Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới trong thời gian qua có diễn biến tăng, một số doanh nghiệp cao su lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm ngoái, dù dự báo tình hình còn nhiều khó khăn.
Một số dấu hiệu khả quan
Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su ngày 18/1/2019, kỳ hạn tháng 6/2019, là 186.800 JPY/tấn, tương đương 1.700 USD/tấn, tăng 11,3% so với 4 tháng trước.
Cao su tăng giá trong bối cảnh kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ cao su lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu.
Giá cao su trên thị trường Tokyo là giá tham chiếu cho thị trường châu Á, nên diễn biến tăng giá trên thị trường này đánh dấu sự khởi sắc trở lại của giá cao su châu Á.
Tại thị trường hàng hóa Thượng Hải, giá cao su đạt mức 11.580 CNY/tấn, tương đương 1.713 USD/tấn. Tại thị trường Thái Lan, giá cao su đạt 1.570 USD/tấn…
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) nhận định, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2019 có thể đạt 14,844 triệu tấn, tăng 6,6%, cao hơn nhiều mức tăng 4,3% của năm 2018. Tiêu thụ cao su thiên nhiên dự báo đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6%.
Theo ông Dar Wong, Trưởng ban Cố vấn chiến lược, Công ty Bain Partners & Management, thành viên Ủy ban Nghiên cứu và phát triển cao su Quốc tế (IRRDB), giá cao su trong năm 2019 có cơ hội đi lên nhờ triển vọng ổn định của USD (giá cao su thiên nhiên thường giảm khi USD mạnh lên) và khả năng tăng của giá dầu (giá dầu tăng, giá cao su sẽ tăng).
Trong khi đó, 5 – 10 năm tới, nhu cầu tiêu thụ cao su trên toàn cầu được dự báo tăng lên, sẽ hỗ trợ giá tăng. Một số ý kiến kỳ vọng, giá cao su sẽ 4đạt 2.000 USD/tấn vào năm 2025.
Doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng
Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đặt kế hoạch tổng sản lượng khai thác đạt 320.250 tấn trở lên, thu mua 75.255 tấn, sản lượng tiêu thụ 395.000 tấn. Dự kiến, tổng doanh thu đạt 30.700 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với năm 2018.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) nhìn nhận sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện công bố thông tin của PHR cho biết, Công ty đang nỗ lực giảm chí phí đầu vào sản xuất để có giá thành bán ra tốt nhất, mục tiêu của PHR là giảm giá sản phẩm từ 5 – 10% trong năm 2019.
“Giá cao su thiên nhiên thế giới tăng, nhưng chưa đáng kể và đó là yếu tố khách quan, chúng tôi phải chủ động giảm giá sản phẩm để cạnh tranh. Khi giá cao su thế giới tăng, việc này sẽ giúp Công ty có lợi nhiều hơn, còn khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp sẽ tránh được bất lợi”, đại diện PHR nói.
Năm 2018, PHR đạt lợi nhuận 622 tỷ đồng, tăng hơn 178 tỷ đồng so với kế hoạch (444 tỷ đồng). Năm 2019, lo ngại không đạt được lợi nhuận về kinh doanh cao su (mảng chính của Công ty), PHR sẽ nỗ lực đẩy mạnh lợi nhuận ở mảng tài chính và lợi nhuận từ kinh doanh ngành nghề khác.
“Kinh doanh cao su là nhiệm vụ chính nên chúng tôi cũng rất trăn trở tìm cách tăng trưởng bứt phá cho mảng kinh doanh này”, người công bố thông tin của PHR chia sẻ.
Kế hoạch kinh doanh năm 2019 đang được PHR xây dựng, dự kiến công bố vào ngày 25/1 tới. Công ty phấn đấu đạt tổng sản lượng 3 triệu tấn, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp lợi nhuận đến chủ yếu từ việc tham gia dự án khu công nghiệp Tân Bình, Nam Trung Yên, thanh lý vườn cao su, chuyển đổi vùng đất cây công nghiệp theo chủ trương, kinh doanh mủ cao su…
Các doanh nghiệp cao su đang niêm yết gồm Cao su Ðồng Phú (DPR), Cao su Thống Nhất (TNC), Cao su Hòa Bình (HRC), Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đang lên kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Hải Minh (Tin nhanh chứng khoán)