Thế giới:
1. Sản lượng cao su thiên nhiên In-đô-nê-xia giảm:
Theo Bộ Nông nghiệp In-đô-nê-xia, sản lượng cao su thiên nhiên của Indonesia dự kiến sẽ giảm 15% trong năm 2019 so với 3,76 triệu tấn trong năm 2018 do bệnh nấm. Nấm gây bệnh đã tấn công khoảng 381.900 ha đồn điền cao su và được dự đoán sẽ lan rộng hơn nữa. Các đồn điền cao su bị ảnh hưởng cho đến nay tập trung ở khu vực Nam Sumatra, Bắc Sumatra, Bangka Belitung, Nam Kalimantan, Trung Kalimantan và Tây Kalimantan. Hồi đầu tháng 7, căn bệnh này bị nghi ngờ đã lan rộng ở một số khu vực vì nông dân cắt giảm bảo vệ cây trồng như sử dụng phân bón do giá cao su thấp.
Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo) cho biết xuất khẩu cao su từ tháng 1 – 6/2019 đã giảm xuống còn 200.000 tấn. Các nhà chức trách đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, bao gồm cả việc cung cấp thêm một lượng phân bón để kiểm soát dịch bệnh.
Indonesia đã đồng ý cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên 98.000 tấn trong bốn tháng, kể từ tháng 4 để đẩy giá, như một phần của thỏa thuận với các nhà sản xuất cao su lớn Thái Lan và Malaysia để cắt giảm tổng cộng 240.000 tấn xuất khẩu.
2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:
Tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom), giá cao su biến động giảm trong tháng 8 do gia tăng lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài và tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như đồng Yên tăng mạnh. Hợp đồng benchmark tháng 1/2020 đạt mức thấp 166 yên/kg vào cuối phiên 15/8, giảm 9,3 yên (tương đương 5,6%) so với đầu tháng. Đến cuối phiên 28/8, giá cao su tiếp tục giảm, chỉ đạt 161,6 yên/kg.
Được biết, các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới Thái Lan, In-đô- nê-xia và Ma-lai-xia không gia hạn các hạn chế xuất khẩu cao su.
Biểu 1 – Diễn biến giá cao su thế giới tháng 8/2019
Giá cao su trên thị trường physical biến động tăng trong tháng qua. Cụ thể: giá cao su RSS3 Thái Lan ngày 28/8 ở mức 1,52 USD/kg, giảm 0,03 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,36 USD/kg, giảm 0,01 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,32 USD/kg, không đổi so với ngày 2/8.
II. Việt Nam:
1. Thị trường và biến động giá cả:
Thị trường cao su nguyên liệu biến động trong biên độ hẹp trong tháng qua, với xu hướng chủ yếu là giảm giá. Tại thủ phủ cao su Bình Phước, giá mủ nước ngày 21/8 ở mức 250 đồng/độ, tăng so với 245 đồng/độ một tuần trước đó, song giảm so với mức 255 đồng/độ vào đầu tháng. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.
Dự báo tình hình xuất nhập khẩu cao su tháng 8/2019:
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8/2019 đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 963 nghìn tấn và 1,32 triệu USD, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 7,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1.376 USD/tấn, giảm 3,66% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 63%, 8,9% và 3,4%.
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 8/2019 đạt 64 nghìn tấn với giá trị đạt 108 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt 437 nghìn tấn với giá trị 756 triệu USD, tăng 13,2% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 7 tháng đầu năm 2019 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Lào, chiếm 52,4% thị phần. Trong 7 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu cao su tăng mạnh nhất là Pháp (gấp 2,3 lần). Ngược lại, Thái Lan là thị trường có giá trị nhập khẩu cao su giảm mạnh (-25,2%).
Nguyễn Lan Anh
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
- CSDL giá nông sản PMARD của CIS
- Tin Reuters
- Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy
Nguồn: Báo cáo của Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT