Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Trung Quốc khiến nhu cầu nhập khẩu cao su của nước này giảm.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu tháng 02/2020 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước ổn định so với trước Tết Nguyên đán. Hiện giá thu mua mủ nước tại vườn và nhà máy tại Công ty TNHH MTV Lộc Ninh đạt lần lượt 287 đ/độ TSC và 292 đ/độ TSC, giữ nguyên so với trước Tết Nguyên đán.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2020 đạt 90,13 nghìn tấn, trị giá 131,4 triệu USD, giảm 54,8% về lượng và giảm 52,5% về trị giá so với tháng 12/2019, giảm 42,8% về lượng và giảm 34,4% về trị giá so với tháng 01/2019. Xuất khẩu cao su giảm là do trong tháng có thời gian ngừng giao dịch để nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá xuất khẩu cao su bình quan trọng tháng 01/2020 đạt 1.458 USD/tấn, tăng 5,1% so với tháng 12/2019 và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 1/2020, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, đạt 66,57 nghìn tấn, trị giá 96,45 triệu USD, giảm 55% về lượng và giảm 57,7% về trị giá so với tháng 12/2019, giảm 36% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so với tháng 01/2019, tỷ trọng xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 73,9% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong tháng 1/2020, lượng cao su xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như Trung Quốc giảm 36%; Ấn Độ giảm 75,7%; Hàn Quốc giảm 48,6%; Mỹ giảm 44,7%…
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Trung Quốc khiến nhu cầu nhập khẩu cao su của nước này giảm. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp đã rất nỗ lực đa dạng hóa thị trường.
Trên thị trường thế giới, giá cao su sau khi giảm trong tuần đầu tháng 2/2020 do tác động của Covid-19, đã có xu hướng tăng trở lại kể từ khi Trung Quốc khôi phục lại hoạt động sản xuất từ ngày 10/02/2020, trong bối cảnh nguồn cung yếu do hạn hán tại Thái Lan và dịch bệnh trên cây cao su tại Indonesia và Malaysia.
Sự lây lan của Covid-19 ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất ô tô, khiến nhu cầu lốp xe giảm. Tiêu thụ cao su tự nhiên của Trung Quốc chiếm 40% lượng tiêu thụ toàn cầu và chủ yếu được sử dụng cho ngành sản xuất lốp xe. Trong khi nhu cầu cao su cho ngành ô tô giảm, thì nhu cầu cao su cho ngành sản xuất găng tay cao su lại tăng, nhằm đáp ứng nhu cầu cao trong đợt dịch, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Tập đoàn Sri-Trang Agro-Industry của Thái Lan và các nhà sản xuất găng tay cao su tại Malaysia đang tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tại Trung Quốc. Nhu cầu găng tay cao su dự báo sẽ tăng khoảng 25% trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhu cầu cao su cho ngành sản xuất găng tay khó có thể bù đắp cho nhu cầu giảm từ ngành sản xuất lốp xe ô tô.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019: Chăn nuôi và cao su là điểm sáng
Theo Nhịp sống kinh tế