Giá mủ cao su tại Việt Nam trong tháng 2/2019 tăng nhẹ sau 3 năm rớt giá. Trên thế giới, giá cao su có dấu hiệu phục hồi tốt. Hoạt động xuất, nhập khẩu ảm đạm khi đều sụt giảm cả lượng và trị giá, tuy nhiên giá xuất bình quân tăng, đây là dấu hiệu hứa hẹn cho ngành cao su.
Việt Nam
Cùng với xu hướng giá thế giới, giá cao su xuất khẩu trong tháng 2/2019 đạt bình quân 1.217,3 USD/tấn – đây là mức giá đã tăng và đem đến dự báo cho một năm với những hứa hẹn cho ngành cao su.
Tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước – nơi được coi là thủ phủ của cao su Việt Nam trong thời gian này, giá thu mua cao su tại các đại lý đã đạt từ 3.200 đồng – 10.200 đồng/kg cao su các loại (tăng 1.200 đồng/kg), tín hiệu đáng mừng cho người trồng cao su sau 3 năm vừa qua rớt giá.
Theo số liệu thống kê mới nhất của TCHQ, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2/2019 giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 49,4% và giảm 47,3% tương ứng với 79,5 nghìn tấn, trị giá 105,1 triệu USD.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, lượng cao su xuất khẩu đạt 237 nghìn tấn, trị giá 305,44 triệu USD, tăng 27,3% về lượng và 11,5% trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay theo thống kê, Trung Quốc vẫn đang là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam. Trong tháng 2/2019, thị trường này đã tiêu thụ cao su Việt Nam với tổng trị giá là 131,63 triệu USD. Thị trường Trung Quốc chiếm 65,9% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, tăng mạnh so với mức tỷ trọng 54,9% của cùng kỳ năm 2018. Các thị trường khác cũng đang tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam đầu năm 2019 là Hà Lan tăng 182,6%, Phần Lan 100%, Mexico 78,5%…
Xuất khẩu cao su Việt Nam đang được coi là gặp thuận lợi khi ngay từ đầu năm 2019, 3 quốc gia sản xuất cao su lớn tại khu vực ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới) đã đưa ra kế hoạch giảm số lượng cao su xuất khẩu để đẩy giá tăng hơn. Theo đó, các nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 300.000 tấn cao su xuất khẩu trong năm 2019 này.
Ngược lại, tháng 2/2019 nhập khẩu cao su chỉ có 40,2 nghìn tấn, trị giá 69,12 triệu USD, giảm 34,1% về lượng và 32,7% trị giá so với tháng 1/2019. Tính chung 2 tháng 2019 đã nhập khẩu 101,5 nghìn tấn cao su, trị giá 172,8 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 3,4% trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Để ngành cao su phát triển bền vững và tạo hướng đi ổn định lâu dài, ngành cao su đã được Chính phủ đưa vào hệ thống pháp lý từ cách đây nhiều năm. Chính phủ đã ban hành Quyết định 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020…Trong năm 2017, Thủ tướng cũng đã ra Quyết định 419/QĐ-TTg về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng. Trong đó, cao su là 1 trong 4 nông sản được đưa vào thí điểm mô hình phát triển bền vững. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Việt Nam hiện đang là một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á, là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia.
Ngoài xuất khẩu, tiêu thụ nội địa các sản phẩm của ngành cao su cũng ngày càng được mở rộng, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, từ khâu sản xuất, trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động tham gia trong các khâu khác nhau của chuỗi cung và trên 260.000 hộ gia đình trực tiếp tham gia khâu sản xuất.
Thế giới
Trên thị trường thế giới, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy giá cao su trên thị trường thế giới, Hiệp hội ba nhà xuất khẩu cao su gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhất trí thông qua kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su xuất khẩu. Được biết, lượng cắt giảm trong kế hoạch này có thể lên tới 300 nghìn tấn. Con số cụ thể sẽ được đưa ra thảo luận giữa 3 nhà xuất khẩu này vào ngày 4 tháng 3 tới. Việc giá dầu thô liên tục tăng kể từ mức 45,63 USD/thùng cuối tháng 12/2018 lên mức 56,79 USD/thùng là yếu tố tích cực thúc đây nhu cầu thị trường cao su tự nhiên.
Trong hai tháng đầu năm 2019, giá cao su có dấu hiệu phục hồi tốt. Ngày 27/02/2019 giá cao su trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đạt mức 191,2 yên/kg, tăng 41% so với mức thấp nhất là 135,6 yên/kg vào tháng 11/2018.
