Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 130.000 tấn, trị giá 221 triệu USD, tăng hơn 57% về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với tháng 5/2021.
So với tháng 6/2020 giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng hơn 36% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.700 USD/tấn, giảm gần 2% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 42,8% so với tháng 6/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681.000 tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng gần 80% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng so với so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, một số chủng loại như Latex, RSS1, cao su tổng hợp, SVR 10, RSS3, SVR 3L, SVR CV60… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,23% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 331.860 tấn, trị giá 536,4 triệu USD, tăng hơn 64% về lượng và tăng 96,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,5% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, đạt 330.190 tấn, trị giá 533,26 triệu USD, tăng hơn 65% về lượng và tăng 98% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp và cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm.
Trong đó, một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Latex tăng 38,6%, RSS1 tăng 37,7%, RSS3 tăng 32,4%, SVR CV60 tăng 30,2%, SVR 3L tăng hơn 29%, SVR CV50 tăng hơn 28%...