Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114 nghìn tấn cao su, tương đương 195 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng 4. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt gần 600 nghìn tấn, tương đương 1 tỷ USD, tăng gần 9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2021 phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD.
Xuất khẩu cao su ngày càng tăng cả về lượng và chất, tuy nhiên diện tích và sản lượng cao su của Việt Nam gần đây liên tục giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends cho biết hiện nay cao su đại điền (các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.
Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp.
Điều này dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Các con số này tăng lần lượt là 2,4 lần và 2,7 lần so với con số về lượng và kim ngạch nhập khẩu của năm 2020.
Thời gian qua, những quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.
Do đó, để phát triển bền vững ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng cần vận động các hộ kinh doanh riêng lẻ hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su theo từng cụm để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển bền vững theo pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Chuyển dần phương thức canh tác nông lâm tổng hợp, đa dạng hóa thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh và sạch trong chuỗi cung ứng.
Xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.
Một giải pháp quan trọng khác là Nhà nước cần tập khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế.