DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 03/12 đến 07/12/2018, giá cao su thiên nhiên tại sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giá cao su RSS 3 giao tháng 05/2019 là 1.450 USD/tấn, giá cáo su TRS20 giao tháng 05/2019 là 1.270 USD/tấn; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 01/2019 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.234 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.252 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.325 USD/tấn, tăng 25USD/tấn so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/12/2018, tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 1,12 USD, tương đương 2,2%, lên 52,61 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng 1,61 USD, tương đương 2,7%, lên 61,67 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 3%, giá dầu Brent tăng 4,8%.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Giá dầu ngày 7/12 tăng hơn 2% sau khi Arab Saudi cùng các quốc gia khác trong OPEC và Nga nhất trí giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
- OPEC cùng các đồng minh do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+, ngày 7/12 nhất trí giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Quyết định này được tái xem xét vào tháng 4. OPEC sẽ chịu trách nhiệm giảm 800.000 thùng/ngày. Con số trên cao hơn mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày mà thị trường kỳ vọng, bất chấp áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nga cam kết giảm 228.000 thùng/ngày từ mức sản lượng trong tháng 10 là 11,4 triệu thùng và quá trình này diễn ra từ từ, kéo dài vài tháng.
- Các công ty khai thác dầu Mỹ trong tuần giảm 10 giàn khoan, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2016, duy trì 877 giàn khoan. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ có 751 giàn khoan hoạt động.
- Một quan chức Nhà Trắng hôm qua cho biết, Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện các hành động ngay lập tức để giảm thuế nhập khẩu xe hơi của Mỹ và chấm dứt các hành động đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc các chuyển nhượng công nghệ khi hai nước đã tiến tới một thỏa thuận thương mại lớn hơn.
- Đây là động thái tiếp theo của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại 90 ngày kể từ ngày 1/12. Những cuộc trả đũa thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã làm ngừng trệ việc lưu thông hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Thị trường toàn cầu trong ngày thứ hai đầu tuần 3/12 đã tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua khi đón nhận thông tin mới này.
- Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ bày tỏ sự lạc quan xen lẫn hoài nghi về việc Trung Quốc có thực hiện những cam kết của mình. Bởi lẽ, không cam kết nào được thực hiện bằng văn bản và nhiều chi tiết cụ thể vẫn chưa được ngã ngũ. Ông Kudlow nói, các quan chức Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ những bước tiến của Trung Quốc.
- Vụ Mỹ bắt giám đốc công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc tại Canada làm dấy lên lo ngại căng thẳng thương mại giữa hai nước, khiến thị trường chứng khoán tụt dốc, đồng USD suy giảm.
- Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo phiên cuối tuần tăng cao do tâm lý tích cực sau thỏa thuận "ngừng chiến" giữa Trung Quốc và Mỹ cuối tuần qua. Tuy nhiên, giá vẫn chịu áp lực bởi các điểm cơ bản thị trường yếu. Các nhà sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan, Malaysia và Indonesia sẽ họp vào ngày 16/12 để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ giá, kiềm chế xuất khẩu.
- Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 11/2018 đạt 180 nghìn tấn, trị giá 226 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với tháng 10/2018, tăng 23,8% về lượng và tăng 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2017 xuống còn 1.250 USD/tấn. Lũy kế 11 tháng năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,39 triệu tấn, trị giá 1,88 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng, nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2017, xuống còn 1.354 USD/tấn.
- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2018, xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp chiếm 56,6% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu, đạt 103,17 nghìn tấn, trị giá 135,71 triệu USD, tăng 35,1% về lượng và tăng 36% về trị giá so với tháng 9/2018, tăng 62,4% về lượng và tăng 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
- Về giá xuất khẩu các mặt hàng cao su trong tháng 10 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cao su SVR 20 có giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nhất, giảm 22,1%; cao su hỗn hợp giảm 21,1%; cao su SVR 10 giảm 19%; SVR 3L giảm 17,4%; Latex giảm 19,5%…
- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 215 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 205 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 225 Đ/độ TSC, không đổi so với tuần trước.
- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 113,30 Yên ngày 07/12/2018, giảm 0,1% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 03/12 – 07/12/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 311.550 tấn, tăng 23.430 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 385.624 tấn, tăng 10.135 tấn.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
Trong tuần qua, giá cao su thiên nhiên tại một số sàn giao dịch chủ chốt đã tăng nhẹ so với tuần trước. Tại sàn TOCOM, giá cao su RSS 3 hợp đồng tương lai nhìn chung có chiều hướng đi lên nhờ sự hỗ trợ từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc tạm lắng dịu và nguồn tin các nước sản xuất cao su hàng đầu bao gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia sẽ họp vào ngày 16/12/2018 để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ giá, bao gồm cả khả năng hạn chế xuất khẩu. Dù vậy, diễn biến của thị trường không quá tích cực khi nhu cầu cao su vẫn đang gặp trở ngại do tiêu thụ từ Trung Quốc chậm lại, trong khi tồn kho tại các nhà máy lốp xe của nước này tương đối cao. Trên thị trường dầu thô, dù mới đây OPEC và Nga đã nhất trí giảm sản lượng nhưng cũng không giúp giá dầu bù đắp mức giảm hồi giữa tuần.
Buôn Ma Thuột, ngày 07 tháng 12 năm 2018
PHÒNG KD.XNK