HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGBẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- (Từ ngày 17/07 - 21/07/2017)

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAO SU- (Từ ngày 17/07 - 21/07/2017)

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA:

-          Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 12/2017 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) đã tăng liên tục trong các phiên giữa tuần nhờ sự hỗ trợ bởi sức mua mạnh tại thị trường Thượng Hải, các nhà đầu tư tại TOCOM cũng tập trung vào cao su khi xem xét việc thiếu thanh khoản của các hàng hóa khác; tuy nhiên hoạt động giao dịch cao su liên quan đến việc điều chỉnh kỹ thuật hơn là sự thiếu hụt nguồn cung. Kết thúc tuần (21/7), giá cao su RSS 3 giao tháng 11/2017 (TOCOM) giảm nhẹ do hoạt động chốt lời, đạt 1.920 USD/tấn, tăng 126 USD/tấn (+7,0%) so với ngày đầu tuần (18/7) và tăng 139 USD/tấn (+7,8%) so với ngày cuối tuần trước (14/7).

-          Reuters đưa tin Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 17/7/2017 công bố các số liệu kinh tế cho thấy GDP của nước này trong quý II/2017 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này tương đương với mức tăng trong quý I/2017 nhưng vượt mức dự báo 6,8% của các chuyên gia nhờ sản lượng công nghiệp và đầu tư duy trì đà tăng trưởng vững mạnh. Xét tốc độ tăng trưởng theo quý, GDP của Trung Quốc trong quý này tăng 1,7% so với mức tăng trưởng 1,3% của quý trước.

-          Bộ trưởng Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia Datuk Seri Mah Siew Keong cho biết Malaysia cùng với Thái Lan và Indonesia sẽ tổ chức cuộc họp khẩn vào ngày 15/9 tới đây ở Bangkok để thảo luận về các giải pháp bình ổn giá cao su. Ông cho biết thêm Malaysia có thể tăng lượng cắt giảm xuất khẩu cao su từ 10% hiện tại lên 15%; đồng thời trong cuộc họp sắp tới ba nước sẽ hoàn tất chi tiết về việc thực hiện các dự án đường cao su ở từng nước.

-          Ông Erwin Tunas, đại diện Hiệp hội Cao su Indonesia cho biết xuất khẩu cao su thiên nhiên của nước này dự kiến sẽ đạt 2,7 triệu tấn năm 2017, so với 2,63 triệu tấn năm 2016. Trong khi đó, sản lượng cao su năm 2017 của Indonesia sẽ đạt 3,23 triệu tấn, so với 3,16 triệu tấn năm 2016.

-          Đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm so với đồng Euro, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nói rằng các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ bàn về vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ. So với đồng Yên Nhật, tỷ giá đồng USD phiên ngày 20/7 tại Hoa Kỳ có lúc giảm còn 1 USD đổi 111,48 Yên. Tuần này, đồng USD đã mất giá 0,5% so với đồng Yên

THỊ TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG:

-       Trong phiên giao dịch ngày 20/7, giá dầu thế giới đi xuống, trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình trạng dư dôi nguồn cung toàn cầu.

-       Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2017 giảm 0,33 USD, xuống 46,79 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2017 cũng giảm 0,4 USD, xuống 49,30 USD/thùng tại London.

-       Các nhà đầu tư nhận định giá dầu mỏ thế giới có thể sẽ giữ ở gần mức như hiện nay cho đến cuộc họp đầu tuần tới của các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại St. Petersburg, Nga. Thị trường đang theo dõi thông tin về việc Saudi Arabia, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đang cân nhắc phương án cắt giảm thêm nguồn cung dầu. 

-       Trước đó, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/7. Hiện dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức khoảng 490 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 401 triệu thùng trong 5 năm qua. Ngoài ra, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ tăng khoảng 12% kể từ giữa năm 2016, lên mức 9,4 triệu thùng/ngày.

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN:

-          Lực mua vào tăng lên đối với hợp đồng cao su kỳ hạn tại Thượng Hải trong bối cảnh Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế cho thấy GDP của nước này tăng trưởng vượt mức dự báo trong quý II/2017 đã tạo động lực giúp thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục có những diễn biến tích cực trong tuần qua.

-          Vào giữa tuần, giá cao su cũng nhận được hỗ trợ khi Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) hôm 19/7 cho thấy tồn kho dầu thô của nước này đã giảm trong tuần thứ ba liên tiếp và Ả-rập Saudi cân nhắc việc tăng cường hạn chế xuất khẩu đã đẩy giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 tuần là 47,3 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay sau đó giá dầu đã nhanh chóng giảm trở lại xuống quanh mốc 46 USD/thùng trong hai ngày cuối tuần do hoạt động khai thác dầu thô của Hoa Kỳ tăng khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ không đủ sức ngăn tình trạng thừa cung. Với việc sản lượng của Hoa Kỳ và OPEC đều được dự báo tăng lên, khả năng về đợt phục hồi mạnh của giá dầu về sát mức 50 USD/thùng sẽ khó xảy ra trong ngắn hạn nếu không có những động thái mới từ các nước. 

-          Đối với tỷ giá hối đoái, số liệu lạm phát thấp hơn so với mục tiêu đề ra đã làm giảm khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tháng 12/2017. Ngoài triển vọng lãi suất, đồng USD còn đang chịu áp lực giảm giá từ những khó khăn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đối mặt, nên còn quá sớm để đồng USD có thể tăng giá mạnh trở lại.

-          Trong ngắn hạn, tình hình cung cầu cao su thiên nhiên thuận lợi theo số liệu từ ANRPC, kết hợp với sự tăng trưởng ổn định của nước tiêu thụ cao su lớn nhất là Trung Quốc và nỗ lực đưa ra các biện pháp bình ổn giá của ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia trong thời gian tới sẽ là những động lực hỗ trợ tích cực cho thị trường cao su thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý đến diễn biến của các yếu tố khác như giá dầu, tiền tệ…

 

Báo cáo này có sử dụng tin tức từ các nguồn: http://www.vra.com.vn/, http://www.tocom.or.jp/, http://www3.lgm.gov.my/, http://www.sgx.com/; http://vneconomy.vn/,  http://cafef.vn ...

 

Buôn Ma Thuột, ngày 24 tháng 07 năm 2017

                                                                                                                                                                             PHÒNG KD.XNK