THỊ TRƯỜNG – GIÁ CẢ
Giá cao su thiên nhiên trong tuần từ ngày 24/3/2025 đến 28/3/2025
Từ ngày 24/3/2025 đến 28/3/2025, giá cao su thiên nhiên (CSTN) của các sàn giao dịch OSE, MRE và SICOM đều giảm. Giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Osaka – Nhật Bản (OSE) giao tháng 9/2025 là 2.319 USD/tấn, giảm 0,6%; giá cao su TSR 20 giao sau kỳ hạn tháng 4/2025 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.969 USD/tấn, giảm 0,1% so với tuần trước; giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 2.007 USD/tấn (-0,7%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam đạt mức 2.190 USD/tấn, không thay đổi so với ngày cuối tuần trước.
Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần
- Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE) tuần từ ngày 24/3/2025 – 28/3/2025, tồn kho CSTN dựa theo chứng từ đạt 200.250 tấn, tăng 1.310 (+0,7%) so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 200.771 tấn, giảm 100 (-0,1%) so với tuần trước.
Số liệu tồn kho dựa theo chứng từ (tấn) Warehouse receipt Inventory (tonnes) |
Số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai (tấn) Futures Inventory (tonnes) |
||||
Tuần từ ngày 17/3 – 21/3/2025 |
Tuần từ ngày 24/3 – 28/3/2025 |
Thay đổi |
Tuần từ ngày 17/3 – 21/3/2025 |
Tuần từ ngày 24/3 – 28/3/2025 |
Thay đổi |
198.940 |
200.250 |
+1.310 |
200.811 |
200.771 |
-100 |
Nguồn: Văn phòng HHCSVN tổng hợp từ SHFE
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế từ ngày 24/3/2025 – 28/3/2025
Từ ngày 24/3/2025 – 28/3/2025, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) công bố giảm. Giá RSS3 giao tháng 9/2025 đạt 2.319 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn (-0,6%) so với ngày đầu tuần và giảm 14 USD/tấn (-0,6%) so với ngày cuối tuần trước.
Nguồn: VRA tổng hợp từhttps://www.jpx.co.jp/english/
Trong tháng 3/2025, từ ngày 01 – 28/3, giá cao su RSS 3 (OSE) trung bình đạt 2.341 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, giảm 105 USD/tấn (-4,3%) so với mức giá trung bình tháng 02/2025 và tăng 181 USD/tấn (+8,4%) so với tháng 3/2024.
Kết thúc ngày cuối tuần, giá cao su TSR 20 trên Sàn Giao dịch SICOM (Singapore) giảm. Giá TSR 20 giao tháng 4/2025 đạt 1.969 USD/tấn, giảm 19 USD/tấn (-1,0%) so với ngày đầu tuần và giảm 1 USD/tấn (-0,1%) so với ngày cuối tuần.
Kết thúc tuần từ 24/3/2025 – 28/3/2025, tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB công bố giảm. Giá SMR 20 đạt 2.007 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn (-1,7%) so với ngày đầu tuần và giảm 14 USD/tấn (-0,7%) so với ngày cuối tuần trước.
Trong tháng 3/2025, từ ngày 01 – 28/3, giá SMR 20 trung bình do MRB công bố đạt 2.038 USD/tấn, giảm 36 USD/tấn (-1,7%) so với trung bình tháng 02/2025 và tăng 385 USD/tấn (+23,3%) so với tháng 3/2024.
TIN TỨC CẬP NHẬT VỀ EUDR
Cà phê Việt hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc trước khi EUDR có hiệu lực
Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc với cà phê và các sản phẩm nông lâm khác. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chạy đua để kịp thích ứng với thị trường tỷ đô.
Thời hạn thực thi EUDR sẽ bắt đầu từ ngày 30/12/2025 đối với doanh nghiệp lớn và 30/6/2026 đối với doanh nghiệp nhỏ. Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của EUDR, Việt Nam có ba nhóm hàng bị tác động chính, gồm gỗ, cao su và cà phê. Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu vào EU, tương đương hơn 1,1 tỷ USD, tiếp đến là gỗ (636 triệu USD) và cao su (252 triệu USD). Trước những yêu cầu khắt khe của EUDR, ngành cà phê Việt Nam đang gấp rút triển khai các biện pháp để đảm bảo đáp ứng quy định mới.
