DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 13/08 đến 17/08/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước. Kết thúc phiên ngày 16/08, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 01/2019 là là 1.516 USD/tấn, giảm 2.4% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 09/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.451 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.340 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.395 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/08/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 45 cent lên 65,46 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng 67 cent lên mức 71,43 USD/thùng.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Cuộc khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng nguy cơ lây lan trên khắp các nền kinh tế mới nổi, kéo sụt giảm giá trị đồng Rand Nam Phi, đồng Peso Argentina và Mexico và đồng Rúp Nga, đồng thời gây giảm giá cổ phiếu thị trường mới nổi và kiềm chế tăng trưởng và triển vọng nhu cầu dầu. Thị trường lo ngại cuộc chiến thương mại căng thẳng Mỹ-Trung và EU sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới do Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt nhiều biện pháp thuế quan. Trong báo cáo mới nhất, OPEC dự kiến thế giới sẽ cần 32,05 triệu thùng dầu thô từ 15 thành viên trong năm 2019, giảm 130.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước đó.
- OPEC cho biết hôm đầu tuần rằng Saudi Arabia đã cắt giảm sản xuất. Xuất khẩu từ Iran có nguy cơ giảm khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, OPEC dự kiến nguồn cung dầu của các nước ngoài khối sẽ tăng 2,13 triệu thùng/ngày trong năm tới, tăng 30.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước, nhờ sản lượng đá phiến mới của Mỹ.
- Mưa lớn tại Kerala, bang sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ và cũng là một điểm du lịch lớn, đã khiến hơn 30.000 người mất nhà cửa, phá hủy mùa màng và làm gián đoạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường không trong bang này 1 tuần qua. Sản lượng cao su tự nhiên tại Ấn Độ, nước sản xuất cao su lớn thứ 6 thế giới, có thể giảm 13,5% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019 so với năm tài khóa trước, xuống còn 600.000 tấn, theo ông N. Radhakrishnan, một thương nhân kiêm nguyên chủ tịch Hiệp hội thương nhân cao su Cochin. “Trong tháng 7/2018, sản lượng cao su tự nhiên giảm do mưa và tình hình tháng 8/2018 còn tồi tệ hơn, nông dân không thể thu hoạch mủ cao su”, theo Rajiv Budhraja, giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe hơi Ấn Độ cho hay.
- Các nhà chức trách Ấn Độ đều cho rằng sản xuất cao su nội địa sẽ không sớm hồi phục, và các nhà sản xuất lốp xe như MRF, JK Tyre, Apollo Tyres và Ceat sẽ phải tăng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cao su. Tình hình này có thể đẩy nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ lên mức cao kỷ lục 500.000 tấn do nhu cầu cao của các nhà sản xuất lốp xe. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ tăng có thể hỗ trợ giá cao su trên thị trường thế giới và thúc dẩy xuất khẩu cao su tự nhiên của các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
- Theo các báo cáo mới từ Thái Lan, chính phủ quốc gia này đang trả tiền cho những người nông dân để ngừng trồng cao su trong nỗ lực nhằm tăng giá nông sản này. Cụ thể, Bangkok Post báo cáo hôm 18/7 rằng Bộ Nông Nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan sẽ cố gắng giảm khoảng 80.000 ha/năm diện tích trồng cao su tự nhiên của quốc gia này trong vòng 5 năm tới.
- Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 8, theo báo cáo. Kế hoạch sẽ tập trung vào vùng đất được coi là không quá quan trọng đối với việc trồng cây cao su, như vùng đất thấp và đất trang trại thích hợp cho việc trồng lúa và những cây trồng khác.
- Giá xuất khẩu cao su trung bình của Việt Nam biến động theo giá cao su thế giới, vốn đang chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, theo Cục Chế biến nông sản và Phát triển thị trường thuộc Bộ NNPTNT nhận định. Tháng 7/2018, giá cao su tự nhiên xuất khẩu giảm 5,9% so với tháng 6, xuống còn 1.347 USD/tấn. Trong nửa đầu năm 2018, giá xuất khẩu cao su trung bình đạt 1.453 USD/tấn, giảm mạnh 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.