Diễn biến giá cao su RSS3 tại sàn Tocom
Nguồn: Agromonitor
Theo EIU (Economic Intelligent Unit), mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2019 và 2020 dự báo sẽ chậm lại, còn 2,5%/năm. Thấp hơn mức tăng trưởng ước tính 4% của năm 2018, nguyên nhân bởi kinh tế thế giới tăng chậm dần, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ yếu đi trong năm 2019.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn có nhiều dự báo cho rằng nhu cầu của nhà đầu tư cao su cũng như lượng tiêu thụ ô tô sẽ mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn về căng thằng thương mại, bất cứ động thái nào của Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đều có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên, nhất là trong ngắn hạn.
Về nguồn cung, EIU dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu cũng sẽ tăng chậm lại, còn khoảng 1%/năm trong năm nay và năm tới do tồn kho còn nhiều và giá thấp kéo dài trong thời gian qua.
Theo ANRPC, năm 2018, sản xuất cao su tự nhiên thế giới đạt 13,96 triệu tấn, tăng 4,6% so với mức 13,35 triệu tấn trong năm 2017. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới ghi nhận mức tăng 5,2% trong cùng kỳ so sánh lên 14,017 triệu tấn trong năm 2018, dẫn đến mức thâm hụt cung – cầu 57.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2018. Kịch bản này chủ yếu xuất phát từ một động thái điều chỉnh gần đây từ Thái Lan. Giá cao su tự nhiên trên các thị trường vật chất và tương lai phục hồi nhẹ trong tháng 12/2018. Mặc dù hàng triệu nông dân trồng cao su tiểu điền bị tác động bởi giá cao su thấp, nhưng sự phục hồi giá cao su này đã đến đúng lúc khi vào cuối năm 2018 đưa giá cao su lên mức 1,5 USD/kg (giá trung bình cao su mủ tờ và mủ khối trong tháng 12/2018). IMF vẫn giữ nguyên ước tính trước đó về tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,7% bất chấp tình hình tăng trưởng yếu đi tại một số nền kinh tế. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ giảm bớt sau khi hai nước đồng thuận lùi lịch áp dụng các chính sách thuế mới thêm 90 ngày và mở ra các cuộc thảo luận trong thời gian này. Với sự tham gia của tổng thống Trump trong các cuộc thảo luận và cho thấy mong muốn của ông trong việc đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) đã xây dựng kế hoạch tổng thể để tăng giá trị xuất khẩu cao su hàng năm từ 250 tỷ Baht (7,9 tỷ USD) lên 800 tỷ Baht (25,2 tỷ USD), đồng thời thành lập một khu công nghiệp cao su ở tỉnh Rayong, một phần của Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).
Quyền Giám đốc của RAOT, Yium Tavarolit, cho biết các chiến lược được thiết kế để giúp Thái Lan phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình và sẽ sớm được đệ trình lên Nội các.
RAOT đã thuê Đại học thuộc Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) để nghiên cứu kế hoạch 20 năm (2017-2036), nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Theo các chiến lược này, xuất khẩu cao su của Thái Lan sẽ tăng từ 250 tỷ Baht (7,9 tỷ USD) mỗi năm lên 800 tỷ Baht (25,2 tỷ USD), trong khi năng suất cao su sẽ tăng từ 224 kg/rai (1.400 kg/ha) lên 360kg/rai (2.250 kg/ha) và hàm lượng cao su nội địa sẽ tăng từ 13,6% lên 35%.
Điều này sẽ đẩy doanh thu cao su hàng năm tăng từ 11.984 Baht/rai (2.396 USD/ha) lên 19.800 Baht/rai (3.959 USD/ha). Đồng thời, diện tích trồng sẽ giảm từ 23 triệu rai (3,68 triệu ha) xuống còn 18,4 triệu rai (2,9 triệu ha).
Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, các quy định pháp luật sẽ được thông qua để giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực cao su, thúc đẩy đầu tư vào sơ chế cao su, việc sử dụng cao su của các cơ quan nhà nước và các tổ chức nông dân và chuyển đổi từ sản xuất và sơ chế cao su sang sản xuất sản phẩm cao su.
Ngoài ra, Thái Lan sẽ thành lập các trung tâm phân phối sản phẩm cao su tại các điểm du lịch lớn và tổ chức triển lãm và sự kiện trên khắp cả nước và các quốc gia mục tiêu.
Trong sáu đến mười năm tới, mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm cao su để đáp ứng các tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan và sử dụng kết quả nghiên cứu cho mục đích thương mại. Tăng trưởng xuất khẩu cao su sẽ được thúc đẩy thông qua việc thành lập các trung tâm triển lãm và phân phối, cũng như xây dựng thương hiệu và các biện pháp tài khóa.
Trong giai đoạn 11-20 năm, các công nghệ thích hợp sẽ được sử dụng và phát triển để thay thế lực lượng lao động sản xuất cao su, đồng thời thành lập một trung tâm dịch vụ tích hợp liên quan đến cao su và các sản phẩm cao su.