Từ thị trường Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, nhận định quy định chống phá rừng của EU không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường tại Bắc Âu. “Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm cà phê bền vững, minh bạch. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ EUDR tốt, đây có thể là lợi thế cạnh tranh quan trọng”, bà Thúy cho biết. Để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ EUDR, bà Thúy đưa ra các khuyến nghị quan trọng. Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo cà phê xuất khẩu không trồng trên đất rừng. Đồng thời, doanh nghiệp nên hợp tác với các hiệp hội nông dân, đầu tư vào công nghệ theo dõi chuỗi cung ứng để đảm bảo minh bạch và chính xác dữ liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm tuân thủ EUDR. Việc tham gia các hội chợ thương mại quốc tế như Stockholm Coffee Festival hay Copenhagen Coffee Fair cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và đối tác chiến lược. Việc tuân thủ EUDR có thể tốn kém, nhưng đây là bước đi cần thiết để doanh nghiệp duy trì xuất khẩu vào thị trường EU và củng cố uy tín với khách hàng quốc tế. Bắc Âu là khu vực chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần xem EUDR không chỉ là rào cản mà còn là cơ hội khẳng định trách nhiệm xã hội và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.
Xây dựng chuỗi sản xuất cao su xuyên biên giới đáp ứng EUDR
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đầu tư cao su Đông Nam Á, tạo mô hình sản xuất, thương mại xuyên biên giới nhưng truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng còn gặp nhiều khó khăn…
Việt Nam và Campuchia có mối liên hệ chặt chẽ trong đầu tư và thương mại cao su thiên nhiên (CSTN). Campuchia là điểm đến quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất CSTN và là nước xuất khẩu CSTN chính cho Việt Nam. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) là nhà đầu tư CSTN hàng đầu tại Campuchia, hiện có 16 dự án trồng cao su với diện tích gần 90.000 ha và 7 cơ sở chế biến tại Campuchia. Các công ty Việt Nam khác, cả công ty nhà nước và tư nhân, cũng đã đầu tư vào sản xuất CSTN tại Campuchia. Theo Cục hải quan Việt Nam, vào năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 938 tấn CSTN từ Campuchia, chiếm 65,9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam, trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Lượng nhập khẩu của Campuchia cao hơn sản lượng trong nước của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu CSTN quan trọng nhất của Việt Nam. Hầu hết CSTN sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu từ Campuchia đều được xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn CSTN sang Trung Quốc, trị giá 2,4 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu thiết yếu khác của Việt Nam bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Malaysia… Mặc dù không có thông tin nào về việc CSTN từ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc có được xuất sang EU và các thị trường khác hay không, nhưng có thông tin cho rằng một phần lượng nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được chuyển đến các thị trường tiếp theo thông qua các sản phẩm cuối cùng như lốp xe và chỉ thun.
Các thị trường tiêu dùng lớn như EU và Hoa Kỳ đang áp dụng các quy định ngày càng nghiêm ngặt về tính hợp pháp và không mất rừng liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu vào các thị trường này. Vào năm 2023, EU đã thông qua Quy định về chống phá rừng (EUDR) cấm 7 sản phẩm bao gồm cao su, nhập khẩu vào thị trường này nếu quá trình sản xuất các sản phẩm này gây ra tình trạng mất rừng. Các nhà nhập khẩu tại EU được yêu cầu đảm bảo sản phẩm của họ là hợp pháp và không gây mất rừng. Các sản phẩm cần có khả năng truy xuất nguồn gốc tới tận lô đất nơi trồng nông/lâm sản. Dự kiến các quy định ngày càng thắt chặt về tính hợp pháp và tính bền vững sẽ được áp dụng rộng rãi tại các thị trường lớn trong tương lai.
Thách thức khi tuân thủ EUDR
Bà Phan Trần Hồng Vân, đại diện của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết: “Các công ty Việt Nam hoạt động tại Việt Nam và các quốc gia khác bao gồm cả Campuchia đang có những bước đi mạnh mẽ để tuân thủ các yêu cầu của thị trường. EUDR đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành của chúng tôi. Các công ty có nguồn lực sẵn có và nền tảng vững chắc về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và môi trường sẽ có lợi thế so với các công ty chưa có sẵn các hợp phần này. Ngoài ra, chuỗi cung ứng hiện tại khá phức tạp, liên quan đến nhiều tầng thương lái và nhiều hộ tiểu điền. Khả năng truy xuất nguồn gốc vẫn là một thách thức đáng kể’’.
EUDR đang tạo ra những yêu cầu khắt khe đối với ngành cao su, đặc biệt là tại khu vực sông Mekong. Theo TS. Tô Xuân Phúc đại diện tổ chức Forest Trends, một trong những thách thức lớn nhất xuất phát từ đặc điểm sản xuất phân tán, manh mún của ngành cao su trong khu vực. Tỉ lệ cao su tiểu điền tại Campuchia là 44%, Lào 30% và Việt Nam khoảng 50%. Khác với các doanh nghiệp lớn có hệ thống quản lý chặt chẽ, các hộ tiểu điền thường thiếu hồ sơ pháp lý đầy đủ và gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EUDR. Một trong những rào cản chính là yêu cầu truy xuất nguồn gốc đến tận thửa đất trồng. Tại Việt Nam, 66% vườn cao su của nông hộ có diện tích dưới 3 ha. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao. Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Tất Đơ – đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh: “Hiện nay, cao su tiểu điền gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về thửa đất canh tác, việc ghi chép sản xuất chưa đầy đủ, khiến quá trình cung cấp bằng chứng chứng minh nguồn gốc trở nên phức tạp’’.
Ngoài vấn đề truy xuất nguồn gốc, ngành cao su trong khu vực cũng đối mặt với rủi ro về tính hợp pháp của nguyên liệu. Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng trộm mủ cao su, đặc biệt tại Lào. Theo một số doanh nghiệp, khoảng 20% mủ cao su của họ bị ăn trộm, và phần lớn lượng này được đưa vào xuất khẩu. Điều này tạo ra rủi ro pháp lý lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu nhập khẩu nguồn nguyên liệu không rõ ràng này. Để giải quyết vấn đề, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến nghị các nông hộ cần phối hợp thành lập các tổ hợp tác để cùng nhau xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tập huấn cho nông dân về việc ghi chép sản xuất và lưu trữ mủ cao su theo đúng tiêu chuẩn. Theo ông Trương Tất Đơ, để vượt qua những thách thức do EUDR đặt ra, ngành cao su khu cần sớm có giải pháp đồng bộ. Việc cải thiện hệ thống dữ liệu, hỗ trợ nông hộ tuân thủ quy định và đảm bảo tính hợp pháp của đất trồng sẽ là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU. Nếu không có sự chuẩn bị kịp thời, nhiều doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.
