THỊ TRƯỜNG RAU QUẢ.
Thái Lan đang tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trái cây, hướng đến các thị trường mới như Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan và Anh. Theo Cơ quan Thống kê Phi-lip-pin (PSA), xuất khẩu dứa của nước này năm 2024 đạt khoảng 787,12 triệu USD, tăng 7,5% so với năm 2023. Năm 2024, Tây Ban Nha nhập khẩu trái cây và rau quả tươi tăng 6% so với năm 2023. 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 686,9 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2024. Thị phần hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản tháng 01/2025 tăng so với cùng kỳ năm 2024.
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Thái Lan: Theo Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại Thái Lan (TPSO), xuất khẩu trái cây của nước này đã tăng đáng kể vào năm 2024, đạt 6,51 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng là mặt hàng trái cây xuất khẩu hàng đầu, đạt 3,79 tỷ USD. Trái cây tươi chiếm phần lớn trị giá xuất khẩu trái cây của Thái Lan trong năm 2024, đạt 5,15 tỷ USD.
Các loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất bao gồm sầu riêng, nhãn, măng cụt, dừa non và xoài. Riêng sầu riêng chiếm 72,9% doanh thu xuất khẩu trái cây tươi, trong đó xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc chiếm 97,4%, tiếp theo là xuất khẩu tới Hồng Kông, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a và Hoa Kỳ.
TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM
Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 02/2025 đạt 313,97 triệu USD, giảm 35,7% so với tháng 01/2025 và giảm 3,5% so với tháng 02/2024. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 686,9 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu hàng rau quả trong 2 tháng đầu năm 2025 là vì sản lượng sầu riêng xuất khẩu (mặt hàng chủ lực, đóng góp gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành) đã sụt giảm đáng kể khi các thị trường nhập khẩu siết chặt quy định kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Tính đến giữa tháng 2/2025, Việt Nam chỉ xuất khẩu 3.500 tấn sầu riêng (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2024). Thời gian qua, các các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... đã tăng cường kiểm soát chất lượng đối với sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt là tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt Nam lớn nhất. Từ ngày 10/1/2025, quốc gia này yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O (hợp chất có nguy cơ gây ung thư). Điều này khiến quy trình thông quan kéo dài, tăng nguy cơ hư hỏng hàng hóa, nên nhiều doanh nghiệp phải đưa hàng về tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Đồng thời, Mỹ có quy định yêu cầu doanh nghiệp đăng ký cơ sở sản xuất và đại diện tại nước này. Hai năm một lần, doanh nghiệp phải tái đăng ký để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ. Bên cạnh đó, vùng trồng và chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn như GlobalGAP, ISO, HACCP, USDA. Nông sản không được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn hay nấm mốc. Quá trình thu hoạch nông sản phải đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu.
Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cũng đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Sự gián đoạn này đã góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm 2025 giảm. Cơ cấu thị trường: Tháng 02/2025 so với tháng 01/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, gồm: Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất... Trái lại, xuất khẩu rau quả tăng tới các thị trường: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Đài Loan. So với tháng 02/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường: Trung Quốc, UAE, Hà Lan giảm; nhưng xuất khẩu tới các thị trường: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc và thị trường Đài Loan tăng khá mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều biến động so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm khá mạnh, đạt 305,8 triệu USD, chiếm 44,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ lại tăng mạnh, đạt 65,6 triệu USD, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Dừa, thanh long, xoài và hạnh nhân các mặt hàng có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hàng rau quả xuất khẩu sang Hoa Kỳ có được thuận lợi nhờ cộng đồng người Việt đông đảo tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý ảnh hưởng đến chất lượng và giá, khiến xuất khẩu khó đạt tỷ USD như thị trường Trung Quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng khả quan sang một số thị trường lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc và thị trường Đài Loan… Trong khi xuất khẩu tới các thị trường: Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Hà Lan đang có xu hướng giảm. 2 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã tích cực khai thác nhiều thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Úc. Sự nỗ lực này không chỉ nhằm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà còn để khẳng định vị thế của hàng rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo ra cơ hội cho việc phát triển bền vững ngành hàng rau quả Việt Nam trong thời gian tới.
Phòng KD.XNK