HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGBẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- THÁNG 08/2018 Tuần 33 (Từ ngày 13/08 – 17/08/2018)

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- THÁNG 08/2018 Tuần 33 (Từ ngày 13/08 – 17/08/2018)

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:

- Trong tuần từ ngày 13/08 đến 17/08/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước. Kết thúc phiên ngày 16/08, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 01/2019 là là 1.516 USD/tấn, giảm 2.4% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 09/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.451 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.340 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.395 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với cuối tuần trước.

- Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/08/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI  tăng 45 cent lên 65,46 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng 67 cent lên mức 71,43 USD/thùng.

TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN

- Cuộc khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng nguy cơ lây lan trên khắp các nền kinh tế mới nổi, kéo sụt giảm giá trị đồng Rand Nam Phi, đồng Peso Argentina và Mexico và đồng Rúp Nga, đồng thời gây giảm giá cổ phiếu thị trường mới nổi và kiềm chế tăng trưởng và triển vọng nhu cầu dầu. Thị trường lo ngại cuộc chiến thương mại căng thẳng Mỹ-Trung và EU sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới do Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt nhiều biện pháp thuế quan. Trong báo cáo mới nhất, OPEC dự kiến thế giới sẽ cần 32,05 triệu thùng dầu thô từ 15 thành viên trong năm 2019, giảm 130.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước đó.

- OPEC cho biết hôm đầu tuần rằng Saudi Arabia đã cắt giảm sản xuất. Xuất khẩu từ Iran có nguy cơ giảm khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, OPEC dự kiến nguồn cung dầu của các nước ngoài khối sẽ tăng 2,13 triệu thùng/ngày trong năm tới, tăng 30.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước, nhờ sản lượng đá phiến mới của Mỹ.

- Mưa lớn tại Kerala, bang sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ và cũng là một điểm du lịch lớn, đã khiến hơn 30.000 người mất nhà cửa, phá hủy mùa màng và làm gián đoạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường không trong bang này 1 tuần qua. Sản lượng cao su tự nhiên tại Ấn Độ, nước sản xuất cao su lớn thứ 6 thế giới, có thể giảm 13,5% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019 so với năm tài khóa trước, xuống còn 600.000 tấn, theo ông N. Radhakrishnan, một thương nhân kiêm nguyên chủ tịch Hiệp hội thương nhân cao su Cochin. “Trong tháng 7/2018, sản lượng cao su tự nhiên giảm do mưa và tình hình tháng 8/2018 còn tồi tệ hơn, nông dân không thể thu hoạch mủ cao su”, theo Rajiv Budhraja, giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe hơi Ấn Độ cho hay.

- Các nhà chức trách Ấn Độ đều cho rằng sản xuất cao su nội địa sẽ không sớm hồi phục, và các nhà sản xuất lốp xe như MRF, JK Tyre, Apollo Tyres và Ceat sẽ phải tăng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cao su. Tình hình này có thể đẩy nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ lên mức cao kỷ lục 500.000 tấn do nhu cầu cao của các nhà sản xuất lốp xe. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ tăng có thể hỗ trợ giá cao su trên thị trường thế giới và thúc dẩy xuất khẩu cao su tự nhiên của các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

- Theo các báo cáo mới từ Thái Lan, chính phủ quốc gia này đang trả tiền cho những người nông dân để ngừng trồng cao su trong nỗ lực nhằm tăng giá nông sản này. Cụ thể, Bangkok Post báo cáo hôm 18/7 rằng Bộ Nông Nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan sẽ cố gắng giảm khoảng 80.000 ha/năm diện tích trồng cao su tự nhiên của quốc gia này trong vòng 5 năm tới.

- Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 8, theo báo cáo. Kế hoạch sẽ tập trung vào vùng đất được coi là không quá quan trọng đối với việc trồng cây cao su, như vùng đất thấp và đất trang trại thích hợp cho việc trồng lúa và những cây trồng khác.

- Giá xuất khẩu cao su trung bình của Việt Nam biến động theo giá cao su thế giới, vốn đang chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, theo Cục Chế biến nông sản và Phát triển thị trường thuộc Bộ NNPTNT nhận định. Tháng 7/2018, giá cao su tự nhiên xuất khẩu giảm 5,9% so với tháng 6, xuống còn 1.347 USD/tấn. Trong nửa đầu năm 2018, giá xuất khẩu cao su trung bình đạt 1.453 USD/tấn, giảm mạnh 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.

- Giá cao su kỳ hạn giao sau tại Tokyo chạm mức thấp nhất 22 tháng do giá kỳ hạn giảm tại Thượng Hải, xu hướng thị trường vẫn yếu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Mặc dù Trung Quốc đã cử một phái đoàn đến Mỹ để giải quyết tranh chấp thương mại, các thị trường vẫn dễ bị tổn thương khi có dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.

- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 230 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 220 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 231 Đ/độ TSC, không đổi so với tuần trước.

- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 17/8/2018 ở mức 496 USD/tấn ( 11.524đ/kg). Tính trung bình, giá mủ chén tăng 1,3% so với tuần trước. Giá mủ nước 1046 USD/tấn ( 24.334 đ/kg), giảm 2% so với tuần trước.

- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 110,80 Yên ngày 16/08/2018, giảm 0,2% so với cuối tuần trước.

- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 13/8 – 17/8/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 497.980 tấn, tăng 6.010 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 546.875 tấn, tăng 4.102 tấn.

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:

- Trong tuần qua, giá cao su thiên nhiên tại nhiều thị trường chủ chốt đã đồng loạt giảm xuống so với đợt tăng nhẹ vào tuần trước.

- Tại sàn TOCOM, giá RSS 3 hợp đồng tương lai giảm trong hầu hết các phiên giao dịch chủ yếu ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính thế giới khi lo ngại về cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng tới các thị trường khác, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

- Trong khi đó, giá dầu thô cũng liên tục giảm vào giữa tuần do áp lực từ việc USD tăng giá do các nhà đầu tư đổ xô mua USD để đối phó với khủng hoảng. Dù bất ổn kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ tác động lên nền kinh tế thế giới được nhận định không lớn, tuy nhiên yếu tố tâm lý vẫn gây ảnh hưởng lên đồng tiền của các thị trường mới nổi và các tài sản rủi ro trong ngắn hạn. Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro từ căng thẳng thương mại và biến động tài chính trên thế giới, các nhà đầu tư sẽ ở trạng thái chờ đợi và theo dõi những diễn biến tiếp theo trên thị trường nên khả năng giá cao su thiên nhiên chỉ duy trì ở mức hiện tại.

Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/http://cafef.vn ...

 Buôn Ma Thuột, ngày 20  tháng 08 năm 2018

             PHÒNG KD.XNK