Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt 200.000 tấn, trị giá 321 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 11% về trị giá so với tháng 12/2020.
Đáng chú ý, so với tháng 1/2020 tăng 119,7% về lượng và tăng gần 142% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân tăng 0,7% so với tháng 12/2020 và tăng hơn 10% so với tháng 1/2020 lên mức 1.605 USD/tấn.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,75 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2019, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.362 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2019.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (Mã HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 65,47% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,14 triệu tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 24,5% về trị giá so với năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,12% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 1,13 triệu tấn, trị giá 1,55 tỷ USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 24,7% về trị giá so với năm 2019.
Trong năm 2020, phần lớn xuất khẩu các chủng loại cao su đều sụt giảm so với năm 2019, trừ một số mặt hàng đạt được sự tăng trưởng như: cao su dạng Crếp, Latex, cao su tái sinh, SVR CV40, Skim block.
Về giá xuất khẩu, năm 2020, giá xuất khẩu bình quân phần lớn các chủng loại cao su đều có xu hướng tăng so với năm 2019, trừ một số chủng loại có giá xuất khẩu trung bình giảm như: SVR 10, SVR 20, cao su tổng hợp, cao su dạng Crếp.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thời gian tới, xuất khẩu cao su sẽ khó tăng mạnh do dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại, các cảng biển hoạt động khó khăn khi tình trạng thiếu container khá trầm trọng. Trong khi, nhu cầu cao su Trung Quốc đứng trước nguy cơ sụt giảm do dịch COVID-19.
ST