HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGGiá cao su hôm nay 18/2: Tăng mạnh tại cả Osaka và Thượng Hải

Giá cao su hôm nay 18/2: Tăng mạnh tại cả Osaka và Thượng Hải

Giá cao su hôm nay 18/2 tăng mạnh đồng loạt tại các sàn châu Á. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay 18/2/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 6/2022, tăng mạnh lên mức 255,2 JPY/kg, tăng mạnh 3,7 yên, tương đương 1,47%.

Giá cao su hôm nay 18/2 tăng mạnh đồng loạt, ngành cao su thoát thời kỳ dư cung? - Ảnh 1.

 Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải cũng tăng mạnh 35 CNY, lên mức 13.995 CNY/tấn, tương đương 0,25%. 

Giá cao su hôm nay 18/2 tăng mạnh đồng loạt, ngành cao su thoát thời kỳ dư cung? - Ảnh 2.

Giá cao su của Nhật Bản tăng do vấn đề địa chính trị Nga-Ukraina lại căng thẳng, trong khi giá nguyên liệu thô cao cũng hỗ trợ giá.

Các thương nhân ghi nhận giá mủ cao su tiếp tục mạnh, giá ở Thái Lan tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được 4,98 triệu tấn cao su (mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 261,26 tỷ Baht (tương đương 7,93 tỷ USD), tăng 8,2% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với năm 2020. 

Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Thái Lan trong năm 2021. Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 51,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2021 với 2,55 triệu tấn, trị giá 127,06 tỷ Baht (tương đương với 3,86 tỷ USD), giảm 5% về lượng, nhưng tăng 16% về trị giá so với năm 2020. 

Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu: Trong năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được 3,41 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 175,97 tỷ Baht (tương đương 5,34 tỷ USD), tăng 28,3% về lượng và tăng 61,6% về trị giá so với năm 2020, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 36,4% tổng lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2021 với 1,24 triệu tấn, trị giá 62,13 tỷ Baht (tương đương 1,88 tỷ USD), tăng 27,2% về lượng và tăng 56,9% về trị giá so với năm 2020. 

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong năm 2021 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường lớn là Malaysia và Trung Quốc giảm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ lại tăng.

Tổng cục Cao su Thái Lan (RAOT) nhận định xuất khẩu cao su năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với cao su trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng như đối với găng tay y tế cao su mà việc sử dụng loại vật tư này đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch.

Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa?

Giá cao su hôm nay 18/2 tăng mạnh đồng loạt, ngành cao su thoát thời kỳ dư cung? - Ảnh 3.

Giá cao su hôm nay 18/2 tăng mạnh đồng loạt, ngành cao su thoát thời kỳ dư cung?

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu ngày càng được dự báo có thể thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Vậy nên, đà tăng xuất khẩu cao su chưa có dấu hiệu giảm. Chưa kể, khi tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su có thể tiếp diễn sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ở góc độ phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, sự đi lên của ngành cao su, nhất là những doanh nghiệp thiên về hoạt động xuất khẩu trong ngành này trong năm 2022 được hỗ trợ thêm bởi sự tăng mạnh của giá dầu, cũng như kỳ vọng phục hồi kinh tế.

Nguyên nhân là do giá dầu tăng mạnh khiến gia cao su nhân tạo, cao su tổng hợp cao, đây cũng là động lực để giá cao su tự nhiên trong nước xuất khẩu giữ ở mức cao. Cùng với đó, nhu cầu sản xuất công nghiệp và phục hồi ở săm lốp ôtô, gỗ cao su làm nội thất tại các thị trường xuất khẩu cũng sẽ làm tăng giá cao su và thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cũng duy trì dự báo sẽ có tình trạng thiếu hụt cao su tự nhiên trung bình trong trung hạn. Bởi, năm 2021, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt khoảng 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, thấp hơn so với khảo sát nhu cầu 9% trước đó.

Thực tế, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) mới đây ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm nay đạt khoảng 14,55 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 14,39-14,82 triệu tấn. Tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng 2-5%, do đó sản lượng năm 2022 có thể ít hơn nhu cầu.

Trên cơ sở này, ANPRC cho rằng, việc mở rộng diện tích cao su trưởng thành dự kiến sẽ được hấp thụ phần lớn bởi nhu cầu mạnh mẽ trong giai đoạn này, góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. 

ANRPC dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cây cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su. Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.

Giá cao su hôm nay 18/2 tăng mạnh đồng loạt, ngành cao su thoát thời kỳ dư cung? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã triển khai dự án thí điểm áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho các rừng cây cao su.

Tính đến nay, 55.000 ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, và dự kiến đạt 100.000 ha vào Quý I/2022. Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác, đưa vào sản xuất và thương mại. Từ đó, giúp gia tăng giá trị chuỗi khai thác cao su, hướng đến phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.

Thị trường cao su thế giới đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và không làm tổn hại đến cộng đồng. Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam là hướng đi phù hợp để đảm bảo sự phát triển của ngành cao su Việt Nam.

Từ đầu tháng 02/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định so với cuối tháng 1/2022. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 1/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ mủ.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá xuất khẩu cao su sẽ bật tăng trong năm 2022, đặc biệt là ở 6 tháng cuối năm do nhu cầu nguyên liệu trên toàn cầu tăng cao và sản lượng cao su trên thế giới đang giảm bởi nhiều yếu tố, trong đó tác động nhiều nhất là tình hình biến đổi khí hậu khiến diện tích cao su trên thế giới sụt giảm, đi ngược lại với nhu cầu tăng của các nước sản xuất công nghiệp. Mặc dù xuất khẩu cao su năm 2022 được đặt mục tiêu ở mức 3,5 tỷ USD, nhưng dự báo xuất khẩu mặt hàng này trong năm nay sẽ vượt kế hoạch.