DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:
-
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2018 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm trong hai phiên đầu tuần theo diễn biến tại Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải, trong bối cảnh không chỉ cao su mà toàn bộ thị trường các sản phẩm công nghiệp đều suy yếu. Nhờ sự hỗ trợ của đồng Yên suy yếu so với USD và giá dầu thô tiếp tục đi lên đã giúp giá cao su tăng trong hai phiên giao dịch cuối tuần, nhưng vẫn chỉ tương đương so với tuần trước.
-
Kết thúc phiên ngày 02/11, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2018 (TOCOM) đạt 1.749 USD/tấn, tăng 34 USD/tấn (+2,0%) so với ngày đầu tuần (30/10) và tăng 2 USD/tấn (+0,1%) so với ngày cuối tuần trước (27/10).
-
Giá dầu cuối tuần (03/11/2017) tăng do dữ liệu cho thấy sản lượng khai thác của Hoa Kỳ bắt đầu thắt chặt khi số lượng giàn khoan nước này giảm xuống gần mức thấp nhất trong 6 tháng. Tại Sàn Giao dịch Hàng hóa New York, giá dầu thô giao trong tháng 12 tăng 1,1 USD lên mức 55,64 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 1,5 USD lên mức 62,12 USD/thùng. Giá dầu tăng khiến nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng thoả thuận cắt giảm sản lượng sẽ được kéo dài qua tháng 3/2018 trong cuộc họp OPEC diễn ra tại Vienna và ngày 30/11 sắp tới.
-
Đồng USD vào ngày 03/11 phục hồi so với các đồng tiền mạnh khác, nhờ số liệu ngành dịch vụ của Hoa Kỳ đạt đỉnh 12 năm. So với đồng Yên Nhật, đồng USD giao dịch ở mức 114,08 Yên và tăng 0,4% trong tuần.
-
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE), tuần từ ngày 30/10 – 03/11/2017, tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ đạt 385.930 tấn, tăng 9.620 tấn (+2,6%) so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 488.364 tấn, tăng 10.196 tấn (+2,1%).
-
Theo Báo cáo hàng tuần về tình hình thị trường cao su Trung Quốc (Chinese Rubber Market Intelligence: CRMI) số 87-409, tồn kho cao su thiên nhiên tại Khu thương mại tự do Thanh Đảo ngày 30/10/2017 đạt 116.400 tấn, giảm 5.700 tấn (-4,67%) so với ngày 15/10; tồn kho cao su hỗn hợp không đổi, đạt 4.000 tấn; cao su tổng hợp đạt 78.600 tấn, tăng 5.800 tấn (+7,97%).
THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM:
-
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 10/2017, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 95 nghìn tấn với giá trị đạt 149 triệu USD. Với ước tính này, khối lượng xuất khẩu cao su 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,05 triệu tấn và 1,77 tỷ USD, tăng 5,7% về khối lượng và tăng 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
-
Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2017 đạt 1.697,9 USD/tấn, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm2016.
-
Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,4%, 5,8% và 4,0%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này lần lượt là: 1,03 tỷ USD, tăng 66%, 93,6 triệu USD, tăng 14,7% và 64,9 triệu USD, giảm -30,8% so với cùng kỳ năm 2016.
-
Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 10/2017 ước đạt 47 nghìn tấn với giá trị đạt 84 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 10 tháng đầu năm 2017 lên 439 nghìn tấn và 887 triệu USD, tăng 28,4% về khối lượng và tăng 68,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
-
Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 9 tháng đầu năm 2017 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan chiếm 55,1% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia (tăng hơn 2,8 lần), tiếp đến là thị trường Nga (tăng hơn 2,1 lần) và thị trường Thái Lan (tăng hơn 2,1 lần). Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2017 mặc dù khối lượng nhập khẩu cao su từ thị trường Malaixia giảm 12,7% nhưng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này lại tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2016.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:
-
Thị trường cao su thiên nhiên hiện vẫn chịu sức ép dư thừa nguồn cung khi dự trữ cao su tại Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE) tiếp tục tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ lo ngại sẽ tăng chậm lại. Các nhà đầu tư cũng đứng ngoài thị trường để chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn tại các sàn tương lai.
-
Cùng với việc tăng trưởng kinh tế đang chững lại trong quý III, lượng xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc trong tháng 9/2017 đã giảm 16,42% so với tháng trước và chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2016 với mức tăng 0,07%; tính chung trong 9 tháng đầu năm lượng xuất khẩu lốp xe Trung Quốc tăng nhẹ 0,76% nên càng làm tăng lo ngại tiêu thụ cao su của nước này suy yếu. Dù vậy, giá cao su có thể tạm thời cải thiện nhẹ trong thời gian tới khi thời tiết ẩm ướt ở một số nước sản xuất như Ấn Độ làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch mủ và mùa cạo Trung Quốc sẽ kết thúc vào tháng 11/2017.
-
Giá dầu cũng đang trong xu hướng đi lên kể từ giữa tháng 10 khi các nước sản xuất dầu lớn là Arập Saudi và Nga lên tiếng tiếp tục ủng hộ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, qua đó làm tăng sức cạnh tranh của cao su thiên nhiên so với cao su tổng hợp. Bên cạnh đó, đồng USD hiện đang mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác, cũng tạo thuận lợi cho các hợp đồng giao dịch cao su tại các thị trường tương lai như TOCOM và SHFE.
Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/, http://cafef.vn ...
Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 11 năm 2017
PHÒNG KD.XNK