DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 16/07 đến 20/07/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE giảm so với cuối tuần trước do giá giảm trên thị trường cao su Thượng Hải và các kho dự trữ cao, nhu cầu tiêu thụ ổn định. Kết thúc phiên ngày 20/07, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 12/2018 là là 1.520 USD/tấn, giảm 1% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 08/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.322 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.339 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.395 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/07/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 70 cent, tương đương 1%, đạt 69,46 USD. Trong khi đó, giá dầu thô chốt phiên giảm 32 cent, xuống mức 72,58 USD/thùng.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Giá dầu Brent đã giảm khoảng 8% so với mức cao tuần trước trên 79 USD nhờ sản lượng cao hơn từ Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC như Nga và Mỹ. Ngày 18/7, Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 11 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Mỹ đã bổ sung gần 1 triệu thùng/ngày vào sản xuất kể từ tháng 11/2017, nhờ sự gia tăng nhanh chóng của khoan đá phiến. Dự trữ dầu thô tăng nhảy vọt tại Mỹ cũng góp phần làm cho thị trường giảm điểm. Dự trữ đầu thô tăng 5,8 triệu thùng trong tuần trước, so với dự báo giảm 3,6 triệu thùng.
- Thống đốc OPEC Adeeb Al-Aama cho rằng xuất khẩu dầu thô của Saudi Aribia sẽ giảm khoảng 100.000 thùng/ngày trong tháng 8 do hạn chế sản lượng dư thừa.
- Đại diện Thương mại Mỹ – Robert Lighthizer vừa thông báo nước này đã quyết định áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, sau các nỗ lực đàm phán bất thành nhằm tìm ra giải pháp cho tranh chấp hiện tại. Trong danh sách đề xuất có một số hàng hóa thuộc các lĩnh vực trọng tâm trong Made in China 2025 – kế hoạch chiến lược giúp biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu, nổi bật là công nghệ.
- Đề xuất thuế này sẽ chưa có hiệu lực ngay, mà chờ người dân đóng góp ý kiến trong 2 tháng. Sau đó, giới chức mới hoàn tất danh sách hàng hóa bị áp thuế. Đây là động thái leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuối tuần trước, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đợt thuế tới với 16 tỷ USD hàng hóa nữa có thể có hiệu lực sau vài tuần. Tổng thống Mỹ – Donald Trump trước đó còn đe dọa áp thuế lên số hàng tổng cộng hơn 500 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa.
- Vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế, Trung Quốc cũng tung biện pháp trả đũa với giá trị tương đương. Nước này cáo buộc Mỹ “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử”.
- Sàn Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) dự kiến sẽ triển khai hợp đồng tương lai đối với cao su định chuẩn kỹ thuật (TSR) vào ngày 09/10/2018 sau khi được Chính phủ phê duyệt. TOCOM hiện chỉ đang giao dịch hợp đồng tương lai cao su tờ xông khói RSS 3.
- TSR và RSS 3 đều được sử dụng để sản xuất lốp ô tô, tuy nhiên sản lượng và tiêu thụ
của TSR đã vượt RSS trong những năm gần đây. Vào tháng 10/2017, TOCOM cho biết chủng loại TSR chiếm khoảng 80% tổng nhập khẩu cao su thiên nhiên của Nhật Bản, tăng so với mức 40% trong 10 năm trước, và hợp đồng giao dịch TSR sẽ mang lại sự linh hoạt hơn cho những người tham gia vào thị trường.
- Một phát ngôn viên của TOCOM cho biết dự kiến sẽ nhận được sự chấp thuận cuối cùng của Chính phủ vào đầu tháng 10, ngay trước khi kế hoạch được triển khai.
- Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) cũng có kế hoạch triển khai hợp đồng tương lai đối với cao su TSR sau khi được Ủy ban Điều hành chứng khoán Trung Quốc phê duyệt vào tháng trước.
- Hôm 15/7, Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cao su của quốc gia này đã tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Các nhà sản xuất trong nước đã xuất khẩu 84.419 tấn cao su trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 14.376 tấn so với một năm trước đó, theo ông Pol Sopha, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý cao su thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia. Tổng diện tích trồng cao su cũng tăng, đạt 436.299 ha.
- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 112,37 Yên ngày 20/07/2018, giảm 0,3% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 16/7 – 20/7/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 481.010 tấn, tăng 6.000 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 525.039 tấn, tăng 5.107 tấn.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
- Giá cao su thiên nhiên tại các thị trường trọng điểm có chiều hướng giảm nhẹ trong tuần
qua do các yếu tố tác động trái chiều xen lẫn. Tại sàn TOCOM, giá cao su RSS 3 hợp đồng tương lai dù có phiên đầu tuần tăng nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm trở lại theo chiều hướng giá giảm trên thị trường cao su Thượng Hải và các kho dự trữ cao cũng như nhu cầu tiêu thụ ổn định, cùng với tác động từ giá dầu thô do căng thẳng thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc làm ảnh hưởng lực cầu. Việc Hoa Kỳ tuyên bố dự kiến đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong những tháng sắp tới đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
- Sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc trên kéo theo lo ngại về sự tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu tiêu thụ ô tô cũng giảm đi, do đó sẽ tác động bất lợi lên thị trường cao su trong thời gian tới.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 23 tháng 07 năm 2018
PHÒNG KD.XNK