HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGNguồn cung giảm đang đẩy giá cao su cuối năm lên cao

Nguồn cung giảm đang đẩy giá cao su cuối năm lên cao

Thị trường lo ngại nguồn cung giảm sau khi các nước sản xuất hàng đầu xem xét hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ giá đã khiến giá cao su tăng trong nửa đầu tháng 12.

Thông tin từ Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 2 tuần đầu tháng 12, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt có xu hướng tăng so với cuối tháng 11.

Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 12/12/2019, giá cao su giao kì hạn tháng 2/2020 giao dịch ở mức 175,4 Yên/kg, tương đương 1,62 USD/kg, tăng 2,6% so với cuối tháng 11/2019.

Tại Thượng Hải, ngày 12/12/2019, giá cao su tự nhiên giao kì hạn tháng 2/2020 giao dịch ở mức 12.920 NDT/tấn, tương đương 1,84 USD/kg, tăng hơn 3% so với cuối tháng 11 vừa qua.

Tại Thái Lan, ngày 11/12/2019, giá cao su RSS 3 giao dịch ở mức 45,9 Baht/kg, tương đương 1,52 USD/kg, tăng 2,5% so với cuối tháng trước

Nguyên nhân giá cao su tăng là thị trường lo ngại nguồn cung giảm, sau khi các nước sản xuất hàng đầu xem xét hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ giá.

Nguồn cung giảm đang đẩy giá cao su cuối năm lên cao

Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan trong tháng 12/2019 (ĐVT: Baht/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/Thainr.com.

Theo Bộ Công Thương Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang xem xét hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá cao su.

Cụ thể Thái Lan đã thông qua kế hoạch giảm 21% diện tích trồng cao su trên toàn quốc, đồng thời nâng giá xuất khẩu cao su tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm tới. Thái Lan chiếm tới 40% nguồn cung cao su toàn cầu, nhưng giá cao su ở mức thấp trong nhiều năm gần đây đang gây khó khăn cho nông dân trồng cao su tại nước này.

Để hỗ trợ người trồng cao su, chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu giảm diện tích trồng cao su 21%, từ mức 3,73 triệu ha năm 2016, xuống còn 2,94 triệu ha; tăng kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên từ 250 tỉ baht lên 800 tỉ baht mỗi năm.

Đồng thời tăng năng suất cao su thêm 60%, tăng 65% thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng tỉ lệ tiêu dùng cao su nội địa từ 13,6%, lên 35% tổng sản lượng cao su hàng năm.

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp gồm cả latex của Trung Quốc đạt 5,85 triệu tấn, trị giá gần 9 tỉ USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Tính riêng tháng 11/2019, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 636.000 tấn, trị giá hơn 946 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 25,6% về trị giá so với tháng 10, nhưng giảm 5,6% về lượng và giảm 6,3% về trị giá so với tháng 11/2018.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết tổng sản lượng ô tô sản xuất và bán ra tháng 10/2019 của nước này lần lượt đạt 2.295 triệu chiếc và 2.284 triệu chiếc. Con số này lần lượt tăng gần 4% và 0,6% so với tháng 9/2019, nhưng giảm 1,7% và 4% so với cùng kì năm 2018.

Năm 2018, Trung Quốc ghi nhận doanh số ô tô lần đầu giảm sau 30 năm, ở mức 28,08 triệu chiếc được bán ra. CAAM dự kiến doanh số bán ô tô của nước này năm 2019 sẽ giảm khoảng 10%, tiếp tục xu hướng giảm kể từ tháng 7/2018.

Như Huỳnh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng