HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 06 11 2023

 

 

 

Theo Nikkei Asia, các quy định của Liên minh Châu Âu về ngăn chặn nạn phá rừng đang tiềm ẩn nguy cơ gây gián đoạn trên diện rộng đối với ngành cao su của Đông Nam Á, từ 30.000 nông dân nhỏ ở Campuchia đến các nhà xuất khẩu lớn ở Thái Lan và Malaysia.

Theo quy định chống phá rừng của EU (EUDR), khối này sẽ cấm nhập khẩu  7 mặt hàng – gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và các mặt hàng gỗ – nếu chúng đến từ đất bị phá rừng sau ngày 31/12/2020. 

Các công ty kinh doanh hàng nhập khẩu như vậy sẽ phải cung cấp "thông tin thuyết phục và có thể kiểm chứng" về chuỗi cung ứng của họ, bao gồm dữ liệu định vị địa lý về nơi sản phẩm được trồng. Việc tuân thủ sẽ trở thành bắt buộc vào tháng 12/2024 đối với các công ty lớn và tháng 6/2025 đối với các công ty nhỏ hơn.

Giới chuyên gia cho rằng những yêu cầu này sẽ gây tổn hại nặng nề cho các hộ nông dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi không giải quyết thỏa đáng vai trò của cao su  trong nạn phá rừng.

Jean-Christophe Diepart, một chuyên gia nông nghiệp tại Campuchia, cho biết sẽ có “những tác động sâu sắc” đối với nông dân nước này.

Depart cho biết: “Về cơ bản, rủi ro là các hộ sản xuất nhỏ sẽ phải từ bỏ cây cao su vì có quá nhiều yêu cầu, cần nhiều nỗ lực để giám sát, truy xuất nguồn gốc cao su mà họ sẽ sản xuất. Chỉ các tập đoàn lớn mới có đủ nguồn lực để tuân thủ”.

Mối lo ngại tương tự đang gia tăng ở Malaysia. Nước này đã cùng Indonesia đàm phán với EU về các quy định phá rừng vì cả hai lo ngại về tác động đối với ngành công nghiệp dầu cọ  của họ . Tuy nhiên, ngành xuất khẩu  cao su trị giá 2 tỷ USD của Malaysia cũng bị ảnh hưởng.

Theo Ủy ban Cao su Malaysia, nước này xuất khẩu khoảng 17% sản phẩm cao su sang EU, thị trường lớn thứ hai sau Mỹ. Tuy nhiên, khoảng 93% đất trồng cao su trong nước là của các nông hộ nông dân nhỏ lẻ.

Vào tháng 3, nông dân trồng cao su ở Malaysia đã cùng với những người trồng dầu cọ nộp đơn kiến nghị lên EU để phản đối các yêu cầu “đơn phương và phi thực tế” được quy định trong EUDR. Họ cho rằng các quy định này sẽ loại bỏ các hộ sản xuất nhỏ khỏi thị trường châu Âu và làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở nông thôn.

Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đang cố gắng vượt qua các quy định mới. Các nhà quản lý nước này đã thiết lập một nền tảng quốc gia để giúp hơn 5 triệu nông dân đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Ông Nakorn Tangavirapat, một quan chức của Cơ quan Cao su Thái Lan, cho biết hệ thống này sẽ đối chiếu thông tin về tất cả tác nhân trong chuỗi cung ứng và khoảng 95% doanh nghiệp trong ngành đã đăng ký.

Ông Nakorn cho biết: “Nền tảng này bao gồm mọi thứ để giúp người mua theo dõi cách thức và địa điểm các sản phẩm cao su được sản xuất, từ thương nhân đến nhà máy, nhà chế biến cho đến trang trại cao su, cùng với thông tin giao dịch”.

Khi khu vực Đông Nam Á đang ráo riết chuẩn bị cho EUDR , có lẽ Campuchia là ví dụ điển hình nhất về sự phức tạp của việc xây dựng và thực thi các quy định thương mại này. Tuy nhiên, nước này xuất khẩu rất ít cao su sang châu Âu. Phần lớn cao su tự nhiên của công ty được xuất khẩu sang Việt Nam, chủ yếu ở dạng chưa qua chế biến được gọi là mủ đông. 