- Giá cao su kỳ hạn giao sau tại Tokyo chạm mức thấp nhất 22 tháng do giá kỳ hạn giảm tại Thượng Hải, xu hướng thị trường vẫn yếu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Mặc dù Trung Quốc đã cử một phái đoàn đến Mỹ để giải quyết tranh chấp thương mại, các thị trường vẫn dễ bị tổn thương khi có dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.
- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 230 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 220 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 231 Đ/độ TSC, không đổi so với tuần trước.
- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 17/8/2018 ở mức 496 USD/tấn ( 11.524đ/kg). Tính trung bình, giá mủ chén tăng 1,3% so với tuần trước. Giá mủ nước 1046 USD/tấn ( 24.334 đ/kg), giảm 2% so với tuần trước.
- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 110,80 Yên ngày 16/08/2018, giảm 0,2% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 13/8 – 17/8/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 497.980 tấn, tăng 6.010 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 546.875 tấn, tăng 4.102 tấn.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
- Trong tuần qua, giá cao su thiên nhiên tại nhiều thị trường chủ chốt đã đồng loạt giảm xuống so với đợt tăng nhẹ vào tuần trước.
- Tại sàn TOCOM, giá RSS 3 hợp đồng tương lai giảm trong hầu hết các phiên giao dịch chủ yếu ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính thế giới khi lo ngại về cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng tới các thị trường khác, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
- Trong khi đó, giá dầu thô cũng liên tục giảm vào giữa tuần do áp lực từ việc USD tăng giá do các nhà đầu tư đổ xô mua USD để đối phó với khủng hoảng. Dù bất ổn kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ tác động lên nền kinh tế thế giới được nhận định không lớn, tuy nhiên yếu tố tâm lý vẫn gây ảnh hưởng lên đồng tiền của các thị trường mới nổi và các tài sản rủi ro trong ngắn hạn. Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro từ căng thẳng thương mại và biến động tài chính trên thế giới, các nhà đầu tư sẽ ở trạng thái chờ đợi và theo dõi những diễn biến tiếp theo trên thị trường nên khả năng giá cao su thiên nhiên chỉ duy trì ở mức hiện tại.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 20 tháng 08 năm 2018
PHÒNG KD.XNK
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 06/08 đến 10/08/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE tăng so với cuối tuần trước. Kết thúc phiên ngày 10/08, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 01/2019 là là 1.552 USD/tấn, tăng 2.9% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 09/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.341 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.358 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.365 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/08/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI giảm 13 US cent xuống còn 66,81 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent giảm 21 US cent xuống còn 72,07 USD/thùng.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Số liệu từ OPEC cho thấy, Saudi Arabia bơm khoảng 10,29 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 7, giảm khoảng 200 bpd so với tháng 6/2018. Điều này xảy ra bất chấp cam kết bởi Saudi và nước sản xuất hàng đầu – Nga – trong tháng 6 sẽ tăng sản lượng so với tháng 7, với Saudi Arabia hứa hẹn thúc đẩy nguồn cung.
- Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dầu Iran trong tháng 11, điều này có thể khiến sản lượng của thành viên OPEC suy giảm. Washington muốn nhiều nước có thể cắt giảm nhập khẩu dầu Iran về mức 0. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Iran cho biết, Tehran không nghĩ rằng tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt sẽ ở mức lớn.
- Hầu hết xuất khẩu dầu thô Iran là sang Trung Quốc và Ấn Độ, khoảng 20% sang châu Âu, nơi các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm hoạt động mua vào. Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước đã cắt giảm số lượng giàn khoan lần thứ 2 liên tiếp trong 3 tuần trở lại đây, do tốc độ tăng trưởng chậm lại trong vài tháng qua.
- Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố danh sách các mặt hàng từ Mỹ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%, đẩy căng thẳng thương mại hai nước leo cao. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ thu thuế nhập khẩu với 16 tỷ USD hàng Mỹ, bắt đầu từ ngày 23/8/2018.
- Chính sách này có quy mô và ngày thực hiện tương tự kế hoạch của Mỹ công bố một ngày trước đó. Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Mỹ là “rất vô lý” và sẽ trả đũa tương đương bất kỳ hành động nào. Tuy vậy, danh sách hàng hóa của Trung Quốc đã được điều chỉnh so với bản nháp hồi tháng 6, số mặt hàng tăng từ 114 lên 333. Trong đó, dầu thô đã được loại khỏi danh sách và được bù đắp bằng hàng loạt sản phẩm như phế liệu gỗ, phế liệu giấy, phế liệu kim loại, cùng nhiều loại xe đạp và ôtô.
