su, nấm còn ký sinh trên 138 loại cây thuộc nhiều họ khác nhau, trong đó có một số cây có tầm kinh tế quan trọng như đu đủ, cam, chanh, sầu riêng, ca cao, tiêu, dưa hấu… Đã có ghi nhận nấm trên cây cao su có khả năng gây hại cho sầu riêng, ca cao, tiêu, cam, chanh và ngược lại. Nấm chỉ gây hại cho cây hai lá mầm.
Triệu chứng
Triệu chứng ban đầu không rõ rệt với những sọc nhỏ hơi lõm vào có màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và song song với thân cây. Nếu không phòng trị các vết sẽ liên kết lại thành từng mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn và có mủ cũng như dịch màu vàng rỉ ra từ vết thương có mùi hôi thối. Dưới vết bệnh có đệm mủ và những sọc đen trên gỗ, lúc này tượng tầng bị hủy hoại và để lộ gỗ, đây là vị trí thuận lợi cho mối mọt xâm nhập làm gãy đổ cây. Khi cây bị nặng, vết bệnh phá hủy toàn bộ mặt cạo và phát triển lên mặt cạo tái sinh cũng như vỏ nguyên sinh, đưa đến hậu quả làm mất diện tích mặt cạo và khó khăn cho việc khai thác sau này. Nếu mặt cạo bị hại nặng có thể làm giảm sản lượng đến 100%.
Phòng trị
-      Không cạo khi mặt cạo còn ướt và cạo phạm vì đó là điều kiện tốt cho nấm xâm nhập.
-      Cạo đúng kỹ thuật và diệt cỏ dại mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt.
-      Dùng Mexyl MZ 72WP (8% metalaxyl + 64% mancozeb) 2% pha trong nước và quét một băng rộng 2 – 3cm trên miệng cạo khi bệnh xuất hiện với chu kỳ khoảng 1 tuần/lần cho đến khi cây khỏi bệnh.

ThS Phan Thành Dũng

Datetime: 29 09 2023

Indonesia đang tìm cách hợp tác với nhà sản xuất cao su Thái Lan khi nước này đang đối phó với giá giảm mạnh và việc Liên minh châu Âu ban hành luật chống phá rừng. Thương mại cao su là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự trong cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.

Khai thác cao su tại Indonesia
Theo Zulkifli, Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, 2 nước này hiện đang gặp phải khó khăn nối tiếp nhau là việc giá cao su sụt giảm cho đến việc mặt hàng này phải tuân theo Quy định không phá rừng của EU (EUDR). “Thái Lan và Indonesia là những nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với tình huống tương tự do giá cao su thiên nhiên toàn cầu tiếp tục biến động trong thập kỷ qua,” ông Zulkifli cho biết trong một thông cáo báo chí gần đây. Ngoài ra Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết thêm, bệnh rụng lá cao su cũng “giáng một đòn chí mạng” vào sản xuất, càng thêm gây khó khăn cho nông dân. Giá giảm có thể khiến nông dân trồng cao su chuyển sang các cây trồng khác. Theo Zulkifli, điều này có thể dẫn đến nguồn cung cao su thiên nhiên bị thắt chặt trong tương lai.
Ông cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các thành viên của Hội đồng Cao su ba bên quốc tế (ITRC), cụ thể là: Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Hội đồng này chiếm 58% sản lượng cao su toàn cầu, theo đuổi mức giá hợp lý và có lợi cho các hộ sản xuất nhỏ. Hội đồng có một số công cụ để kiểm soát giá, kế hoạch xuất khẩu đã thỏa thuận (AETS) nhằm hạn chế xuất khẩu cao su. Các công cụ khác bao gồm chương trình quản lý nguồn cung (SMS) và chương trình thúc đẩy nhu cầu (DPS) nhằm thúc đẩy tiêu thụ cao su trong nước. “ITRC cũng cần làm việc cùng với các nhà xuất khẩu cao su khác, bao gồm Việt Nam và Philippines, để đẩy giá lên,” Zulkifli nói thêm.
Năm 2022, Indonesia là nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, chiếm thị phần 21,57%. Indonesia đã xuất khẩu cao su thiên nhiên trị giá 3,66 triệu đô la vào năm 2022, đánh dấu mức giảm 11,35% so với 4,12 triệu đô la được ghi nhận vào năm trước. Bộ Thương mại Indonesia cho biết xuất khẩu cao su thiên nhiên của Indonesia đang có xu hướng giảm 1,4% trong giai đoạn 2018 – 2022. Cao su cùng với dầu cọ là một trong những mặt hàng mà EUDR điều chỉnh. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải chứng minh cao su của họ không đến từ đất bị phá rừng nếu họ muốn vào thị trường EU. Indonesia đã cố gắng làm dịu lập trường của EU, mặc dù các cuộc đàm phán của họ chú trọng nhiều hơn đến dầu cọ. Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ Malaysia, và EU gần đây đã đồng ý thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để xác định các giải pháp thiết thực cho việc thực hiện EUDR.

Q.K, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/09/15/indonesia-huong-den-moi-quan-he-chat-che-hon-voi-thai-lan-de-ho-tro-gia-cao-su/, ngày 15/9/2023 (TN trích dẫn)