HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGCổ phiếu cao su thiên nhiên tăng mạnh

Cổ phiếu cao su thiên nhiên tăng mạnh

Cổ phiếu PHR, DPR, TRC, DRI,… bật tăng cao kể từ đầu năm 2019.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm 2019 với sự đi lên khá tích cực, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Sự tăng điểm của chỉ số đến từ nhiều nhóm ngành, trong đó nhóm cổ phiếu cao su thiên nhiên cũng ghi nhận sự tăng giá rất mạnh.

Cổ phiếu cao su lên đỉnh

Cổ phiếu CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) có mức tăng giá khá ấn tượng lên 45.000 đồng/cp (27/2), tức tăng 35% kể từ đầu năm 2019. Đây cũng là mức đỉnh mọi thời đại của cổ phiếu PHR. Mặc dù thị trường chung liên tục biến động nhưng cổ phiếu PHR vẫn tăng khá đều và đạt đỉnh như hiện nay.

Cổ phiếu cao su thiên nhiên tăng mạnh

PHR đạt đỉnh 45.000 đồng/cp.

Sự tăng giá trên có thể đến từ hoạt động kinh doanh liên tục tăng trưởng trong 3 năm qua. Năm 2018, Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận sau thuế 637 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2017 và cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ 2012 đến nay.

Kết quả tích cực 2018 của Phước Hòa nhờ thu nhập nhượng bán, thanh lý tài sản cố định lên đến 418 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2017. Đồng thời mỏ vàng Nam Tân Uyên (NTC) đóng góp đột biến đến 70 tỷ đồng lãi liên kết và 84 tỷ cổ tức được chia.

Sắp tới vào 26/3, Phước Hòa sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 để báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019; thông qua phương án phân phối lợi nhuận và cổ tức 2018; và một số vấn đề khác theo quy định của điều lệ Công ty.

Cổ phiếu CTCP Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) cũng vượt đỉnh mọi thời đại lên 40.700 đồng/cp (27/2). Còn kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu DPR đã có mức tăng giá 28%.

Cổ phiếu cao su thiên nhiên tăng mạnh

DPR đạt đỉnh 40.700 đồng/cp.

Hoạt động kinh doanh của Đồng Phú cũng liên tục tăng trưởng trong các năm qua, đạt 235 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2018, tăng trưởng 5% so với 2017 và là mức lợi nhuận cao nhất từ 2014 đến nay. EPS cả năm ghi nhận 5.849 đồng.

Bên cạnh việc kinh doanh và giá cổ phiếu tăng cao, Đồng Phú cũng thường xuyên chia cổ tức tiền mặt cao các năm gần đây. Cuối tháng 12/2018, công ty đã tạm ứng cổ tức tiền mặt 2018 tỷ lệ 40%, tổng mức chi trả cho năm 2017 là 60% bằng tiền hay năm 2016 và 2015 đều là 50% tiền mặt.

Cổ phiếu CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI)cũng bật tăng mạnh từ khoảng 5.500 đồng/cp đầu năm 2019 lên 7.100 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng 29%. Năm ngoái, DRI chỉ có nhận hơn 51 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 64% so với năm 2017 do giá mủ và gỗ cao su thanh lý giảm sâu trên thị trường.

Cổ phiếu CTCP Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) cũng ghi nhận sự tăng giá khoảng 7% kể từ đầu năm 2019 lên 22.950 đồng/cp (27/2). Giống DRI, TRC cũng không có kết quả kinh doanh tốt khi lợi nhuận sau thuế 2018 chỉ đạt 120 tỷ đồng, giảm 17% so với 2017 do giá bán bình quân mủ cao su năm 2018 đã suy giảm 19%.

Giá cao su thế giới tăng mạnh

Diễn biến kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên khá trái chiều nên việc giá cổ phiếu tăng cao đầu năm 2019 đến từ các câu chuyện riêng (bán vốn, thanh lý tài sản..) và một phần từ sự tăng mạnh của giá cao su trên thị trường thế giới.

Sau khi rơi xuống đáy vào cuối năm 2018, giá cao su thế giới đã quay đầu tăng mạnh lên vùng giá trên 200 JPY/kg đầu năm 2019, trước khi điều chỉnh đi ngang tại 190 JPY/kg như hiện tại. Kết phiên giao dịch thứ 4, ngày 27/2, giá cao su đã tăng 0,84% lên 191,8 JPY/kg.

Dù giá cao su thế giới đã tăng rất mạnh đầu năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn giá tại thời điểm đầu năm 2018 và thấp hơn nhiều so với vùng giá trên 300 JPY/kg hồi đầu năm 2017.

Cổ phiếu cao su thiên nhiên tăng mạnh

Giá cao su thế giới bật tăng mạnh từ vùng đáy.Nguồn Tradingeconomics.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc. Về phía tiêu thụ, Trung Quốc thông báo sẽ trợ cấp cho người mua ô tô trên toàn quốc nhằm kích thích tiêu thụ mặt hàng này. Trong khi đó, thực tế cho thấy nguồn cung từ các nước sản xuất lớn có dấu hiệu sụt giảm do yếu tố mùa vụ.

Thị trường cũng kỳ vọng các nước sản xuất cao su lớn có thể thỏa thuận các biện pháp để thúc đẩy giá. Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) hôm 22/2 cho biết sẽ ngừng xuất khẩu lên tới 300.000 tấn nhằm thúc đẩy giá cao su toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1 đạt 157.150 tấn và thu về 199,8 triệu USD, tương ứng tăng 16% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Do vậy, giá xuất khẩu cao su vẫn thấp hơn cùng kỳ.

Lan Điền (NDH.vn)