HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 24 09 2019

Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ hai đối với mặt hàng cao su tổng hợp cho thị trường Trung Quốc.

Những năm qua, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng cao su tổng hợp (mã HS 4002), với kim ngạch nhập khẩu trong năm 2018 chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới.

Việt Nam cung cấp cao su tổng hợp nhiều thứ 2 cho Trung Quốc

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 4,41 triệu tấn cao su tổng hợp, ứng với 7,62 tỷ USD, tăng trưởng  35% về lượng và 23% về giá trị trong 5 năm gần đây, cho thấy mặt hàng này hiện đang có nhu cầu cao tại nước này.

Việt Nam cung cấp cao su tổng hợp nhiều thứ 2 cho Trung Quốc

Riêng Việt Nam từ nhà cung ứng lớn thứ 5 năm 2014 đã vươn lên vị trí thứ hai trong năm 2018, cho thấy nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, kim ngạch này đạt 147,46 triệu USD, chiếm 9,54% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc.

Việt Nam cung cấp cao su tổng hợp nhiều thứ 2 cho Trung Quốc

Đối với thị trường này, mặt hàng cao su tổng hợp mã HS 400280 của Việt Nam đạt kim ngạch cao nhất tại Trung Quốc, với quý II năm 2019 đạt 146,81 triệu USD, chiếm 19.04% thị phần tại Trung Quốc.

Đây là mặt hàng cao su tổng hợp Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất trong nhóm hàng HS4002. Hai mặt hàng còn lại có mã HS 400299 và 400220 với kim ngạch lần lượt là 452 nghìn USD và 150 nghìn USD.

Datetime: 20 09 2019

 

Thế giới:

1.  Sản lượng cao su thiên nhiên In-đô-nê-xia giảm:

Theo Bộ Nông nghiệp In-đô-nê-xia, sản lượng cao su thiên nhiên của Indonesia  dự kiến sẽ giảm 15% trong năm 2019 so với 3,76 triệu tấn trong năm 2018 do bệnh nấm. Nấm gây bệnh đã tấn công khoảng 381.900 ha đồn điền cao su và được dự đoán sẽ lan rộng hơn nữa. Các đồn điền cao su bị ảnh hưởng cho đến nay tập trung ở khu vực Nam Sumatra, Bắc Sumatra, Bangka Belitung, Nam Kalimantan, Trung Kalimantan và Tây Kalimantan. Hồi đầu tháng 7, căn bệnh này bị nghi ngờ đã lan rộng ở một số khu vực vì nông dân cắt giảm bảo vệ cây trồng như sử dụng phân bón do giá cao su thấp.

Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo) cho biết xuất khẩu cao su từ tháng 1 – 6/2019 đã giảm xuống còn 200.000 tấn. Các nhà chức trách đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, bao gồm cả việc cung cấp thêm một lượng phân bón để kiểm soát dịch bệnh.

Indonesia đã đồng ý cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên 98.000 tấn trong bốn tháng, kể từ tháng 4 để đẩy giá, như một phần của thỏa thuận với các nhà sản xuất cao su lớn Thái Lan và Malaysia để cắt giảm tổng cộng 240.000 tấn xuất khẩu.

2.  Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:

Tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom), giá cao su biến động giảm trong tháng 8 do gia tăng lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài và tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như đồng Yên tăng mạnh. Hợp đồng benchmark tháng 1/2020 đạt mức thấp 166 yên/kg vào cuối phiên 15/8, giảm 9,3 yên (tương đương 5,6%) so với đầu tháng. Đến cuối phiên 28/8, giá cao su tiếp tục giảm, chỉ đạt 161,6 yên/kg.

Được biết, các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới Thái Lan, In-đô- nê-xia và Ma-lai-xia không gia hạn các hạn chế xuất khẩu cao su.

Biểu 1 – Diễn biến giá cao su thế giới tháng 8/2019

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 8/2019

Giá cao su trên thị trường physical biến động tăng trong tháng qua. Cụ thể: giá cao su RSS3 Thái Lan ngày 28/8 ở mức 1,52 USD/kg, giảm 0,03 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,36 USD/kg, giảm 0,01 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,32 USD/kg, không đổi so với ngày 2/8.

