HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGBẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- THÁNG 08/2018 Tuần 31 (Từ ngày 30/07 – 03/08/2018)

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- THÁNG 08/2018 Tuần 31 (Từ ngày 30/07 – 03/08/2018)

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:

- Trong tuần từ ngày 30/07 đến 03/08/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước do tồn trữ lớn, nhu cầu yếu và giá dầu thô giảm. Kết thúc phiên ngày 03/08, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 01/2019 là là 1.507 USD/tấn, giảm 0.6% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 09/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.314 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.317 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.365 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.

- Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/08/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI kỳ hạn tăng 1,3 USD tương đương 1,9% lên 68,96 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng 1,06 USD tương đương 1,5% lên 73,45 USD/thùng.

TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN

- Giá dầu biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi các nhà giao dịch kỳ vọng rằng nguồn cung dầu gia tăng từ một số quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, bao gồm Saudi Arabia và Nga, sẽ khiến giá dầu "hạ nhiệt" sau chuỗi mấy tháng tăng mạnh từ đầu năm. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng dầu của nước này tiếp tục tăng mạnh cũng gây sức ép giảm giá.

- Ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước, đạt mức 409 triệu thùng. Mức tăng này đồng nghĩa với việc tồn kho dầu thô của Mỹ chỉ còn thấp hơn 1% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này hàng năm, từ chỗ thấp hơn 5% so với trung bình 5 năm ở thời điểm cách đây 1 tháng.

- Thị trường dầu thô đang trong giai đoạn chịu tác động từ các thông tin nhiều chiều. Lo ngại về khả năng mất đi nguồn cung từ Iran được bù lại bởi lo ngại rằng căng thẳng thương mại trên toàn cầu sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu năng lượng. "Gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ áp thuế bổ sung lên dầu thô và các sản phẩm dầu nhập khẩu từ Mỹ nếu chính quyền của ông Trump tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó sẽ làm giảm sức cạnh tranh của dầu và các sản phẩm dầu Mỹ tại thị trường Trung Quốc," nhà phân tích năng lượng cấp cao của Interfax Energy, Abhishek Kumar, cho biết.

- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 230 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 220 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 228 Đ/độ TSC, không đổi so với tuần trước.

- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 03/8/2018 ở mức 474 USD/tấn ( 11.015đ/kg). Tính trung bình, giá mủ chén giảm 0,9% so với tuần trước. Giá mủ nước 1037 USD/tấn ( 24.121 đ/kg), giảm 1,3% so với tuần trước.

- Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 7/2018, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 131 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD. Với ước tính này, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2018 đạt 696 nghìn tấn và 997 triệu USD, tăng 9,9% về khối lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

- Trung Quốc, Ấn Độ, và Đức là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,4%, 5,8% và 3,4%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cao su trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là Ấn Độ (35,7%) và Indonesia (10,8%).

- Ở chiều ngược lại, trong tháng 7/2018 Việt Nam nhập khẩu 42 nghìn tấn cao su với giá trị đạt 79 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2018 đạt 332 nghìn tấn với giá trị 608 triệu USD, tăng 14,6% về khối lượng nhưng giảm 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

- Trên thị trường thế giới, tháng 7/2018, giá cao su trên thị trường thế giới giảm do tồn kho tại các nước tiêu thụ chính ở mức cao; lo ngại căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc và đồng Yên mạnh lên do triển vọng điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, gây áp lực cho giá cao su.

- Campuchia sẽ không cắt giảm sản xuất cao su tự nhiên như các nước sản xuất lớn hiện đang làm để thúc đẩy giá cao su, theo ông Pol Sopha, lãnh đạo cơ quan quản lý ngành cao su Bộ Nông nghiệp Campuchia cho hay. “Chúng tôi là một nhà cung cấp nhỏ trên thị trường toàn cầu và bất chấp giá giảm, chúng tôi sẽ không cắt giảm sản xuất hoặc giảm diện tích trồng cao su”. Bình luận này đưa ra sau khi Thái Lan, một trong những nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, tuyên bố kế hoạch cắt giảm sản xuất để thúc đẩy giá cao su nội địa.

- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 111,67 Yên ngày 03/08/2018, giảm 0,5% so với cuối tuần trước.

- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 30/7 – 03/8/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 488.060 tấn, tăng 5.420 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 537.249 tấn, tăng 10.260 tấn.

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:

- Giá cao su xuất khẩu bình quân Việt Nam có xu hướng giảm cùng chiều với giá cao su thế giới. Trong tháng 7, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.347 USD/tấn, giảm 5,9% so với tháng 6. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.453 USD/tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.

- Thị trường cao su trong nước vẫn ảm đạm trong bối cảnh dự trữ cao su thiên nhiên ở các nước tiêu thụ hàng đầu kèm theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dự báo thời gian tới, giá cao su trong nước vẫn chưa thể khởi sắc.

Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/,  http://cafef.vn ...

Buôn Ma Thuột, ngày 06  tháng 08 năm 2018

            PHÒNG KD.XNK