Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 11, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao dịch chủ chốt ở châu Á có phiên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu phục hồi.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá xuống mức thấp nhất vào ngày 5/11 (ở mức 212 Yên/kg), sau đó tăng trở lại.
Ngày 29/11, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 giao dịch ở mức 232,5 Yên/kg (tương đương 2 USD/kg), tăng 4% so với cuối tháng 10.
Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 tại sàn Osaka trong tháng 11/2021
(ĐVT: Yên/kg. Nguồn: Cục Xuất nhập khảu)
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 29/11, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 ở mức 15.185 NDT/tấn (tương đương 2,36 USD/kg), tăng 2% so với cuối tháng 10.
Tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh trồng nhiều cao su như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất thu hoạch mủ cao su.
Trong tháng 11, mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290- 335 đồng/độ TSC.
Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước dao động ở mức 293-333 đồng/độ TSC, giảm 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 10. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 334-336 đồng/ độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 330 đồng/độ TSC.
"Giá cao su trong tháng 11 biến động mạnh, giá có phiên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng (ngày 25/11) với hy vọng ngày càng tăng rằng sản lượng ô tô sẽ phục hồi sau khi sụt giảm do tình trạng thiếu vi mạch", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Tuy nhiên, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến giá cao su giảm trong những ngày cuối tháng.
Với khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn cả biến thể Delta và kháng vắc xin mạnh hơn, thông tin về biến thể mới của virus đã khiến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong ngày 26/11, khiến giá cao su tự nhiên giao dịch trên thế giới cũng giảm.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 ước tính tăng 8,3% so với năm 2020, lên 14,028 triệu tấn.
Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,836 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2020. Theo số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 192 nghìn tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.
Nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường, không theo mùa đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi của ngành cao su.