II.   Việt Nam:
1.      Thị trường và biến động giá cả:

Thị trường cao su nguyên liệu biến động trong biên độ hẹp trong tháng qua, với xu hướng chủ yếu là giảm giá. Tại thủ phủ cao su Bình Phước, giá mủ nước ngày 21/8 ở mức 250 đồng/độ, tăng so với 245 đồng/độ một tuần trước đó, song giảm so với mức 255 đồng/độ vào đầu tháng. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 8/2019

Dự báo tình hình xuất nhập khẩu cao su tháng 8/2019:

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8/2019 đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 963 nghìn tấn và 1,32 triệu USD, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 7,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1.376 USD/tấn, giảm 3,66% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 63%, 8,9% và 3,4%.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 8/2019 đạt 64 nghìn tấn với giá trị đạt 108 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt 437 nghìn tấn với giá trị 756 triệu USD, tăng 13,2% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 7 tháng đầu năm 2019 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Lào, chiếm 52,4% thị phần. Trong 7 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu cao su tăng mạnh nhất là Pháp (gấp 2,3 lần). Ngược lại, Thái Lan là thị trường có giá trị nhập khẩu cao su giảm mạnh (-25,2%).

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT

  • CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  • Tin Reuters
  • Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

NguồnBáo cáo của Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

 

Datetime: 02 09 2019

Sau khi liên tiếp tăng từ giữa tháng 4/2019 đến giữa tháng 6/2019, giá cao su thế giới quay đầu giảm không ngừng từ đó tới nay.

Hiện hợp đồng giao dịch trên sàn Tokyo (tham chiếu cho toàn Châu Á) ở mức giá khoảng 160 yen/kg, giảm 10% trong một tuần qua và giảm 31% trong vòng một tháng qua. Mức giá hiện tại thấp hơn khoảng 2% so với lúc bước vào năm 2019.

Có 2 nguyên nhân chính khiến giá cao su giảm ở thời điểm hiện tại.

Thứ nhất là lo ngại 3 nước xuất khẩu cao su chủ chốt là Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể gia tăng xuất khẩu sau khi kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu.

Theo thỏa thuận của Ủy bao Cao su Ba bên (ITRC), 2 nước sản xuất cao su Indonesia và Malaysia bắt đầu kiềm chế xuất khẩu cao su từ 1/4/2019 và kéo dài trong vòng 4 tháng, tức là chấm dứt từ 31/7/2019. Riêng Thái Lan bắt đầu hạn chế xuất khẩu muộn hơn, từ 20/5/2019, nên thời gian kiềm chế sẽ còn kéo dài khoảng một tháng nữa.

Thứ hai, căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gia tăng khi mới đây Trung Quốc quyết định áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ còn Mỹ thì tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã làm cho giới đầu tư hết sức lo ngại về hậu quả của cuộc chiến này. Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ kéo kinh tế của không chỉ 2 quốc gia này mà toàn thế giới suy yếu, đồng nghĩa với nhu cầu hàng hóa, trong đó có các sản phẩm cao su, sụt giảm theo.

Thị trường cao su thế giới đang chịu tác động từ yếu tố tâm lý hơn là yếu tố cung – cầu. Thực vậy, những thông tin mới nhất đều cho thấy sản lượng cao su thiên nhiên của những quốc gia sản xuất và xuất khẩu chủ chốt mặt hàng này đều đang giảm chứ không phải tăng.

Tại Malaysia, sản lượng cao su thiên nhiên tháng 6/2019 giảm 16,9% so với tháng trước đó, xuống 36.957 tấn, so với 44.479 tấn tháng 5/2019 và cũng giảm 10,7% so với tháng 6/2018. Cơ quan thống kê Malaysia cho biết, xuất khẩu cao su của nước này tháng 6/2019 giảm 4,1% so với tháng trước đó, chỉ đạt 54.547 tấn.

