HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 31 03 2021

 Trong quý I/2021, cao su là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất với mức tăng 89,7% về lượng và tăng 16,5% về kim ngạch so với quý I/2020.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 19,2% so với tháng 3/2020. Tính chung quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 3/2021 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 58,3% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cao su là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất trong quý I/2021

Cao su là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất trong quý I/2021

Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 5,97 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,73% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có cao su tăng 89,7% về lượng và tăng 16,5% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 40,3% về lượng và tăng 53,2% về kim ngạch.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và rau quả cũng tăng 3,3% và 6,1% so với quý I/2020, đạt 1,69 tỷ USD và 944 triệu USD.

Ngược lại, xuất khẩu hạt điều tăng 13,2% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch so với quý I/2020; cà phê giảm 17% về lượng và giảm 11,3% về kim ngạch; hạt tiêu giảm 25% về lượng và giảm 1,3% về kim ngạch.

Gạo là mặt hàng giảm mạnh nhất khi giảm 30,4% về lượng và giảm 17,4% về kim ngạch so với quý I/2020, đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch 606 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương xuất khẩu gạo giảm trong quý I/2021 chủ yếu là do nguồn cung từ vụ Đông Xuân ra thị trường chưa nhiều, trong khi đó giá gạo ở mức cao cũng khiến các nhà nhập khẩu có tâm lý chờ giá giảm.

Theo: Thương hiệu & Sản phẩm

Datetime: 22 03 2021

Giá cao su tháng 3 tại các sàn chủ chốt có xu hướng giảm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, trong năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 893.410 tấn cao su (mã HS 4001;4002;4003;4005), trị giá 1,42 tỷ USD, giảm gần 13% về lượng và giảm 21,5% về trị giá so với năm 2019.

Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Malaysia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, tuy nhiên nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều giảm mạnh cả về lượng và trị giá so với năm 2019.

Trong năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 67.760 tấn, trị giá 100,47 triệu USD, giảm 51,2% về lượng và giảm 51,5% về trị giá so với năm 2019.

Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ năm 2020 giảm từ 13,54% trong năm 2019, xuống còn 7,58%

Trong năm ngoái, Ấn Độ nhập khẩu 377.710 tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 542,99 triệu USD, giảm 22,5% về lượng và giảm hơn 26% về trị giá so với năm 2019.

Trong năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ với 67,15 nghìn tấn, trị giá 99,39 triệu USD, giảm 51,5% về lượng và giảm 51,8% về trị giá so với năm 2019. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2020 cũng giảm từ 28,39% trong năm 2019, xuống còn 17,78%. Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ năm 2020 thay đổi khi thị phần của Việt Nam và Malaysia trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore tăng.

10 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Ấn Độ trong năm 2020. Nguồn: Tính toán từ số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ/Bộ Công Thương.

Trong năm 2020, Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu mặt hàng cao su tổng hợp (mã HS: 4002), với 422,79 nghìn tấn, trị giá 722,79 triệu USD, giảm 4,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với năm 2019, trong đó Hàn Quốc, Nga, Singapore, Nhật Bản và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ.

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong năm 2020 cũng thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Singapore trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Nga, Nhật Bản và Mỹ tăng. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,13% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ.

Theo: Thương hiệu & Sản phẩm

Datetime: 16 03 2021

Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc trong tháng đầu tiên của năm 2021.

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, tháng 1/2021, Hàn Quốc nhập khẩu 44.020 tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 84,16 triệu USD, tăng gần 7% về lượng và tăng gần 16% về trị giá so với tháng 1/2020.

Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc.

Giá cao su hôm nay 1/4: Cao su tại Nhật Bản quay đầu giảm giá

Trong tháng 1/2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc với 3.930 tấn, trị giá 7,51 triệu USD, giảm 13,5% về lượng, nhưng tăng hơn 8% về trị giá so với tháng 1/2020.

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc chiếm 8,93%, giảm so với mức 11,03% của tháng 1/2020.

Trong tháng 1/2021, nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) của Hàn Quốc đạt 26.220 tấn, trị giá 43,45 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và tăng hơn 23% về trị giá so với tháng 1/2020. Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc trong tháng 1/2021.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, với 3.920 tấn, trị giá 7,44 triệu USD, giảm 10,5% về lượng, nhưng tăng 11,6% về trị giá so với tháng 1/2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 14,95%, giảm so với 17,45% của tháng 1/2020.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc nhập khẩu 15.390 tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá trên 35,85 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với tháng 1/2020. Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Singapore là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong tháng 1/2021.

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong tháng 1/2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản tăng, trong khi thị phần của Singapore giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,07% trong tổng lượng cao su tổng hợp nhập khẩu của Hàn Quốc.

Theo Tuấn Anh/ TH & SP