DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TRONG THÁNG:
Thế Giới:
- Giá cao su những ngày đầu tháng 03 tăng mạnh sau đó giảm dần đến cuối tháng. Cụ thể trong tuần từ ngày 04/3 đến 08/3/2019, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE đều giảm so với tuần cuối tháng trước. Kết thúc tuần, ngày 08/3, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 8/2019 là 1.773 USD/tấn, giảm 2,8% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.463 USD/tấn (-2,1%); giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.457 USD/tấn (-2,5%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.550 USD/tấn, giảm 2,8% so với cuối tuần trước.
- Nhìn chung giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch chủ chốt ít thay đổi. Tại sàn TOCOM, giá cao su RSS3 hợp đồng tương lai sau khi tăng nhẹ trong hai phiên đầu tuần nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại trong các phiên sau đó do ảnh hưởng từ một loạt số liệu kinh tế kém khả quan từ nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới là Trung Quốc; trong đó hoạt động xuất nhập khẩu, sản lượng công nghiệp, doanh số tiêu thụ ô tô của nước này trong tháng 02/2019 đều sụt giảm và là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục giảm tốc; Trong bối cảnh này, một tín hiệu lạc quan là Trung Quốc đang tìm cách củng cố nền kinh tế thông qua kế hoạch cắt giảm thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD.
- Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 2/2019, Trung Quốc nhập khẩu 371 nghìn tấn cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, trị giá trên 551,3 triệu USD, giảm 40,1% về lượng và giảm 39,1% về trị giá so với tháng 1/2019; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 65,5% về lượng và giảm 68,7% về trị giá.
- Kết thúc tuần từ ngày 18/3 đến 22/3/2019, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 8/2019 là 1.713 USD/tấn, giảm 1,0% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.482 USD/tấn (+0,7%); giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.494 USD/tấn (+1,6%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.535 USD/tấn, giảm 1,0% so với cuối tuần trước.
- Dự báo trong ngắn hạn, thị trường cao su sẽ tiếp tục duy trì ở vùng giá hiện tại do thiếu sự hỗ trợ đáng kể từ tình hình cung – cầu lẫn các yếu tố khác và có thể xảy ra những biến động nhất thời dựa trên diễn biến vòng đàm phán tiếp theo của Hoa Kỳ – Trung Quốc nhằm nỗ lực thực hiện một thỏa thuận thương mại để chấm dứt xung đột vào cuối tháng 3 tới đây.
* Những thông tin nổi bật trong tháng:
- Theo tổ chức EIU (Economic Intelligent Unit), mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2019 và 2020 dự báo sẽ chậm lại, còn 2,5%/năm. Thấp hơn mức tăng trưởng ước tính 4% của năm 2018, nguyên nhân bởi kinh tế thế giới tăng chậm dần, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ yếu đi trong năm 2019.
- Về nguồn cung, EIU dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu cũng sẽ tăng chậm lại, còn khoảng 1%/năm trong năm nay và năm tới, do tồn kho còn nhiều và giá thấp kéo dài trong thời gian qua. Cho đến nay, vẫn có nhiều dự báo cho rằng nhu cầu của nhà đầu tư cao su cũng như lượng tiêu thụ ô tô sẽ mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn về căng thằng thương mại, bất cứ động thái nào của Hoa Kỳ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đều có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu cao su thiên nhiên, nhất là trong ngắn hạn.
- Theo Bloomberg, các nhà sản xuất hạn chế xuất khẩu để kéo giá cao su tăng trở lại, nhưng nguồn cung vẫn là một vấn đề lớn. Các nhà giao dịch cao su thế giới không bị cuốn đi theo đà tăng 15% của giá mặt hàng này trong năm nay. Giá cao su vẫn giảm hơn 70% so với đỉnh lập được năm 2017 và các thành phần chính dự báo mặt hàng này còn ít nhất một năm không thuận lợi nữa, với dự đoán giá giảm sâu nhất sẽ duy trì trong một thập kỉ. Nguyên nhân được cho là nguồn cung dư thừa, với các chỉ trích nhắm vào việc người trồng không thể kiếm soát cân bằng nguồn cung với nhu cầu.
Mặc dù giá hợp đồng cao su giao sau đã tăng trong năm nay nhờ các nhà sản xuất lớn mới của khu vực châu Á hạn chế xuất khẩu, đà tăng đã bắt đầu chững lại vì lo ngại về tính hiệu quả của biện pháp này.
- Sản lượng cao su toàn cầu có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu lốp cho tới khoảng 2027 – 2028 và các quốc gia sản xuất sẽ rơi vào thời kì giá ở mức rất thấp trong gần một thập kỉ, theo Giám đốc điều hành của Tire Industry Research, ông David Shaw. Ông Shaw đã theo dõi thị trường cao su trong 30 năm.
- Bất chấp những lo ngại về nhu cầu yếu hơn do suy thoái kinh tế, giá dầu đã tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay, nhờ vào những nỗ lực kiềm chế nguồn cung của OPEC+ và tổn thất do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela gây ra. Chốt phiên giao dịch đêm 26/03, giá dầu Brent đã tăng 76 xu lên mức 67,97 USD/thùng, gần bằng mức cao nhất từ đầu năm tới nay là 68,69 USD, đạt được vào ngày 21/3. Giá dầu thô Mỹ tăng mạnh hơn, tăng 1,12 USD, tương đương 1,9%, lên 59,94 USD/thùng.
* Kế hoạch hạn chế xuất khẩu để kích giá:
Theo nguồn tin các nước chủ chốt như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cung cấp khoảng 70% nguồn cung toàn cầu, sẽ giảm xuất khẩu tổng cộng 240.000 tấn trong vòng 4 tháng bắt đầu từ tháng 4.
Mặc dù Thái Lan, nhà sản xuất cao su lớn nhất, đồng ý giảm xuất khẩu, quốc gia này có thể gặp khó khăn trong việc giảm sản xuất. Với các cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 24/3, các đảng chính trị đã tìm cách giành phiếu bầu của người nông dân bằng việc đảm bảo giá mùa màng, các khoản vay lãi suất thấp và bảo hiểm sức khỏe giá rẻ.
Đối với ông Coleman, nhu cầu cao su không quá yếu, và nguồn cung dư thừa là vấn đề chính. Giá thấp là một cách loại bỏ những nhà sản xuất chi phí cao của thị trường.
BMT, ngày 26 tháng 03 năm 2019
PHÒNG KD XNK