Trong khi đó tại Indonesia, sản lượng cao su trong năm 2019 dự báo sẽ giảm 15% so với mức 3,76 triệu tấn của năm 2018 do dịch bệnh trên cây cao su. Lãnh đạo ngành nông nghiệp nước này cho biết, khoảng 381.900 ha cao su đã bị nấm bệnh tấn công.

Đặc biệt, tại Thái Lan, Bộ trưởng Nông nghiệp Chalermchai Sri-on mới đây cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này năm 2019 sẽ giảm ít nhất 30% do thiếu nhân lực lao động và hạn hán khiến nhiều diện tích cao su bị chết khô, nhất là ở khu vực Đông Bắc nước này.

Triển vọng thị trường cao su thiên nhiên trong thời gian tới dự báo sẽ vẫn khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đang bước vào chu kỳ giảm.

Nhà nghiên cứu cấp cao Maria Gyftopoulou của công ty LMC Tyre & Rubber Ltd. thuộc hãng tư vấn LMC International có trụ sở tại vương quốc Anh cho biết, có nhiều yếu tố tác động thời giá cao su, nhưng về cơ bản vẫn do cung – cầu. Bởi cây cao su từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất 7 năm nên yếu tố nguồn cung không phải bắt nguồn từ một vài tháng mà từ hàng thập kỷ.

Năm 2018, sản lượng cao su toàn cầu đạt gần 14 triệu tấn – sát mức cao kỷ lục – mặc dù giá thấp từ trước đó. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc giá cao su thiên nhiên cao kỷ lục từ năm 2011 dẫn đến việc nhiều diện tích cao su được trồng bổ sung ở thời điểm đó.

Yếu tố nhu cầu cũng không thuận lợi như những năm trước. Khoảng 85% nhu cầu cao su thiên nhiên đến từ ngành sản xuất lốp xe. Như vậy, giá cao su thiên nhiên chắc chắn biến động cùng chiều với ngành sản xuất lốp xe. Trước năm 2010, nhu cầu cao su toàn cầu tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm, nhưng gần đây chậm lại đáng kể, do ngành lốp xe tăng chậm dần. Tăng trưởng sản xuất lốp xe thế giới phụ thuộc chủ yếu vào những thị trường mới nổi như Trugn Quốc, Ấn Độ. Đó là lý do khiến nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Trung Quốc tăng đáng kể trong giai đoạn 2004 -2018, vượt xa mức tăng nhập khẩu vào các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ hay Châu Âu.

Ngoài ra, khả năng thay thế giữa cao su thiên nhiên (NR) và cao su tổng hợp (SBR – Styrene butadiene rubber) cũng là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến giá cũng như nhu cầu của 2 vật liệu này. Khi giá NR cao kỷ lục vào năm 2011, chênh lệch giá NR và SBR rất lớn, khiến các nhà sản xuất lốp xe chuyển mạnh sang sử dụng SBR. Tuy nhiên, nghiên cứu của LMC cho thấy sự thay thế cũng phụ thuộc vào thị trường và các ứng dụng của cao su chứ không chỉ phụ thuộc vào giá. Chẳng hạn như Nhật Bản có mức độ thay thế thấp, ngay cả khi mức chênh lệch giá giữa 2 loại cao su lên rất cao. Trong khi đó tại Trung Quốc thì tỷ lệ thay thế lại rất cao. Chẳng hạn như năm 2014, tiêu thụ cao su SBR ở Trung Quốc giảm mạnh do giá loại này trở nên đắt hơn so với NR.

Nhìn chung, mức dư cung cao su thiên nhiên đã giảm đáng kể trong năm 2018 và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019 do giá thấp. Tuy nhiên, thị trường vẫn trong tình trạng dư thừa, và sự cân bằng cung – cầu thiếu bền vững bởi theo nghiên cứu của LMC thì “Diện tích cao su trên thực tế không giảm sút, mà chỉ là các nước trồng cao su giảm tần suất khai thác mà thôi”.

Nguồn: Reuters, CafeF/ Trí thức trẻ