Một ủy ban cũng sẽ được thành lập để đảm bảo sự vận hành trơn tru của kế hoạch dài hạn. Ủy ban sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã điều hành.
Wichian Kaewsombat, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh của UTCC, cho biết việc giảm trồng cao su sẽ được thực hiện bằng cách thành lập một khu kinh tế, chỉ những nông dân trồng cao su ở các khu vực được chỉ định mới có thể nhận được các đặc quyền hỗ trợ của chính phủ.
Khu công nghiệp cao su sẽ được đặt tại Rayong. Đồng thời, các đặc quyền hỗ trợ sẽ tập trung chủ yếu ở miền Nam Thái Lan, khu vực trồng cao su chính.
Khu công nghiệp cao su theo kế hoạch sẽ thúc đẩy sơ chế cao su cho xuất khẩu và dự kiến sẽ tăng giá trị xuất khẩu từ mức 200-300 tỷ Baht (6,4 – 9,6 tỷ USD) gần đây lên 800 tỷ Baht (25,2 tỷ USD) trong tương lai.
Khi RAOT thực hiện các chiến lược này, có khả năng giá cao su sẽ vẫn ở mức thấp và có thể cần phải hỗ trợ cho nông dân cao su. Trong khi đó, khi chiến lược đến năm thứ 20, nông dân cao su dự kiến sẽ không cần hỗ trợ.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam
Indonesia cắt giảm 98.000 tấn cao su tự nhiên cho xuất khẩu. Nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong tháng 1/2019 giảm 4,8%. ANRPC công bố thống kê ngành cao su tự nhiên thế giới năm 2018.
Indonesia cắt giảm 98.000 tấn cao su tự nhiên cho xuất khẩu
Theo thông tin từ lãnh đạo bộ phận thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia Oke Nurwan, nước này sẽ giảm 98.000 tấn cao su tự nhiên trong nguồn cung xuất khẩu để hỗ trợ giá cao su thế giới. Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC), bao gòm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã đồng thuận cắt giảm 240.000 tấn trong nguồn cung cao su tự nhiên xuất khẩu trong vòng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 4 tới. Đây là lần thứ 6 nhóm này áp chính sách hạn chế xuất khẩu cao su sau khi giá cao su tương lai tham chiếu trên sàn Tokyo giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm vào tháng 11 vừa qua.
Nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong tháng 1/2019 giảm 4,8%
Theo thông tin từ Hội đồng Cao su Ấn Độ, nhập khẩu cao su tự nhiên của nước này trong tháng 1/2019 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 39.997 tấn do tiêu dùng cao su nội địa giảm khi nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe yếu đi. Tháng 1/2019, sản xuất cao su tự nhiên nội địa Ấn độ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 72.000 tấn trong khi tiêu dùng giảm 2,4% xuống còn 97.000 tấn. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ từ tháng 4/2018 – 1/2019 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, lên 489.085 tấn. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ chủ yếu đến từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. “Các công ty lốp xe đang giảm mua do doanh thu bán xe chậm lại”, theo một nhà giao dịch cao su tại Kochi cho hay.
ANRPC công bố thống kê ngành cao su tự nhiên thế giới năm 2018
Năm 2018, sản xuất cao su tự nhiên thế giới đạt 13,96 triệu tấn, tăng 4,6% so với mức 13,35 triệu tấn trong năm 2017. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới ghi nhận mức tăng 5,2% trong cùng kỳ so sánh lên 14,017 triệu tấn trong năm 2018, dẫn đến mức thâm hụt cung – cầu 57.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2018. Kịch bản này chủ yếu xuất phát từ một động thái điều chỉnh gần đây từ Thái Lan. Giá cao su tự nhiên trên các thị trường vật chất và tương lai phục hồi nhẹ trong tháng 12/2019. Mặc dù hàng triệu nông dân trồng cao su tiểu điền bị tác động bởi giá cao su thấp, nhưng sự phục hồi giá cao su này đã đến đúng lúc khi vào cuối năm 2018 đưa giá cao su lên mức 1,5 USD/kg (giá trung bình cao su mủ tờ và mủ khối trong tháng 12/2018). IMF vẫn giữ nguyên ước tính trước đó về tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,7% bất chấp tình hình tăng trưởng yếu đi tại một số nền kinh tế. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ giảm bớt sau khi hai nước đồng thuận lùi lịch áp dụng các chính sách thuế mới thêm 90 ngày và mở ra các cuộc thảo luận trong thời gian này. Với sự tham gia của tổng thống Trump trong các cuộc thảo luận và cho thấy mong muốn của ông trong việc đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, một số kết quả đáng khích lệ từ các cuộc thảo luận này có thể đạt được trong những tuần tới.
Theo Reuters, ANRPC