Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), Nhật Bản, giá cao su biến động mạnh trong tháng 3.
Ngày 5/3, giá là 198,3 yên/kg, đạt đỉnh trong hơn một năm sau đó giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch 29/3, giá cao su giao kỳ hạn tháng 4 là 172,8 yên/kg (tương đương 1,56 USD/ kg), giảm 9,1% so với cuối tháng 2.
Diễn biến giá cao su tại Nhật Bản. Nguồn: TOCOM,Bộ Công Thương.
Tại Trung Quốc, giá cao su giao kỳ hạn tháng 4 đạt cao nhất vào ngày 4/3 là 12.630 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,88 USD/kg), và cũng giảm mạnh sau đó. Giá hợp đồng cao su này chốt tháng 3 ở 11.400 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,69 USD/kg), giảm 6,9% so với cuối tháng trước đó.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 được chào bán ở mức 53,1 baht/kg (tương đương 1,67 USD/kg) vào ngày 28/3. Mức giá này cao hơn 2,1% so với cuối tháng 2, nhưng từ sau khi đạt đỉnh vào ngày 21/3, giá cũng có xu hướng giảm dần về cuối tháng.
Tại Việt Nam, thị trường cao su nguyên liệu vẫn tiếp diễn trạng thái trầm lắng. Trong đó, thủ phủ cao su Bình Phước bước vào giai đoạn ngừng cạo mủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết.
Diễn biến giá cao su tại Trung Quốc. Nguồn: SHFE,Bộ Công Thương.
Giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh có xu hướng giảm theo thị trường thế giới. Ngày 29/3, tại Đắk Lắk giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 233 đồng/độ TSC và 238 đồng/độ TSC, giảm 27 đồng so với cuối tháng 2. Trong khi đó, giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.
Cao su giảm do nhà đầu tư đẩy mạnh bán hàng trước khi Trung Quốc giảm thuế giá trị gia tăng vào ngày 1/4. Một yếu tố khác là nhu cầu tiêu thụ cao su tăng chậm, minh chứng là doanh số bán ôtô tháng 2 tại Trung Quốc giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp.
Bên cạnh đó, việc Thái Lan dự kiến hoãn thực hiện kế hoạch hạn chế xuất khẩu hàng hóa thêm hơn một tháng cũng tác động lên thị trường cao su.
Diễn biến giá cao su tại Thái Lan. Nguồn: Thainr.com, Bộ Công Thương.
Giá xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tiếp từ đầu năm
Theo tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu cao su thiên nhiên trung bình của Việt Nam tăng 4,5% so với tháng trước. Từ 1.271,3 USD/tấn hồi tháng 1, giá đã lên 1.381,8 USD/tấn vào tháng 3.
Bộ Công Thương ước tính xuất khẩu cao su trong tháng 3 đạt 110.000 tấn và thu về 152 triệu USD, tăng 43,5% về lượng và tăng 32,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung quý I, xuất khẩu cao su ước đạt 347.000 tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 17,7%.
Xét về cơ cấu mặt hàng, xuất khẩu hầu hết chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp tăng 102,3% về lượng và tăng 79,1% về trị giá, đồng thời chiếm 53,5% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường.
4 thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan, chiếm 54,8% thị phần.
Theo khuyến nghị của Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào những thị trường lớn như trước đây.
Giá cao su sẽ được hỗ trợ lớn?
Nguồn cung cao su trên thế giới được dự báo sẽ bị thắt chặt từ tháng 4 khi Indonesia, Malaysia và Thái Lan bắt đầu thực hiện kế hoạch hạn chế xuất khẩu cao su thiên nhiên.
Theo kế hoạch của Hội đồng 3 bên về Cao su thiên nhiên Quốc tế, Indonesia sẽ giảm 98.160 tấn cao su xuất khẩu trong 4 tháng tới bắt đầu từ ngày 1/4. Tương tự, Malaysia và Thái Lan sẽ lần lượt giảm 15.600 tấn và 126.240 tấn cao su xuất khẩu từ ngày 20/5, trang Jakarta Post cho biết.
Động thái này nằm trong kế hoạch giảm xuất khẩu 240.000 tấn cao su của ba quốc gia sản xuất cao su lớn nhất châu Á này, ông Kasan Muhri, người đứng đầu cơ quan đánh giá và phát triển thương mại Indonesia cho biết.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của thế giới được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,5%/năm. Hơn nữa, nếu Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc, nhu cầu cao su tự nhiên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu cao su lớn nhất.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên đánh giá rằng các yếu tố cơ bản đang diễn biến theo hướng có lợi cho giá cao su thiên nhiên cả trên thị trường giao ngay và tương lai. Cùng với đà tăng của giá dầu thô, những tin tức tích cực liên quan tới đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng tiếp tục hỗ trợ cho đà phục hồi của giá mặt hàng này.
Ông Kasan cho biết kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Indonesia, Malaysia và Thái Lan có thể giúp giá tăng tiếp lên hơn 1,5 USD/kg, thậm chí chạm mốc 2 USD/kg. Giá cao su toàn cầu hiện loanh quanh ở 1,4 USD/kg, tăng từ mức dưới 1,2 USD/kg hồi cuối năm ngoái.
Phan Vũ
Theo NDH.vn