Hành động thích ứng với EUDR
Các sáng kiến nhằm làm sạch chuỗi cung ứng đang được triển khai ở nhiều quy mô khác nhau. Tại Việt Nam, Chính phủ đã hợp tác chặt chẽ với ngành cao su (cũng như ngành gỗ và cà phê) để chuẩn bị cho EUDR. Các chính sách mới đã được xây dựng và các nguồn lực được huy động để chuẩn bị cho các công ty cao su đáp ứng EUDR. Các công ty cao su, bao gồm cả công ty nhà nước và tư nhân, đang cố gắng làm sạch chuỗi cung ứng. Mai Vĩnh, một công ty tư nhân tại Việt Nam, hiện đang hợp tác với hơn 3.000 hộ trồng cao su để sản xuất CSTN tuân thủ EUDR. Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện để triển khai công tác EUDR và vào tháng 7/2024, DRI đã xuất bán thử nghiệm 2 công hàng theo quy định của EUDR cho khách hàng châu Âu. Theo đại diện của Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã hỗ trợ các thành viên bao gồm cả những công ty hoạt động tại Lào và Campuchia trong quá trình chuẩn bị cho EUDR. Chư Sê Kampong Thom nổi bật là mô hình thực hành tốt nhất về tuân thủ EUDR toàn diện. Với 16.000 ha cao su tại Campuchia, công ty đã đầu tư mạnh vào công nghệ số để cải thiện quản lý vườn cây và tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Định hướng tương lai
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nỗ lực tập trung vào các khía cạnh thương mại CSTN xuyên biên giới giữa các nước Mekong và đặc biệt là giữa Việt Nam và Campuchia. “Hiểu được các khía cạnh xuyên biên giới này có ý nghĩa rất lớn đối với EUDR. Trong khi việc thực hiện EUDR có thể thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong cách thức sản xuất, cung ứng và buôn bán cao su, đồng thời nâng cao tính bền vững trong chuỗi giá trị cao su, thì những người trồng cao su tiểu điền có nguy cơ bị thiệt thòi nếu họ không có khả năng thích ứng hoặc tiếp cận được sự hỗ trợ đầy đủ. Điều này đòi hỏi những nỗ lực chung từ các bên liên quan, bao gồm cả chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ”, TS. Tô Xuân Phúc của Forest Trends cho biết.
Theo bà Sophoan Phean, Giám đốc quốc gia của Oxfam tại Campuchia: “Oxfam đang hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Cao su thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, các tổ chức trong nước và quốc tế để xây dựng Hướng dẫn về CSTN bền vững của Campuchia, bản địa hóa Sổ tay tham gia cộng đồng từ bối cảnh Việt Nam sang Campuchia, cung cấp đào tạo kỹ năng về kết nối cộng đồng và bình đẳng giới cho các công ty thành viên của VRG tại Campuchia và Việt Nam. Hơn nữa, Oxfam và các đối tác hỗ trợ huy động các cá nhân, đơn vị sản xuất cao su quy mô tiểu điền để giúp họ có khả năng đàm phán về giá mủ cao su với các thương lái, đồng thời tăng cường sự đoàn kết và chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực này”.
TIN TRONG NƯỚC
Cao su sắp giao dịch trên sàn hàng hóa
Cao su là ngành hàng tiếp theo sẽ được giao dịch trên sàn hàng hoá từ nay đến cuối năm.
Cao su là mặt hàng tiếp theo dự kiến sẽ tiếp cận nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua sàn hàng hoá ngay trong năm nay. “Việc giao dịch qua sàn cũng giúp các công ty thành viên của tập đoàn có những khách hàng mới, cũng như được tiếp cận với các khách hàng ở các quốc gia khác và các tổ chức để có thể mang lại cái hiệu quả cao hơn”, ông Trần Như Hùng – Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho hay.
Hiện Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) đang niêm yết 45 mặt hàng, gồm 4 nhóm chính là nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng, với 40.000 tài khoản giao dịch. Trong thời gian tới, MXV sẽ tiếp tục tìm kiếm và đưa lên giao dịch những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là nông sản. Ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết: “Ngoài việc trở thành một nơi kết nối của người mua và người bán thì cũng tạo ra một hệ sinh thái để giúp cho những hoạt động về logistic, fowarding, cũng như cảng biển có một sự liên kết chặt chẽ với nhau… Từ đó hiện đại hoá, khai thông, hiện đại hoá về giao dịch khiến giao dịch hàng hoá dễ dàng hơn rất là nhiều”. Thông qua Sở Giao dịch Hàng hoá, nhà đầu tư không những có thể mua bán hàng hoá vật chất, mà còn có thể giao dịch tài sản hàng hoá phái sinh, giúp hàng hoá được lưu thông, thu hút nguồn vốn trong nước cũng như dòng vốn đầu tư trên toàn cầu.
Theo Phòng KD.XNK