Theo nghiên cứu của Forest Trends, đối với Việt Nam, một nước xuất khẩu cao su lớn sang EU, đây là một vấn đề lớn về tuân thủ. Theo nhóm, khi vào Việt Nam, cao su từ Campuchia cũng như Lào được trộn lẫn với cao su địa phương, khiến việc truy xuất nguồn gốc “gần như không thể”.

Ông Tô Xuân Phúc, nhà phân tích chính sách cấp cao của Forest Trends, cho biết, để tách bạch chuỗi cung ứng của riêng mình, các thương nhân Việt Nam liên kết với châu Âu có thể sẽ phải giảm nhập khẩu từ Campuchia.

Sự thẩm định theo yêu cầu của EUDR bao gồm đánh giá rủi ro với 14 tiêu chí, bao gồm mức độ phổ biến của nạn phá rừng trong nước, tác động đến cộng đồng bản địa, mức độ thực thi pháp luật...

“Về lý thuyết, chính phủ Campuchia có thể cung cấp thông tin cần thiết cho thương lái, nhưng thực tế điều này gần như không thể”, ông Phúc nói.

Ông Diepart cho biết: “Ngay cả những thông tin rất cơ bản về diện tích cao su ở Campuchia cũng không chính xác chút nào. Với những thông tin cơ sở mơ hồ này, làm thế nào để có thể truy xuất nguồn gốc của toàn bộ chuỗi giá trị?”

Ông Phúc cho biết thêm các nhà hoạch định chính sách của EU dường như chưa xem xét đến việc các thương nhân buôn bán xuyên biên giới bằng tiền mặt ở những nơi như Campuchia và Lào khi xây dựng các quy tắc của họ.

Ông nói: “Thương mại xuyên biên giới chưa được tính vào EUDR. Với các quốc gia nhập khẩu gỗ, cao su hoặc cà phê  từ các quốc gia khác rồi xuất khẩu sang châu Âu. Thương mại xuyên biên giới là điều rất quan trọng cần tính đến, nhưng tôi không nghĩ EU chưa tính đến điều đó. Đây là điều rất phức tạp”.

Một lời chỉ trích khác đối với EUDR là đã quá muộn để khắc phục những thiệt hại về môi trường do sự bùng nổ cao su gây ra.

Tại Campuchia, ông Diepart cho biết, cao su là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng cho đến khoảng năm 2012 hoặc 2013. Còn hiện tại, hạt điều là nguyên chính của phá rừng. Các đồn điền cao su đã phá rừng trước tháng 12/2020 sẽ không bị cấm theo quy định EUDR, miễn là hoạt động kinh doanh tuân thủ luật pháp địa phương.

Có lẽ mối quan tâm cấp bách nhất đối với các nhà sản xuất trong khu vực, dù lớn hay nhỏ, là ai sẽ trả chi phí tuân thủ phát sinh thêm trong quá trình thực hiện EUDR.

Ông Men Sopheak, người đứng đầu hiệp hội phát triển cao su Campuchia, cho biết các nhà sản xuất đang phải chịu áp lực tài chính rất lớn trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng nhưng giá cao su lại thấp do dư thừa nguồn cung.

Ông nói: “Ngành công nghiệp cao su không còn mở rộng nữa. Do giá thấp nên người dân chuyển đổi từ cao su sang cây trồng khác có lãi hơn và ít thâm dụng lao động  hơn”.

Tuy nhiên, ông Sopheak cho biết ông hy vọng rằng các yêu cầu khắt khe hơn về tính bền vững sẽ trở thành động lực thúc đẩy chế biến và sản xuất các sản phẩm cao su tại địa phương. Campuchia có hai nhà máy sản xuất lốp ô tô và đang có kế hoạch xây dựng thêm ba nhà máy nữa. Ông Sopheak cho biết các nhà sản xuất hiện đang nhập khẩu cao su nhưng hiệp hội đang nỗ lực quảng bá sản phẩm địa phương.

Các nhà sản xuất ở Thái Lan cũng đang phải vật lộn với chi phí gia tăng do những yêu cầu về tính bền vững ngày càng trở thành mối quan tâm của người mua và là yêu cầu pháp lý ở nhiều khu vực.

Chủ tịch Tập đoàn Cao su Cao su Thái Lan Vorathep Wongsasuthikul cho biết việc xây dựng một hệ thống cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của họ sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng 10%.

