DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 23/07 đến 27/07/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước. Kết thúc phiên ngày 27/07, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 12/2018 là là 1.516 USD/tấn, giảm 0.3% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 08/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.325 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.321 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.365 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/07/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI kỳ hạn tăng 31 US cent hay 0,5% lên 69,61 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent kỳ hạn tăng 61 US cent hay 0,8% chốt phiên tại 74,54 USD/thùng.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Theo Viện Dầu mỏ Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,2 triệu thùng. Việc giảm nhiều hơn dự kiến khiến giá tăng sau phiên giao dịch, dầu thô WTI ở mức 68,73 USD/thùng. Theo thăm dò của Reuters dự trữ dầu thô dự báo giảm 2,3 triệu thùng trong tuần trước. Tồn trữ tại Cushing dự kiến giảm tuần thứ 10 liên tiếp.
- Những cam kết tăng sản lượng từ Nga và Saudi Arabia cùng với việc bớt gián đoạn nguồn cung tại Libya và nhu cầu giảm của các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu tiếp tục gây sức ép lên giá.
- Thị trường lo sợ rằng nguồn cung có thể bị gián đoạn bởi cuộc đối đầu tại Trung Đông hay tranh chấp thương mại giữa Washington với các đối tác thương mại chủ chốt có thể giảm nhịp độ tăng trưởng toàn cầu. Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC bơm 3,75 triệu thùng/ngày đã chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy các nước cắt giảm toàn bộ nhập khẩu dầu thô của Iran bắt đầu trong tháng 11/2018.
- Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá cao su trong nước hiện vẫn ở mức thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay mùa khai thác mủ cao su năm nay bắt đầu từ khoảng tháng 5 nhưng giá cả của loại nông sản này rớt liên tục, gây lo lắng cho nhiều hộ nông dân.
- Bắt đàu từ tháng 08/2018, Chính phủ Thái Lan chỉ đạo Bộ Nông nghiệp nước này giảm diện tích cao su thêm 32.000 ha trong vòng 5 năm tới nhằm nâng giá cao su nội địa.
- Thời gian qua, các nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm khuyến khích nông dân trồng cao su chuyển sang các cây trồng khác đã giúp diện tích cao su của nước này giảm 64.000 ha. Hiện diện tích trồng cao su của Thái Lan khoảng 2,88 – 3,2 triệu ha.
- Tuy nhiên, việc các nước liên tục dựng lên hàng rào thuế quan đang là trở ngại lớn đối với thương mại hàng hóa thế giới, trong đó có cao su. Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng tạm thời các biện pháp chống bán phá giá đối với cao su nitrile từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Mức thuế sẽ tăng từ 12% lên 37,3% đối với cao su nitrile nhập khẩu từ Hàn Quốc; và mức thuế tăng từ 18,1% lên 56,4% đối với cao su nitrile nhập khẩu từ Nhật Bản.
- Động thái này của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, có thể khiến tồn kho tại Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục lên cao, tạo áp lực lớn hơn lên giá cả thị trường.
- Trong tuần, giá thu mua mủ nước vườn cây tại Bình Dương ở mức 230 Đ/độ TSC; tại Bình Phước: 220 Đ/độ TSC, tại Tây Ninh: 228 Đ/độ TSC.
- Giá thu mua mủ chén tỉ lệ 50% DRC tại thị trường Malaysia ngày 27/7/2018 ở mức 481 USD/tấn ( 11.125đ/kg); giá mủ nước 1057,5 USD/tấn ( 24.486 đ/kg).
- Tuần qua, giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng do lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.
- Lũ lụt ở Lào cũng làm tăng lo ngại về sản lượng cao su ở các khu vực dọc theo sông Mekong, gồm cả huyện sản xuất chính của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
- Đồng USD giảm nhẹ so với đồng yên của Nhật Bản do dự đoán ngân hàng trung ương Nhật có thể giảm quy mô kích thích tiền tệ tích cực. Đồng yên tăng giá khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này kém thu hút khi mua bằng đồng tiền khác. So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 111,03 Yên ngày 27/07/2018, giảm 1,2% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 23/7 – 27/7/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 482.640 tấn, tăng 1.630 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 526.989 tấn, tăng 1.950 tấn.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
- Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết các yếu tố cơ bản có sự cải thiện cũng không thể đẩy giá cao su thoát khỏi xu hướng giảm. Theo tổ chức này, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 7 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung cùng kỳ tăng 4,5% lên 6,2 triệu tấn (tức là thiếu hụt 746.000 tấn).
- Thị trường cao su 6 tháng đầu năm chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài như sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu thô và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
- Cũng theo ANRPC, giá cao su tại Sàn tương Lai Thượng Hải thời gian qua liên tục giảm một phần do đồng nhân dân tệ đi xuống kể từ tháng 4 trong khi tồn kho cao su vẫn ở mức cao. Do đó trong ngắn hạn, giá cao su dự báo vẫn duy trì xung quanh mức hiện nay nếu không có dự hỗ trợ lớn nào từ các yếu tố liên quan khác.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 30 tháng 07 năm 2018
PHÒNG KD.XNK