HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGBẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- THÁNG 08/2018 Tuần 35 (Từ ngày 27/08 – 31/08/2018)

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- THÁNG 08/2018 Tuần 35 (Từ ngày 27/08 – 31/08/2018)

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:

- Trong tuần từ ngày 27/08 đến 31/08/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước. Kết thúc phiên ngày 31/08, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 01/2019 là 1.550 USD/tấn, giảm 1.7% so với cuối tuần trước; giá cao su RSS 3 trên sàn Shanghai giao tháng 03/2019 là 1848 USD/tấn; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 09/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.320 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.349 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.435 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.

- Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/08/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI  tăng 74 US cent lên 70,25 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng 63 US cent lên 77,77 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng.

TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN

- Xuất khẩu dầu thô Iran chắc chắn sẽ giảm xuống chỉ hơn 2 triệu thùng/ngày, so với mức cao điểm 3,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 4/2018, vì các nhà nhập khẩu từ chối mua do sức ép từ Mỹ. Sản lượng của Venezuela tiếp tục giảm, Angola cũng đang rất khó khăn mới duy trì được sản lượng, trong khi một số khu vực sản xuất của Libya cũng gặp vấn đề.

- Mặc dù có nhiều nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ một số nước OPEC, ngân hàng Merrill Lynch vẫn nhận định cung dầu toàn cầu có thể tăng vào cuối năm nay, một phần do sản lượng của những nước ngoài OPEC như Canada, Mỹ và Brazil sẽ tăng lên. Hãng Equinor của Nauy vừa cho biết sẽ phát triển những giếng dầu mới ở Brazil để tăng sản lượng từ 90.000 thùng/ngày lên 300.000 – 500.000 thùng/ngày.

- Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 8/2018 khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 163 nghìn tấn với giá trị đạt 207 triệu USD. Với ước tính này, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2018 của nước ta đạt 870 nghìn tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng nhưng giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

- Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,3%; 5,7% và 3,9%. Các thị trường tăng mạnh về lượng và giá trị xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm là Ấn Độ tăng 46,4% về lượng và 28,9% về giá trị; và Indonesia tăng 41 % về lượng và 17,8% về giá trị.

- Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 8/2018 ước đạt 49 nghìn tấn với giá trị đạt 92 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2018 đạt 383 nghìn tấn với giá trị 702 triệu USD, tăng 11,6% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Năm thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 7 tháng đầu năm 2018 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Campuchia chiếm 61,5% thị phần. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị cao su ở một số thị trường nhập khẩu chính giảm. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất là Nga (-43%), Trung Quốc (-29,2%) và Nhật Bản (-12,4%). Ngược lại, một số thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh là Malaixia (+38,1%) và Hoa Kỳ (+15,1%).

- Mặc dù được hậu thuẫn bởi yếu tố tồn kho cao su Trung Quốc giảm 3,26% so với cuối tháng 7, tuy nhiên giá xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thấp, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc. Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8/2018 ước đạt 1.269 USD/tấn giảm 5,7% so với tháng 7/2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.427 USD/tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2017.

- Đến giữa tháng 8, giá mủ cao su trong nước cũng có cùng diễn biến giảm. Giá thu mua mủ cao su nước tại Đồng Nai giảm 500 đồng/kg xuống còn 12.500 đồng/kg so với tháng 7. Tại Bình Phước, giá cao su mủ nước giảm nhẹ 5 đồng/độ xuống còn 230 đồng/độ.

- Việc Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu cao su để đảm bảo nguồn cung nội địa trong thời gian tới có thể hỗ trợ cho giá cao su và thúc đẩy xuất khẩu cao su tự nhiên của các nhà xuất khẩu lớn.

- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 30/8/2018 ở mức 496 USD/tấn ( 11.537đ/kg). Tính trung bình, giá mủ chén giảm 1% so với tuần trước. Giá mủ nước 1048 USD/tấn ( 24.381 đ/kg), giảm 0,2% so với tuần trước.

- Đồng USD mạnh lên nhờ những số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ. So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 111,01 Yên ngày 31/08/2018.

- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 20/8 – 24/8/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 498.280 tấn, tăng 300 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 547.047 tấn, tăng 172 tấn.

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:

- Nhiều năm qua, thị trường cao su luôn ở tình trạng cung vượt cầu, khiến giá cao su luôn ở mức thấp. Thông thường, giá cao su thiên nhiên có xu hướng đi theo giá dầu, tức là giá dầu xuống giá cao su cũng xuống và ngược lại. Nhưng hiện nay, tình hình đang đi ngược lại với quy luật trên khi giá dầu đã lên nhưng giá cao su vẫn giảm. Một số chuyên gia dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa nên các DN sẽ phải đối mặt với việc giá cao su thấp kéo dài.

Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/http://cafef.vn ...

Buôn Ma Thuột, ngày 27  tháng 08 năm 2018

PHÒNG KD.XNK