Ông Veerasith Sinchareonkul, giám đốc điều hành của công ty sản xuất cao su Thái Lan Sri Trang (SET), cho biết ngành này sẽ phải làm việc với chính quyền để thích ứng.

Ông Veerasith cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng xu hướng này không chỉ xảy ra ở châu Âu, nó sẽ là một xu hướng bền vững mới được áp dụng trên toàn thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần phát triển bản thân để phù hợp với xu hướng lớn này”.

PHÒNG KD XNK

 

 

 

 

Datetime: 25 10 2023

 

 

 

Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo giá cao su trong cả năm 2023 lên mức trung bình 1,4 USD/kg và trong năm 2024 lên mức trung bình 1,5 USD/kg, tương ứng tăng hơn 7%

Cục Xuất nhập khẩu  (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 10, giá cao su  tại thị trường châu Á có xu hướng tăng do giá dầu thô tăng mạnh và lo ngại về sản lượng đang sụt giảm tại các nhà sản xuất hàng đầu Thái Lan và Indonesia.

Giai đoạn giữa tháng 9/2023 tới giữa tháng 1/2024 thường cao điểm sản lượng cao su trên toàn cầu, tuy nhiên các nhà sản xuất lớn nhất Thái Lan và Indonesia lại đang đối mặt với xu hướng giảm sản lượng.

Cục Đo lường Thái Lan cảnh báo tình trạng thời tiết khắc nghiệt, mưa to, gió giật mạnh có thể gây lũ quét, ảnh hưởng tới nguồn cung cao su. Bên cạnh đó, thị trường đang kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ cao su.

 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Tại sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su RSS3 giao ngay tăng lên mức cao nhất 16 tháng lên mức 351 yên/kg vào ngày 17/10. Sau đó, giá giảm nhẹ trở lại nhưng vẫn cao hơn so với 10 ngày trước do lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Thái Lan.

Chốt phiên giao dịch ngày 18/10, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 344 yên/kg (tương đương 2,3 USD/kg), tăng 43,5% so với 10 ngày trước đó và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su RSS3 tăng lên mức 13.480 nhân dân tệ/tấn vào ngày 17/10, sau đó giá giảm nhẹ trở lại nhưng vẫn cao hơn so với 10 ngày trước đó.

Ngày 18/10, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.390 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,8 USD/kg), tăng 4,5% so với 10 ngày trước đó và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.

(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Tại Thái Lan, giá mủ cao su RSS3 tăng mạnh so với 10 ngày trước. Ngày 17/10, giá cao su RSS3 chào bán ở mức hơn 60 baht/kg (tương đương 1,6 USD/kg), tăng 6% so với 10 ngày trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời tiết bất thường tại các khu vực sản xuất cao su chính của Thái Lan đã làm gián đoạn công việc thu hoạch mủ cao su nên giá mua nguyên liệu liên tục tăng.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhiều tổ chức tài chính nhận định giá dầu thô có thể duy trì ở mức cao, hỗ trợ gián tiếp giá cao su tự nhiên tăng lên.

Ngoài ra, đà phục hồi của giá cao su còn được thúc đẩy khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang dần hồi phục trở lại, giúp giảm tồn kho cao su.

Trung Quốc hiện có nhiều chính sách cho ngành công nghiệp xe điện, tác động tích cực lên tổng cầu cao su tại quốc gia này.

Ngoài ra, xuất khẩu săm lốp của Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn tăng mạnh về sản lượng và trị giá, qua đó thúc đẩy nhu cầu về cao su của nước này.

Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo giá cao su trong cả năm 2023 lên mức trung bình 1,4 USD/kg và trong năm 2024 lên mức trung bình 1,5 USD/kg (tương ứng tăng hơn 7%).

PHÒNG KD XNK

 

 

 

Datetime: 24 10 2023

 

 

 

Giá cao su ở các sàn giao dịch châu Á đồng loạt tăng mạnh từ tháng 8 đến nay do ảnh hưởng từ giá dầu thô và xung đột địa chính trị. Trong khi đó, thị trường cao su nội địa vẫn khá trầm lắng từ đầu năm đến nay.

Giá cao su tại nhiều sàn giao dịch chủ chốt châu Á đang trong xu thế tăng mạnh kéo dài từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 10. 