- Tuần trước, Trung Quốc đã đề xuất áp thuế bổ sung lên 60 tỷ USD hàng Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ – Donald Trump công bố kế hoạch nâng thuế dự kiến với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%. Đến nay, Trung Quốc đã áp và đe dọa áp thuế lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Tuy vậy, các mặt hàng giá trị lớn, như dầu thô hay máy bay cỡ lớn, đều không được đưa vào danh sách.
- Giới phân tích đều nhận định cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế
giới sẽ liên tục leo thang. "Tôi cho rằng thuế Mỹ lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào tháng 10. Thời điểm này đủ muộn để các ảnh hưởng tiêu cực không xảy ra trước tháng 1/2019. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ ăn miếng trả miếng tương tự", Gary Hufbauer – chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo.
- Từ đầu tháng 8, giá mủ cao su xuống thấp dưới mức 30 triệu/tấn, giảm khoảng 10 triệu đồng/tấn so đầu năm, trở về thời điểm cao su gặp khó của những tháng cuối năm 2016. Vì vậy, việc tiêu thụ đang được ngành này xác định là “nóng” nhất trong thời điểm hiện nay
- Bảy tháng đầu của năm 2018, có thể coi giá cao su có nhiều biến động, từ tháng 1 đến tháng 4 tăng dần đều từ 30 triệu “bò” lên 45-50 triệu đồng, nhưng từ tháng 5 trở đi, bất ngờ giá rớt xuống đến nay chỉ còn mức bình quân 29,5 triệu đồng/tấn, trở về thời điểm ngành cao su gặp khó khăn của những tháng cuối năm 2016.
- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 230 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 220 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 228 Đ/độ TSC, không đổi so với tuần trước.
- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 10/8/2018 ở mức 497 USD/tấn ( 11.554đ/kg). Tính trung bình, giá mủ chén tăng 3,4% so với tuần trước. Giá mủ nước 1058 USD/tấn ( 24.609 đ/kg), tăng 1% so với tuần trước.
- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 111,02 Yên ngày 10/08/2018, tăng 0,6% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 06/8 – 10/8/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 491.970 tấn, tăng 3.910 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 542.773 tấn, tăng 5.524 tấn.
- Theo Báo cáo hàng tuần về tình hình thị trường cao su Trung Quốc (Chinese Rubbe Market Intelligence: CRMI), tồn kho cao su thiên nhiên tại Khu Thương mại tự do Thanh Đảo ngày 30/07/2018 đạt 79.800 tấn, tăng 1.300 tấn (+1,66%) so với ngày 15/07; tồn kho cao su hỗn hợp đạt 3.700 tấn; cao su tổng hợp đạt 117.900 tấn, tăng 4.800 tấn (+4,07%).
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
- Giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch chủ chốt diễn biến khởi sắc khi đồng loạt tăng so với tuần trước. Tại sàn TOCOM, giá RSS 3 hợp đồng tương lai đã có 4 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần theo diễn biến tại sàn giao dịch tương lai Thượng Hải và sự đi lên của các hàng hóa khác cùng với giá dầu sau khi Hoa Kỳ tái áp lệnh trừng phạt tài chính lên Iran. Tuy nhiên mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kìm hãm đến sự phục hồi của giá cao su, điều này dẫn đến giá RSS 3 giảm nhẹ trở lại vào cuối tuần, cùng với đà đi xuống của giá dầu thế giới.
- Do thị trường cao su từ quý II/2018 chịu nhiều tác động từ yếu tố bên ngoài như diễn biến giá dầu thô và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nên báo cáo từ tháng 7 của ANRPC đã điều chỉnh lại dự báo về thị trường cao su thiên nhiên năm 2018. Trong đó, có chi tiết thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt 100 ngàn tấn cao su thiên nhiên trong năm nay. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá cao su trong thời gian tới.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 13 tháng 08 năm 2018
PHÒNG KD.XNK
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 30/07 đến 03/08/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước do tồn trữ lớn, nhu cầu yếu và giá dầu thô giảm. Kết thúc phiên ngày 03/08, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 01/2019 là là 1.507 USD/tấn, giảm 0.6% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 09/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.314 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.317 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.365 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/08/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI kỳ hạn tăng 1,3 USD tương đương 1,9% lên 68,96 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng 1,06 USD tương đương 1,5% lên 73,45 USD/thùng.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Giá dầu biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi các nhà giao dịch kỳ vọng rằng nguồn cung dầu gia tăng từ một số quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, bao gồm Saudi Arabia và Nga, sẽ khiến giá dầu "hạ nhiệt" sau chuỗi mấy tháng tăng mạnh từ đầu năm. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng dầu của nước này tiếp tục tăng mạnh cũng gây sức ép giảm giá.
- Ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước, đạt mức 409 triệu thùng. Mức tăng này đồng nghĩa với việc tồn kho dầu thô của Mỹ chỉ còn thấp hơn 1% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này hàng năm, từ chỗ thấp hơn 5% so với trung bình 5 năm ở thời điểm cách đây 1 tháng.
- Thị trường dầu thô đang trong giai đoạn chịu tác động từ các thông tin nhiều chiều. Lo ngại về khả năng mất đi nguồn cung từ Iran được bù lại bởi lo ngại rằng căng thẳng thương mại trên toàn cầu sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu năng lượng. "Gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ áp thuế bổ sung lên dầu thô và các sản phẩm dầu nhập khẩu từ Mỹ nếu chính quyền của ông Trump tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó sẽ làm giảm sức cạnh tranh của dầu và các sản phẩm dầu Mỹ tại thị trường Trung Quốc," nhà phân tích năng lượng cấp cao của Interfax Energy, Abhishek Kumar, cho biết.
- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 230 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 220 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 228 Đ/độ TSC, không đổi so với tuần trước.
- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 03/8/2018 ở mức 474 USD/tấn ( 11.015đ/kg). Tính trung bình, giá mủ chén giảm 0,9% so với tuần trước. Giá mủ nước 1037 USD/tấn ( 24.121 đ/kg), giảm 1,3% so với tuần trước.
- Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 7/2018, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 131 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD. Với ước tính này, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2018 đạt 696 nghìn tấn và 997 triệu USD, tăng 9,9% về khối lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
- Trung Quốc, Ấn Độ, và Đức là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,4%, 5,8% và 3,4%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cao su trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là Ấn Độ (35,7%) và Indonesia (10,8%).
- Ở chiều ngược lại, trong tháng 7/2018 Việt Nam nhập khẩu 42 nghìn tấn cao su với giá trị đạt 79 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2018 đạt 332 nghìn tấn với giá trị 608 triệu USD, tăng 14,6% về khối lượng nhưng giảm 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
- Trên thị trường thế giới, tháng 7/2018, giá cao su trên thị trường thế giới giảm do tồn kho tại các nước tiêu thụ chính ở mức cao; lo ngại căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc và đồng Yên mạnh lên do triển vọng điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, gây áp lực cho giá cao su.
- Campuchia sẽ không cắt giảm sản xuất cao su tự nhiên như các nước sản xuất lớn hiện đang làm để thúc đẩy giá cao su, theo ông Pol Sopha, lãnh đạo cơ quan quản lý ngành cao su Bộ Nông nghiệp Campuchia cho hay. “Chúng tôi là một nhà cung cấp nhỏ trên thị trường toàn cầu và bất chấp giá giảm, chúng tôi sẽ không cắt giảm sản xuất hoặc giảm diện tích trồng cao su”. Bình luận này đưa ra sau khi Thái Lan, một trong những nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, tuyên bố kế hoạch cắt giảm sản xuất để thúc đẩy giá cao su nội địa.
- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 111,67 Yên ngày 03/08/2018, giảm 0,5% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 30/7 – 03/8/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 488.060 tấn, tăng 5.420 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 537.249 tấn, tăng 10.260 tấn.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
- Giá cao su xuất khẩu bình quân Việt Nam có xu hướng giảm cùng chiều với giá cao su thế giới. Trong tháng 7, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.347 USD/tấn, giảm 5,9% so với tháng 6. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.453 USD/tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.
- Thị trường cao su trong nước vẫn ảm đạm trong bối cảnh dự trữ cao su thiên nhiên ở các nước tiêu thụ hàng đầu kèm theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dự báo thời gian tới, giá cao su trong nước vẫn chưa thể khởi sắc.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 08 năm 2018
PHÒNG KD.XNK