DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
- Trong tuần từ ngày 09/07 đến 13/07/2018, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE tăng nhẹ so với cuối tuần trước do yen giảm giá so với USD, nhưng đà tăng bị kìm hãm bởi lo ngại dư thừa nguồn cung và tồn trữ tăng tại các thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc. Kết thúc phiên ngày 13/07, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 12/2018 là là 1.530 USD/tấn, giảm 0,9% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 08/2018 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.332 USD/tấn; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.311 USD/tấn; giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.415 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/07/2018,tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 68 US cent lên 71,01 USD/thùng, tính chung cả tuần mất 3,9%. Trong khi đó, dầu thô Brent tăng 88 US cent (1,18%) lên 75,33 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 2,7%.
TIN TỨC LIÊN QUAN ĐẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG TUẦN
- Bức tranh toàn cảnh thị trường dầu trong tuần qua là giảm giá sau khi Libya mở cửa trở lại 4 cảng dầu lớn ở bờ Đông, và khả năng Iran có thể vẫn xuất khẩu một số dầu thô sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ cân nhắc việc miễn trừ một số nước khỏi danh sách cấm nhập khẩu dầu của Iran. Lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng cản trở các nhà đầu tư mua vào.
- Về nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định Nga và các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác có thể tiếp tục đẩy mạnh sản lượng dầu nếu nguồn cung bị thiếu hụt. OPEC và các nhà sản xuất chính khác, trong đó Nga, vào tháng 6 đã quyết định nới lỏng thỏa thuật cắt giảm nguồn cung để thị trường bớt căng thẳng vì thiếu cung.
- Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc tháng 6 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, do lợi nhuận giảm sút và giá dầu biến động khiến một số nhà lọc dầu độc lập giảm quy mô mua vào. Số giếng khoan của Mỹ tuần này vẫn vững ở 863.
- Báo cáo từ cơ quan thống kê Malaysia công bố hôm 12/7 cho biết, sản lượng cao su tự nhiên của quốc gia này trong tháng 5 tăng 0,2%, đồng thời xuất khẩu tăng 7,6% lên 57.263 tấn.
- Cụ thể, trong tháng 5, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia tăng 0,2% so với tháng trước lên 35.789 tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng đã giảm 18,6%.
- Trong khi đó, xuất khẩu cao su tự nhiên tăng 7,6% so với tháng trước lên 57,263 tấn, với Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 53,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Ấn Độ cũng chạm mức cao kỷ lục 469.433 tấn trong năm tài khóa 2017-18, tăng 10,1% so với năm tài khóa 2016-17. Khoảng 70% lượng nhập khẩu thông qua kênh nhập khẩu trả thuế. Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Ấn Độ tăng bất thường do diễn biến giá, tiêu dùng cao su nội địa tăng và sản xuất cao su nội địa thấp hơn dự báo.
- Trước tình hình này, ngành cao su Ấn Độ đang kêu gọi chính phủ áp giá nhập khẩu tối thiểu. Đồng thời kêu gọi sử dụng thuế nhập khẩu thu được để hỗ trợ trồng cao su, thông qua mở rộng cơ chế hỗ trợ giá và tái canh. Hiện 40% tiêu dùng cao su thiên nhiên Ấn Độ đến từ nguồn nhập khẩu và tình trạng này sẽ gây tác động tiêu cực cho lợi ích của người trồng cao su.
- So với đồng Yên, đồng USD giao dịch ở mức 112,64 Yên ngày 13/07/2018, tăng 1,7% so với cuối tuần trước.
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 09/7 – 13/7/2018, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 467.800 tấn, tăng 10.270 tấn so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 511.280 tấn, tăng 6.211 tấn.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
- Giá cao su thiên nhiên tại các thị trường trọng điểm có chiều hướng giảm nhẹ trong tuần qua do các yếu tố tác động trái chiều xen lẫn. Tại sàn TOCOM, giá cao su RSS 3 hợp đồng tương lai tăng trong phiên đầu tuần nhờ sự đi lên của thị trường chứng khoán Tokyo và số liệu việc làm tích cực từ nền kinh tế Hoa Kỳ, bù đắp lo ngại về mâu thuẫn thương mại giữa Hoa Kỳ với các nước khác sẽ làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên sau đó giá cao su tại TOCOM không duy trì được đà tăng và có phần giảm nhẹ do các nhà đầu tư nhận định nhu cầu lốp xe có thể giảm đi trước khả năng Hoa Kỳ đánh thuế lên ô tô nhập khẩu. Giá dầu thô thế giới giảm do đình công ở Nauy và Iraq làm ảnh hưởng tới nguồn cung.
- Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) mới đây cho biết triển vọng thị trường cao su hiện tại sẽ không rõ ràng khi các yếu tố khác ngoài cung cầu tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến sự biến động của giá cao su như các vấn đề thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự biến động của giá dầu thô và thị trường chứng khoán thế giới; cũng như cần lưu ý đến chính sách lãi suất của Hoa Kỳ hay kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 16 tháng 07 năm 2018
PHÒNG KD.XNK