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (Nhật Bản), hôm 10/10 giá cao su loại RSS3 giao sau ở mức 240 Yên/kg (tương đương 1,6 USD/kg), tăng 25% so với đầu tháng 8. 

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ đến ngày 9/10. Sau khi giao dịch trở lại, giá cao su tăng nhẹ 1,8% so với cuối tháng trước lên 12.810 Nhân Dân Tệ/tấn (tương đương 1,75 USD/kg). Mức giá này tăng 10% so với đầu tháng 8.

Tại Thái Lan, giá cao su cũng tăng khoảng 16% trong cùng giai đoạn.  

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải giá cao su thế giới  tăng thị trường lo ngại xung đột ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn vận tải biển và phí vận chuyển cao hơn. 

Các công ty lốp xe có khả năng tăng dự trữ cao su, do đó đẩy nhu cầu cao su tự nhiên lên cao.

Ngoài ra, trong báo cáo mới đây,  tập đoàn tài chính Nhật Bản Japan Exchange Group nhận định đà tăng giá cao su trên hầu hết sàn giao dịch châu Á vừa qua được thúc đẩy bởi lực mua vào của các quỹ và giới đầu cơ. Thị trường tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm phục hồi nhờ các đợt giảm lãi suất gần đây, đi kèm với các biện pháp khác của chính phủ. 

“Các nhà quản lý quỹ đổ xô mua hợp đồng cao su tương lai dẫn đến sự phục hồi lớn trên các sàn giao dịch Nhật Bản và quốc tế. Có thời điểm giá cao su tại sàn Osaka tăng vọt 25% do người bán gặp khó khăn trong việc mua lại khi thanh khoản thị trường thấp. Đồng thời việc chuẩn bị cao su vật chất cũng khó khăn hơn”, Japan Exchange Group cho biết.

Mưa lớn tại các quốc gia trồng cao su lớn cũng góp phần thúc đẩy giá cao su giao ngay. 

Một yếu tố khác đẩy giá cao su tăng là do giá dầu thô giữ ở mức cao, nhất là sau khi căng thẳng khu vực Trung Đông bùng nổ. Tính đến ngày 16/10, giá dầu Brent quanh mức 91 USD/thùng, tăng 10% so với đầu tháng 8 và đang tiến dần đến mức đỉnh gần 1 năm.

Giá dầu thô tăng đồng nghĩa chi phí nguyên liệu cho sản xuất cao su tổng hợp tăng theo. Điều này khiến nhu cầu một phần chuyển sang cao su tự nhiên để thay thế cho cao su tổng hợp. 

Trả lời trang Nikkei Asia, đại diện một công ty kinh doanh cao su cho biết: “Một số nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm”. Các nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá dầu thô cao hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên.

Giá cao su nội địa không mấy thay đổi

Trái với diễn biến của thế giới, giá cao nguyên liệu của Việt Nam gần như đi ngang trong năm nay. Theo dữ liệu từ Wichart, giá cao su nguyên liệu trung bình tại Bình Phước, tính đến ngày 13/10, ở mức 275 đồng/TSC tăng nhẹ 4% so với đầu tháng 8 và không đổi so với đầu năm. 

 Diễn biến giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước từ năm 2021 đến 13/10/2023 (Đơn vị: đồng/TSC, nguồn: Wichart)

Một chuyên gia phân tích cho biết giá cao su nguyên liệu của Việt Nam vẫn “lặng sóng” dù thị trường thế giới tăng mạnh bởi hoạt động tiêu thụ vẫn yếu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cao su xuất khẩu  liên tục giảm sâu tác động đến giá nguyên liệu trong nước. 

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng cao su xuất khẩu trong tháng 9 đạt 193 nghìn tấn, giảm 13% so với tháng 8 và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Luỹ kế 9 tháng, lượng xuất khẩu gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch giảm 18%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu trung bình giảm. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Nhu cầu cao su của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Đồng thời, giá cao su nhập khẩu của thị trường vẫn trong xu hướng giảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ 81% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. 

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 627 nghìn tấn cao su trong tháng 9, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, lượng cao su nhập khẩu tăng 13% nhưng kim ngạch giảm 10%, do giá nhập giảm 21%. 

Do đó, thị trường trong nước đang chờ đợi sự phục hồi tiêu thụ cao su của Trung Quốc.

Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700-1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”. 

PHÒNG KDXNK